Cụ thể, VietinBank tăng vốn điều lệ thông qua việc dùng 12.330 tỷ đồng lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức bằng cổ phiếu, khối lượng phát hành hơn 1,2 tỷ cổ phiếu. Khoản này bao gồm 9.597 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2021 và 2.733 tỷ đồng lợi nhuận còn lại luỹ kế đến hết năm 2016.
Trước đó, ĐHCĐ thường niên 2022 của VietinBank cũng đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 48.057 tỷ đồng lên 53.700 tỷ đồng nhưng chưa được hoàn tất. Nguồn thực hiện từ lợi nhuận còn lại năm 2020.
Do đó, nếu tại thời điểm phát hành, vốn điều lệ VietinBank vẫn đang ở mức 48.058 tỷ đồng thì tỷ lệ chia cổ tức tương đương với 25,6%. Vốn điều lệ dự kiến tăng lên 60.387 tỷ đồng. Trường hợp tại thời điểm phát hành, NH đã hoàn tất việc tăng vốn lên 53.700 tỷ, thì tỷ lệ chia cổ tức là 22,9%. Vốn điều lệ sau khi phát hành thành công là 66.030 tỷ đồng.
Theo VietinBank, thời gian hoàn thành việc tăng vốn điều lệ thực hiện theo quy định tại giấy phép/chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền.
Về kế hoạch kinh doanh, VietinBank đặt mục tiêu đến cuối năm 2023, tổng tài sản tăng trưởng 5-10% so với đầu năm, dư nợ tín dụng tăng theo hạn mức được NHNN giao trong từng thời kỳ, nguồn vốn huy động tăng trưởng phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng, đảm bảo các chỉ số an toàn thanh khoản, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng kiểm soát dưới 1,8%. Riêng lợi nhuận trước thuế riêng lẻ, tỷ lệ chi trả cổ tức và cơ cấu chi trả (tiền mặt, cổ phiếu) theo sự phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo lãnh đạo VietinBank, tính đến 31-3, dư nợ tín dụng (gồm cả cho vay và trái phiếu doanh nghiệp) của VietinBank tăng 4,6%, gấp gần 2 lần mức tăng chung. Trong đó, cho vay tăng 58.091 tỷ đồng (tăng 4,61%), cho vay trái phiếu giảm 50 tỷ đồng, tương đương giảm 1,43%. Tỷ lệ nợ xấu hiện tại cuối quý I-2023 là 1,28%
Tăng trưởng tín dụng tập trung chủ yếu vào khách hàng doanh nghiệp, còn lại là khách hàng bán lẻ. Room tín dụng NH được cấp năm 2022 là 12,47% và giai đoạn đầu của năm 2023 là 8,7%.