Quan tâm đến nhu cầu cũng như tình hình đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam; Tìm hiểu quy trình triển khai đầu tư, sản xuất an toàn tại các khu công nghiệp; Cập nhật những điểm mới trong pháp luật Việt Nam về đầu tư nước ngoài là những vấn đề được các nhà quản lý, doanh nghiệp (DN) hai nước Việt Nam và Nhật Bản quan tâm bàn luận tại Hội thảo trực tuyến “Kết nối đầu tư Việt Nam - Nhật Bản” do Cục Xúc tiến thương mại (XTTM – Bộ Công Thương) tổ chức ngày 22/9 vừa qua.
Nhiều cơ hội đầu tư lớn
Chia sẻ về nhu cầu hợp tác đầu tư với các đối tác Nhật Bản, ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc Trung tâm XTTM và Đầu tư TP.HCM (ITPC) cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang được kiểm soát tốt, thành phố ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài trong các dự án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với quy mô lớn và hiện đại trong các lĩnh vực giao thông, kinh tế số, y tế và giáo dục. TP.HCM cũng thu hút đầu tư phát triển các dự án bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh…
“Để thực hiện được điều này, thành phố kiên trì kiến nghị Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ DN cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền; Các chính sách về giãn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cũng như áp dụng linh hoạt và nới lỏng các quy định, điều kiện về việc cấp, gia hạn giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài làm việc cho DN phù hợp với bối cảnh mới. Cùng với đó, thành phố xem xét, quyết định việc áp dụng cơ chế nhập cảnh đặc biệt đối với một số trường hợp đặc thù, cụ thể việc công nhận lẫn nhau về “hộ chiếu vaccine” với các quốc gia, vùng lãnh thổ nhằm sớm mở cửa nền kinh tế khi điều kiện cho phép”, ông Lữ khẳng định.
Theo ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, với định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành một đô thị sinh thái thông minh và là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đạt đẳng cấp khu vực châu Á, Đà Nẵng đang tập trung, chú trọng vào 5 lĩnh vực mũi nhọn: Du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; Cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics; Công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; Công nghiệp CNTT, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; Nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp.
“Để hiện thực mục tiêu này, TP Đà Nẵng mong muốn thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác đầu tư và thương mại với Nhật Bản. Thành phố xác định Nhật Bản là một trong những đối tác trọng điểm có tiềm lực mạnh về tài chính và kỹ thuật, cần tập trung thu hút đầu tư vào thành phố trong các lĩnh vực mũi nhọn mà thành phố đang định hướng phát triển. Chính quyền thành phố cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Nhật Bản thiết lập và triển khai dự án đạt hiệu quả tại Đà Nẵng”, ông Minh quả quyết.
Doanh nghiệp không tính đến việc chuyển hướng đầu tư
Nhận định về tình hình đầu tư tại Việt Nam, ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện văn phòng Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội cho biết, thời gian qua, dịch Covid-19 tại Việt Nam và toàn cầu đã khiến chuỗi cung ứng quốc tế bị gián đoạn, không đáp ứng được nhu cầu đầu tư cũng như hoạt động của các DN Nhật Bản. Đã có những lúc, các DN có cảm giác bế tắc cũng như nhận thấy sự gia tăng rủi ro khi đầu tư vào Việt Nam, nhất là quy trình cách ly trong thời gian dài khi xuất - nhập cảnh; có sự chậm trễ trong việc xin giấy phép cho đội ngũ kĩ sư, người lao động nước ngoài…
“Đến thời điểm hiện tại có thể thấy những kết quả trong phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ, chính quyền các địa phương và toàn xã hội là thành công và sự nỗ lực lớn của Việt Nam. Mặc dù thời gian tới hoạt động đầu tư cũng như việc duy trì sản xuất còn có thể gặp nhiều khó khăn nhưng với năng lực hiện tại, nhiều DN vẫn có thể chịu đựng được, không tính đến tình trạng phải dừng hoạt động hoặc di dời điểm đầu tư. Tuy nhiên, các DN cũng cần hết sức chú ý thực hiện và theo dõi hiệu quả của các biện pháp giãn cách và triển khai tiêm vaccine”, ôngTakeo Nakajima chỉ rõ.
Là đầu mối quan trọng về xúc tiến thương mại và kêu gọi đầu tư, trong những năm qua, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) luôn phối hợp với các tổ chức xúc tiến thương mại và đầu tư của Nhật Bản tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại – đầu tư giữa hai nước, nhằm tạo kênh trao đổi thông tin trực tiếp giữa DN hai bên.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, tại các sự kiện xúc tiến thương mại – đầu tư đã được tổ chức, các DN Nhật Bản luôn bày tỏ sự quan tâm của mình với thị trường Việt Nam và mong muốn được đến Việt Nam để nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn về thị trường và tiềm năng sản xuất của các doanh nghiệp Việt. Hội thảo Giao thương trực tuyến kết nối ffầu tư Việt Nam – Nhật Bản lần này sẽ giúp các DN, nhà đầu tư giải đáp thắc mắc về vấn đề liên quan đến tình hình dịch bệnh tại Việt Nam.
“Các DN cùng các nhà đầu tư Nhật Bản đã có góc nhìn mới cũng như đưa ra các giải pháp liên quan, đặc biệt trong việc phối hợp hiệu quả với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, để duy trì sản xuất kinh doanh an toàn và hiệu quả trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay tại Việt Nam. Đặc biệt, phiên giao thương kết nối trực tiếp với các khu công nghiệp đã giúp các nhà đầu tư Nhật Bản có được thông tin đầy đủ về phương án đầu tư, hiểu biết quy trình sản xuất và bố trí ăn ở, đi lại cho người lao động khi triển khai đầu tư, sản xuất an toàn tại các khu công nghiệp”, ông Phú bày tỏ.
Hiện nay, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam với tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2020 đạt 40 tỷ USD. Trong 7 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Nhật Bản đạt 24,5 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Về đầu tư, Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 2 tại Việt Nam với 4.690 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký là 62,9 tỷ USD, chiếm khoảng 16% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp Nhật Bản đã thực hiện đăng ký vốn đầu tư vào Việt Nam đạt 3,2 tỷ USD.