Vị trí quán quân: Vietcombank chưa có đối thủ
Cuộc đua thứ hạng vốn điều lệ của các ngân hàng đang diễn ra rất gay cấn, cùng với đích ngắm là vị trị dẫn đầu về lợi nhuận.
Tại mùa đại hội đồng cổ đông năm nay, hàng loạt ngân hàng rầm rộ lên kế hoạch tăng vốn cũng như kế hoạch tăng lợi nhuận khủng. Nếu những kế hoạch này thành công, thứ hạng vốn của các ngân hàng sẽ có sự đổi ngôi mạnh mẽ, kéo theo sự thay đổi đáng kể về lợi nhuận.
Tuy vậy, trước mắt, rất khó có ngân hàng nào có thể vượt qua Vietcombank để giành vị trí quán quân.
Mặc dù chỉ đứng thứ 3 hệ thống về vốn điều lệ, song Vietcombank đang là nhà vô địch về lợi nhuận, giá trị vốn hóa thị trường và vốn chủ sở hữu.
Tính đến phiên giao dịch ngày 19-5, tổng giá trị vốn hóa của Vietcombank là hơn 350.000 tỷ đồng, cao gấp đôi giá trị vốn hóa của ngân hàng đứng vị trí liền kề. Vietcombank cũng là ngân hàng duy nhất có vốn chủ sở hữu vượt 100.000 tỷ đồng và là ngân hàng duy nhất 2 năm nay đạt lợi nhuận xấp xỉ 1 tỷ USD.
Quý I-2021, ngân hàng này thu về 8.631 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và dự kiến cả năm vượt 25.200 tỷ đồng lợi nhuận, tiếp tục đứng ở vị trí dẫn đầu. Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho hay, dự kiến đến năm 2025, lợi nhuận của Vietcombank sẽ đạt 2 tỷ USD, gấp đôi con số của năm 2020.
Quan trọng hơn, nhìn về dài hạn, Vietcombank có rất nhiều dư địa tăng trưởng bền vững nhờ những lợi thế và nền tảng “sức khỏe” tốt: quy mô nguồn tiền rẻ lớn nhất hệ thống, bán lẻ và dịch vụ tăng rất nhanh (hơn 50% lợi nhuận năm 2025 sẽ đến từ bán lẻ), chất lượng khách hàng tốt, kéo theo tỷ lệ nợ xấu rất thấp, tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên tới 380%...
Đặc biệt, dù tốc độ tăng vốn điều lệ không mạnh bằng một số ngân hàng TMCP tư nhân khác, song dư địa tăng vốn của Vietcombank còn khá lớn nhờ nguồn lợi nhuận giữ lại dồi dào. Đến cuối năm 2020, ngân hàng này còn gần 35.500 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối, cộng thêm khoảng 20.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của năm 2021. Sau khi chia cổ tức và trích các quỹ, Vietcombank vẫn còn nguồn để tăng vốn nếu muốn.
Chưa kể, hiện vốn chủ sở hữu nhà nước tại Vietcombank vẫn lên tới gần 75%, room nước ngoài chỉ mới xấp xỉ 23%. Như vậy, Vietcombank vẫn còn dư địa thu về hàng tỷ USD nhờ thoái vốn nhà nước hoặc phát hành riêng lẻ cho cổ đông ngoại.
VietinBank, Techcombank và VPBank đua tranh vị trí á quân
Chiếc ghế á quân lợi nhuận của hệ thống ngân hàng đang chứng kiến sự ganh đua quyết liệt giữa VietinBank, Techcombank và VPBank.
Từ năm 2020 và quý I-2021, VietinBank đã trở lại đường đua lợi nhuận, đứng ở vị trí á quân hệ thống về lợi nhuận. Tuy nhiên, nhìn vào báo cáo tài chính có thể thấy, động lực tăng trưởng chính của ngân hàng này đến từ giảm trích lập dự phòng rủi ro.
Quý I-2021, lợi nhuận của VietinBank tăng tới 2,7 lần, chủ yếu nhờ giảm 70% trích lập dự phòng. Nếu so sánh tốc độ tăng trưởng lãi thuần và doanh thu ngoài lãi, VietinBank tỏ ra thua kém nhiều ngân hàng TMCP tư nhân khác.
Cùng với cuộc đua lợi nhuận, trên sàn chứng khoán, thị giá cổ phiếu CTG, TCB, VPB, MBB của các ngân hàng VietinBank, Techcombank, VPBank, MB cũng liên tục tăng nóng.
Với lợi thế riêng có của từng ngân hàng, chắc chắn, cuộc đua thứ hạng thời gian tới sẽ ngày càng gay cấn, hấp dẫn.
Thị trường sẽ không chỉ chứng kiến “sao đổi ngôi” trong cuộc đua tăng vốn, tăng lợi nhuận, mà còn chứng kiến cả sự thay đổi thứ hạng về giá trị vốn hóa của các ngân hàng.
Nhiều khả năng, ngay trong năm nay, vị trí á quân lợi nhuận của VietinBank sẽ rơi vào tay Techcombank khi ngân hàng này đặt mục tiêu lợi nhuận gần 20.000 tỷ đồng, chỉ sau Vietcombank. Với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận hiện tại, cộng thêm lợi thế tiền gửi không kỳ hạn và hệ sinh thái Masan - Vingroup, Techcombank đang thu hẹp dần khoảng cách lợi nhuận với Vietcombank.
Mặc dù quý I-2021, MB kịp vượt mặt VPBank để lọt vào top 4 ngân hàng cao nhất về lợi nhuận, song MB có thể không giữ được vị trí này lâu và VPBank mới là nhân tố bí ẩn nhất trong cuộc đua thứ hạng ngân hàng. Thực tế, trong khối ngân hàng TMCP tư nhân hiện nay, VPBank là ngân hàng có doanh thu lớn nhất, vượt mặt cả Techcombank. Nguyên nhân khiến lợi nhuận của VPBank thua các đối thủ là trích lập dự phòng rủi ro quá lớn.
Tuy nhiên, với thương vụ M&A đình đám vừa ký kết (bán 49% vốn tại FE Credit và thu về gần 1,4 tỷ USD) cùng kế hoạch tăng vốn điều lệ lên gấp 3 lần vào năm 2022, VPBank đang hứa hẹn tạo đột phá về lợi nhuận.
Với mức vốn điều lệ dự kiến tối thiểu 75.000 - 80.000 tỷ đồng vào năm 2022, VPBank sẽ trở thành quán quân vốn điều lệ toàn hệ thống và nhanh chóng nâng hệ số CAR lên 20%, từ đó mở rộng cho vay, tăng trưởng mạnh lợi nhuận. Chưa kể, thương vụ bán cổ phần cho đối tác chiến lược theo kế hoạch diễn ra vào cuối năm 2021 cũng dự kiến mang về cho ngân hàng này thêm hàng chục ngàn tỷ đồng.
Với nguồn vốn “khủng” thu về từ các thương vụ M&A, việc VPBank có thể vươn lên vị trí á quân về lợi nhuận những năm tới là khả năng không thể loại trừ. Nhìn vào danh mục cho vay, có thể thấy, ngoài tín dụng tiêu dùng, VPBank đang có rất nhiều “gà đẻ trứng vàng” khác như bán lẻ, doanh nghiệp nhỏ.