Nhờ đó, các doanh nghiệp (DN) từ Âu sang Á đều lạc quan về đầu tư tại Việt Nam.
Ngành dệt may Việt Nam đang hoạt động tốt. Ảnh: REUTERS
Phục hồi trong thách thức
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, cho biết, trong bối cảnh đại dịch và biến động địa chính trị toàn cầu, mặc dù dòng vốn đầu tư toàn cầu suy giảm, nhưng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn có khả năng tăng trưởng. Trang China Business News cũng cho biết, trong quý 1-2022, xuất khẩu điện thoại di động và linh kiện, sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện của Việt Nam vượt 27,3 tỷ USD, gần bằng mức xuất khẩu của nửa năm 2021 (cả năm là 57,54 tỷ USD).
Trong 10 năm qua, sự phát triển của Việt Nam không ảnh hưởng đến việc làm, xuất khẩu và ngoại thương của Trung Quốc. Việt Nam đã tái cấu trúc chuỗi ngành nghề, điều này thúc đẩy quan hệ thương mại song phương phát triển. Việt Nam nhập khẩu một số lượng lớn nguyên liệu thô hoặc linh kiện từ Trung Quốc để lắp ráp và xuất khẩu. Theo số liệu thống kê của Hải quan Trung Quốc, kim ngạch thương mại Trung - Việt năm 2021 lần đầu tiên vượt 200 tỷ USD, đạt 230,2 tỷ USD, tăng 19,7%. Thặng dư của Trung Quốc với Việt Nam là khoảng 45 tỷ USD. Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam và Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Kinh tế Việt Nam đã ổn định và phục hồi từ quý 4-2021 nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao và quyết định “bình thường mới”. Trong năm nay, xuất khẩu sẽ tiếp tục là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngoài điện tử, ngành dệt may sử dụng nhiều lao động và gỗ cũng đang hoạt động tốt. Hầu hết các chuyên gia kinh tế dự đoán kinh tế của Việt Nam có thể phục hồi mạnh mẽ hơn trong quý 2-2022.
Niềm tin tiếp tục tăng
Theo mạng tin Fibre2Fashion, chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) của Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam cho thấy niềm tin của DN châu Âu vào môi trường đầu tư của Việt Nam tiếp tục tăng vào đầu năm 2022. Trong quý 1-2022, chỉ số này đã tăng lên 73 điểm, một lần nữa đạt mức cao nhất kể từ sau làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4.
Thông cáo báo chí EuroCham tại Việt Nam cho biết, chỉ số trên tăng 12 điểm so với quý 4-2021, bên cạnh mức tăng gần 58 điểm so với quý 3-2021, với việc các nhà lãnh đạo DN hiện lạc quan hơn sau khi Việt Nam nới lỏng các hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19 và tiếp tục tăng tốc phát triển kinh tế. Các nhà lãnh đạo DN châu Âu nhìn chung cũng ngày càng lạc quan trước khả năng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam thời gian tới. Hơn 2/3 số người được hỏi tin rằng nền kinh tế Việt Nam có nhiều khả năng ổn định và cải thiện trong quý 2-2022, tăng so với mức 58% của quý 4-2021.
Cùng lúc này, Chủ tịch cấp cao Tập đoàn Charoen Pokphand của Thái Lan (Tập đoàn CP) Dhanin Chearavanont đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng, hấp dẫn nhất trong khu vực Đông Nam Á và cam kết tiếp tục ưu tiên mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới. Ông Chearavanont đưa ra đánh giá này tại buổi làm việc với Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành.
Khoản đầu tư đầu tiên của Tập đoàn CP vào Việt Nam được thực hiện kể từ năm 1993 thông qua Công ty C.P. Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực nông - công nghiệp, thực phẩm khép kín. Đây là DN nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam với hơn 30.000 lao động. Vào năm 2020, Tập đoàn CP đã khánh thành nhà máy chế biến gà xuất khẩu tại tỉnh Bình Dương với công suất 50 triệu con/năm trong giai đoạn 1 và tiến tới công suất 100 triệu con/năm trong giai đoạn 2.