Mì gói, bột, bún khô đều khó mua
Dịch Covid-19 tại TPHCM vẫn đang diễn biến phức tạp. Dù các quận huyện đã tổ chức phát phiếu đi chợ, đi siêu thị với tần suất 2-3 lần mỗi tuần, nhưng nhiều người phản ánh vẫn khó mua hàng, nhất là các mặt hàng thiết yếu như đồ khô, thực phẩm tươi sống.
Những ngày gần đây, chị Thanh Thanh (quận Phú Nhuận) cho biết rất khó tìm mua được mặt hàng mì tôm, bún, mì, miến khô các loại tại nhiều điểm bán gần nhà. Chị cho biết trên quầy một cửa hàng thực phẩm lớn, thương hiệu mì quen thuộc cả nhà hay dùng đã hết sạch. Nhiều ngày nay, kệ hàng chỉ còn lại loại mì với giá khá cao, từ 15.000 đồng mỗi gói.
Ghi nhận tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi cũng cho thấy những ngày gần đây, mì ăn liền, phở, hủ tiếu ăn liền đã không đa dạng thương hiệu như trước. Các nhân viên siêu thị cho hay, mì, bún, miến về theo từng đợt, dù không nhiều nhưng hiện đã là phong phú hơn so với khoảng nửa tháng trước.
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, người trực tiếp kết nối, làm việc với các doanh nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm những ngày qua, xác nhận hiện các doanh nghiệp vẫn đang sản xuất, nhưng thời gian qua có một số vấn đề ảnh hưởng khiến mì gói, bún có hiện tượng thiếu hụt.
Theo bà Chi, với mì gói, mỗi năm các doanh nghiệp sản xuất trên 6 tỷ gói, phục vụ cho nhu cầu cả nước. Việc lưu thông hàng hóa khó khăn thời gian qua khiến nguyên liệu đưa về TPHCM có thời điểm bị gián đoạn.
"Chẳng hạn, hành lá tại Bà Rịa - Vũng Tàu rất nhiều và gần TPHCM nhưng khó đưa về. Bởi thương lái không thể thuê được xe, cộng thêm chi phí xét nghiệm. Chúng tôi tôi đứt hành, các gói nêm thiếu hành. Thiếu như vậy thì không sản xuất được, vì bao bì đã ghi đủ các thành phần. Nhà sản xuất phải đảm bảo theo đúng quy định", bà Chi nói.
Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM đề xuất đối với các loại nguyên liệu phụ như gia vị, hương liệu, phụ gia… trong tình cảnh cấp bách cần cho phép doanh nghiệp tìm loại khác thay thế, hoặc điều chỉnh tăng giảm hàm lượng phù hợp mà vẫn đảm bảo không ảnh hưởng chất lượng, tính an toàn và đặc trưng cơ bản của sản phẩm.
Ngoài ra, với ngành chế biến lương thực thực phẩm, tất cả nguồn nguyên liệu hầu như từ các tỉnh thành đưa về TPHCM. Do đó, việc lưu thông hàng hóa phải thực sự thuận lợi thì chuỗi cung ứng mới không bị gián đoạn, nguồn cung không bị đứt gãy trong lúc nhu cầu đang ở mức cao.
“3 tại chỗ” cần linh hoạt
Nhiều doanh nghiệp cũng cho biết sau khoảng nửa tháng thực hiện “3 tại chỗ” đã nảy sinh nhiều vấn đề. Ông Đoàn Võ Khang Duy, Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp Cơ khí - Điện TPHCM, cho rằng "3 tại chỗ" hiện nay chỉ có thể là giải pháp tình thế, và doanh nghiệp duy trì tối đa khoảng một tháng.
Phó chủ tịch Hội dệt may thêu đan TPHCM Phạm Văn Việt cũng cho hay, ngành dệt may là một trong những ngành đóng góp kim ngạch xuất khẩu lớn và sử dụng lực lượng lao động đông đảo. Đến nay, số doanh nghiệp trong ngành đáp ứng được 3T chưa nhiều. Với tình hình dịch diễn biến phức tạp, tâm lý người lao động muốn về quê, cộng với việc các tỉnh dự kiến đón người lao động về địa phương nên doanh nghiệp sản xuất càng gặp khó khăn.
Tại các doanh nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, bà Lý Kim Chi cũng thông tin từ khi các tỉnh thành có chủ trương đón người lao động về, công nhân có phần xao động khiến các doanh nghiệp phải làm thêm nhiệm vụ “dân vận”, động viên tinh thần người lao động.
“Doanh nghiệp khoảng 100 công nhân khá đơn giản nhưng doanh nghiệp 300 -1.000 người sẽ có một loạt vấn đề, phải ổn định tài chính, dân vận, xoa dịu động viên người lao động”, bà Chi nói.
Các doanh nghiệp kiến nghị TPHCM cần có giải pháp thay thế, cải tiến linh hoạt theo từng mô hình doanh nghiệp hoặc địa phương.
Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi cho biết để sản xuất an toàn, cho đến nay các doanh nghiệp đang triển khai hai phương thức sản xuất “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến”. Tuy nhiên, ông nêu quan điểm không nên gò bó hai phương thức này.
Cụ thể, nếu như từng loại hình doanh nghiệp có phương thức bảo đảm sản xuất an toàn thì có thể đề xuất. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TPHCM sẽ chỉ đạo cho Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quận, huyện cùng với ngành chức năng thẩm định và vận hành theo phương thức đó.
Ông lưu ý dù phương thức nào thì cũng phải dựa trên nguyên tắc làm sao thực sự giảm tiếp xúc, giảm lây nhiễm để chăm lo đời sống, sức khỏe về vật chất, tinh thần cho người lao động.
Vvề lâu dài, thành phố đang đề nghị ngành xây dựng cũng như một số ngành liên quan nghiên cứu mô hình nhà ở cho công nhân của Singapore đã làm; nghiên cứu để có những khu ở dã chiến nhưng đảm bảo điều kiện cơ bản cho sinh hoạt, điều kiện ăn ở, vì đây là yếu tố quyết định cho sức khỏe, năng suất của công nhân.