Việt Nam trở thành nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới

(ĐTTCO) - Theo số liệu thống kê của WTO, Việt Nam đã vượt Bangladesh trở thành nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới.
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Tổng Công ty May 10 tại Sài Đồng, Long Biên - Hà Nội - một đơn vị thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex). Ảnh: Anh Tuấn: TTXVN
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Tổng Công ty May 10 tại Sài Đồng, Long Biên - Hà Nội - một đơn vị thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex). Ảnh: Anh Tuấn: TTXVN

Trang tin fashionunited.de ngày 2-8 dẫn số liệu thống kê mới nhất về thương mại thế giới năm 2021, do Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) công bố, cho biết Việt Nam đã vượt Bangladesh trở thành nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, trong năm 2020, xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam tăng trưởng 6,4% với giá thị trường đạt 29 tỷ USD.

Trong 10 năm qua, thị phần của Việt Nam trên thị trường xuất khẩu hàng may mặc toàn cầu đã gia tăng mạnh mẽ. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực hàng may mặc của Bangladesh đã giảm từ 6,8% xuống còn 6,3% trong năm 2020.

Với số liệu này, Việt Nam đã vượt qua Bangladesh về xuất khẩu hàng may mặc, chỉ đứng sau Trung Quốc - quốc gia có thị phần chiếm 31,6% (giảm 7% trong năm 2020), với giá trị xuất khẩu đạt 142 tỷ USD.

Sản lượng hàng may mặc của Bangladesh sụt giảm mạnh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến các nhà máy phải đóng cửa do nhiều nhãn hàng phương Tây hủy hợp đồng hoặc trì hoãn việc thanh toán.

Trong khi đó, Việt Nam đã tìm cách đa dạng hóa sản xuất, không chỉ là hàng may mặc thời trang nhanh (giá rẻ, hợp thời trang) mà còn cả quần áo và phụ kiện tầm trung và cao cấp.

Năm 2019, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã ký Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và điều này cũng giúp thúc đẩy đáng kể xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường châu Âu.

Đồng tiền của Việt Nam so với đồng USD ít có sự biến động về giá khi thị trường sụt giảm. Đời sống chính trị xã hội Việt Nam ổn định hơn so với các nước như Bangladesh, Ấn Độ và người dân được tiếp cận với cơ sở hạ tầng giáo dục và chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Ngoài ra, do có vị trí gần Trung Quốc, Việt Nam có lợi thế trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu thô và máy móc phục vụ sản xuất.

Các tin khác