LTS: Làm nghề nào trong xã hội cũng cần phải có tâm với nghề. Nghề báo lại càng cần như vậy. Ngòi bút của nhà báo gắn liền với đạo đức nghề nghiệp. Đó chính là tính chiến đấu; ủng hộ, bảo vệ cái tích cực; góp phần đẩy lùi tiêu cực, mang lại công bằng xã hội. Để ngòi bút sắc bén được phát huy, rất cần cái tâm của nhà báo. Đó là mong mỏi của độc giả chân chính và cũng là cái đích hướng tới của nhà báo hôm nay. Kỷ niệm 90 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam, ĐTTC trích đăng những chia sẻ của một số nhà báo.
Nuôi lửa giữ nghề
Người ta thường nói làm báo là “nghề chọn mình” bởi để bám trụ lại được với nghề nghiệp nhiều nghiệt ngã này, hoàn toàn không đơn giản. Nhưng tôi thuộc vào diện những người “vồ” lấy nghề.
Năm 18 tuổi, tôi cãi ba mẹ tôi - những nhà giáo yêu nghề bậc nhất - một trận để quyết thi vào đại học báo chí thay vì sư phạm theo mong ước của 2 người. Còn nhớ thời điểm đó, ba tôi đe “Đã chọn, sau này có sướng khổ gì cũng không được kêu, không được hối hận”.
Sau này nghĩ lại, có lẽ thời điểm tôi nước mắt ngắn dài đó cũng là một trong những bước ngoặt quan trọng để thay đổi cuộc đời mình. 4 năm trên ghế trường đại học với hành trang là vài ba chục tin bài cộng tác trên nhiều tờ báo, tôi về báo Sài Gòn Giải Phóng, trực tiếp công tác trên ấn phẩm Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính với hoài bão lớn lao, những ước vọng của thời sinh viên vẫn còn nóng hôi hổi nơi ngòi bút. Nhưng không như những mơ ước khi còn ngồi trên giảng đường, thực tế công việc đã “đập” cho tôi những trận đòn tơi tả.
Chân ướt chân ráo vào tòa soạn, tôi được phân công đi phỏng vấn một vị bộ trưởng. Tôi thực sự ngỡ ngàng và không hiểu tại sao tòa soạn lại “liều mạng” giao bài viết quan trọng cho 1 phóng viên tập sự chưa hề có kinh nghiệm viết về kinh tế, chưa từng phỏng vấn chính khách, thậm chí những câu hỏi mang tầm vĩ mô cũng hoàn toàn xa lạ. Mất bao công sức để xin được số điện thoại, sau năm lần bảy lượt gọi điện, may sao bộ trưởng cũng nghe máy và đồng ý trả lời phỏng vấn qua văn bản.
Tôi vui quá mà quên mất điều quan trọng là không hỏi gửi câu hỏi vào đâu, hòm mail cá nhân, số điện thoại thư ký của bộ trưởng… hay một đầu mối thông tin nào khác. Sai lầm đó đã khiến tôi khổ sở trong suốt thời gian dài bởi không thể nào gọi lại cho vị bộ trưởng được nữa. Lại mất thêm bao công sức tôi mới tìm được thư ký của bộ trưởng và sau đó liên tục nhắn, thậm chí năn nỉ vì ngày nộp bài đã đến.
Khi bị quát thẳng vào mặt “Em làm phiền quá đấy”, tôi đã bật khóc vì quá tủi thân. Đem chuyện này kể với một anh trong tòa soạn, anh cười xòa: “Bình thường thôi, phóng viên đôi khi là phải mặt dày”. Và anh kể cho tôi nghe kỷ niệm ngày đầu anh làm báo, thậm chí còn phải đứng chờ trước cửa nhà riêng một chính khách hàng mấy tiếng đồng hồ, bất chấp bị xua đuổi chỉ để xin một cuộc hẹn.
Đã 8 năm trôi qua kể từ cái ngày đầu tiên đó, tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều. Những chuyến đi, những cuộc gặp gỡ, những va vấp kế tiếp trong quá trình làm báo đã tặng cho tôi một thứ vô giá: kinh nghiệm. Tuy nhiên, con đường làm báo không bao giờ dễ dàng, ta có thể sai lầm ngay ở những thứ tưởng chừng đơn giản nhất, như quên không bấm nút “lưu” ở trên máy ghi âm, đặt câu hỏi bị “hớ”, phỏng vấn không đúng người, bị xua đuổi, bị đe dọa, những chuyến đi vất vả nhưng ra về tay không…
Trải qua tất cả những thứ đó, tôi đã nghiệm ra rằng làm báo là những lần liên tục vấp ngã, không ai có thể đảm bảo được mình sẽ không sai lầm nữa, vấn đề là mình không va vấp 2 lần ở đúng 1 chỗ. Khi có cơ hội được đứng trên bục giảng để chia sẻ với các em sinh viên, tôi đã nói rằng đừng bao giờ chủ quan với nghề nghiệp, đừng nghĩ làm báo là nghề dễ dàng “cần gì phải học”.
Nhiều người hỏi tôi sau 8 năm làm báo có hối tiếc không khi ngày đó không chọn con đường khác. Câu trả lời luôn luôn là không. Con đường tôi đã đi, những kinh nghiệm tôi đã có, những chân trời mà tôi có cơ hội ghé thăm trên đường tác nghiệp, những đồng nghiệp tốt bụng mà tôi trân trọng… luôn luôn là những gia tài vô giá mà nghề báo đã trao tặng.
Dù có không ít thời gian ngọn lửa nghề nghiệp bị lung lay, nhưng nếu thời gian quay lại 12 năm trước, chắc chắn tôi vẫn sẽ tiếp tục làm “con hư” để chọn con đường này - con đường mà dù một vài thời điểm nào đó trong cuộc đời, bạn có thể rời xa nhưng luôn hẹn một ngày tái ngộ. Lửa nghề là thứ không dễ gì dập tắt.
Tâm huyết và cống hiến
Nghề báo là một nghề đặc thù, vừa chặt chẽ lại vừa sáng tạo nên từ đó cũng có vô số cách tiếp cận và làm nghề khác nhau, và cũng có vô vàn kiểu yêu nghề. Một nhà báo kỳ cựu đoạt nhiều giải thưởng báo chí với các bài phóng sự - điều tra, đã từng nói: Đã làm báo phải lãng mạn, phải nghĩ rằng bài báo mình viết ra có thể thay đổi cả thế giới. Thoạt nghe, có vẻ hơi phi lí trí, thậm chí có phần “vĩ cuồng” nhưng ngẫm lại thấy đúng.
Những năm qua, không ít tờ báo rơi vào giai đoạn khó khăn, dẫn đến phải tái cấu trúc như doanh nghiệp, giảm lương, giảm người, giảm nhuận bút, và điều này tác động trực tiếp đến những người cầm bút. Nhưng họ vẫn gắn bó với nghề, với tờ báo của mình với kỳ vọng sau cơn mưa, trời lại sáng, mặc dù chưa biết khi nào sẽ… sáng, rõ ràng là rất lãng mạn.
Trong khó khăn, cũng chỉ có yếu tố tinh thần mới giúp con người trụ vững, sự lãng mạn là rất cần thiết. Hay như việc những nhà báo từ bỏ vị trí công tác thuận lợi để về gầy dựng một tờ báo mới từ đầu, cũng chỉ bởi một lý do yêu nghề, khao khát được làm nghề.
Một điều rất rõ ràng là khi mới bước chân vào làng báo với nghiệp vụ chưa vững, kinh nghiệm non nớt, chỉ có sự yêu nghề, khát khao viết ra những bài báo tốt đẹp, mới giúp cho người viết có thể trụ lại bởi sự thanh lọc trong nghề này rất khắc nghiệt. Đó là chưa nói đến việc hiện nay những người có khả năng viết lách, hay được đào tạo về nghiệp vụ báo chí có nhiều sự lựa chọn ngoài các cơ quan báo, đài, đó là các công ty truyền thông, hay các đơn vị làm nội dung trên mạng với thu nhập không tồi.
Ý nghĩ muốn thay đổi thế giới thường là những ý nghĩ tốt đẹp và cũng chỉ khi nghĩ đến những điều tốt đẹp, thậm chí có phần xa vời nhưng với một con tim cháy bỏng, nhà báo mới có thể quyết tâm, liều lĩnh để đi vào những điểm nóng, theo đuổi những chủ đề gai góc mà không e ngại hay sợ sệt những rủi ro.
Thông thường một phóng viên sẽ mất trên dưới 2 năm để khẳng định năng lực, cũng như tên tuổi của mình và có những bài báo từ tốt cho đến xuất sắc. Nhưng đây cũng có thể là giai đoạn “háo thắng” và “hiếu chiến” nhất. Từ đây, có thể xuất hiện những va chạm giữa phóng viên và doanh nghiệp, thậm chí giữa các đồng nghiệp với nhau. Đó cũng là lý do mà nhiều khi các phóng viên kỳ cựu tỏ ra bực mình với đám phóng viên trẻ, nhưng rồi cũng nhanh chóng bỏ qua vì đó là hình ảnh của mình ngày xưa.
Thực chất, những hệ “tham chiếu” trên vẫn có thể đúng với ngay cả những nhà báo có nghề và có thâm niên làm nghề. Để đánh giá thái độ làm nghề, hãy xem cách ứng xử của người viết với các tác phẩm của mình. Có những nhà báo hiện giờ đảm trách công tác quản lý, đoạt rất nhiều giải thưởng, có vô số những bài viết hay, nhưng vẫn luôn tâm huyết với những bài báo của mình.
Họ vẫn thường xuyên giới thiệu các bài báo của mình trên trang cá nhân, trong bài báo nếu có đề cập đến cá nhân hay tổ chức, họ còn chủ động gửi đến. Hay nói một cách đơn giản hơn, mà cảm giác này có lẽ tự mỗi người nhận thấy, đó chính là sự sung sướng, tự hào, thậm chí lâng lâng khi thấy bài của mình đã lên trang với mùi mực còn “tươi” và mùi giấy thơm. Chừng nào, những người viết báo còn những cảm giác như vậy, dù có viết hàng ngàn bài báo hay vài chục năm trong nghề, lửa nghề, lòng yêu nghề vẫn chưa cạn.
Doanh nhân và báo chí
Là phóng viên kinh tế, tôi có điều kiện tiếp xúc với nhiều chủ doanh nghiệp kinh doanh ở nhiều lĩnh vực khác nhau để nghe các anh/chị chia sẻ về chuyện đời, chuyện nghiệp kinh doanh. Đó cũng có thể xem như là một may mắn cho người trẻ như tôi khi theo nghiệp viết lách. Bởi sau những dòng chữ của những bài báo, tôi cũng học hỏi riêng cho mình được rất nhiều.
Đó không hẳn là những bí quyết thương trường (vì tôi không kinh doanh) mà đôi khi chỉ là những câu chuyện nhỏ về sự nhẫn nạn, sự sẻ chia, những bài học vượt qua khó khăn… mà dù làm ở ngành nghề nào, ở lứa tuổi nào cũng cần được trang bị. Tất nhiên, cuộc sống bao giờ cũng có hai mặt, song hành với những cái được, tôi cũng gặp không ít khó khăn trong hành trình tiếp cận các doanh nhân. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế đang còn nhiều khó khăn hiện nay.
Thực tế, chuyện doanh nhân né phóng viên không còn quá xa lạ. Né theo nhiều cách và vì khá nhiều nguyên nhân. Có những doanh nhân, lãnh đạo doanh nghiệp từ chối khéo bằng cách hẹn gọi lại nhưng sau đó sẽ không bắt máy, hoặc đề nghị gửi email nhưng sau đó không bao giờ hồi âm. Có những doanh nhân, lãnh đạo doanh nghiệp nói thẳng tôi rất bận không có thời gian hoặc tôi không cần làm quảng cáo…
Và quảng cáo cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến việc tiếp cận với doanh nhân của phóng viên khó khăn hơn. Kinh tế khó, doanh nghiệp khó và lẽ đương nhiên báo chí cũng không đứng ngoài vòng xoáy này. Chính vì thế báo chí cũng cần sự đồng hành của doanh nghiệp. Nhưng nói như vậy không có nghĩa cứ gọi tới doanh nghiệp là xin quảng cáo, tài trợ vì báo cũng cần có nội dung. Và nội dung ấy từ đâu ra? Chính là từ những câu chuyện kinh doanh, những chia sẻ của doanh nghiệp. Rồi cũng có những doanh nghiệp từ chối với nguyên nhân đang yên ổn làm ăn không muốn lên báo, sợ bị chú ý.
Tất nhiên, không phải ca khó nào phóng viên cũng đầu hàng ngay. Gọi không được thì nhắn tin giải thích, nhắn không được có thể nhờ đến những người quen nói hộ… Và cũng có những ca khó đã tìm được lời giải sau khi đi nhiều đoạn đường vòng để rồi khi gặp mặt có những doanh nhân đã dành cho một người trẻ như tôi những tình cảm rất chân thành.
8 năm trong nghề với tôi đó chưa phải là quãng đường dài nhưng tôi cũng gặt hái được nhiều thứ quý giá cho mình. Có đôi khi tự hỏi nếu không theo nghề báo mà làm một nghề nào khác không biết sẽ ra sao. Có lẽ vẫn ổn nhưng sẽ thiếu đi chút thi vị mà chỉ nghề báo mới mang lại.
Nhà báo tác nghiệp. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Dấn thân chốn hiểm nguy
“Nhà báo là người chấm ngòi bút vào nỗi đau của nhân loại”. Người viết câu ấy là một nhà báo từng có mặt trong những vùng nóng của chiến tranh trên thế giới. Ông ta chứng kiến nhiều nỗi đau, mất mát và chết chóc của con người. Với sứ mạng cao cả và lòng yêu nghề, nhiều nhà báo vẫn dấn thân và họ cũng hiểu rõ rằng viết một bài báo dở có thể mất việc, viết một bài báo hay có thể mất mạng. Nhưng khi đã trót yêu cái nghề, người làm báo cũng đã định cho mình một hướng đi thật trọn vẹn với nghề, dù biết rằng nghề này không giàu.
Báo chí cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp Đổi mới hiện nay đang có nhiều cởi mở cho các hoạt động nghiệp vụ của người làm báo, góp phần thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa xã hội. Qua đó, vai trò báo chí được Nhà nước coi trọng trong việc truyền thông đến với bạn đọc và tạo thành luồng dư luận phán xét sự việc một cách bình đẳng, đúng pháp luật.
Vì thế, nhiệm vụ của người làm báo là sẵn sàng đương đầu và dũng cảm đưa các vụ việc tiêu cực ra ánh sáng công luận, lấy quy định của pháp luật làm chuẩn để các cơ quan có thẩm quyền can thiệp, giải quyết đúng luật và đem lại công bằng cho người dân. Tuy nhiên, vẫn đang xảy ra nhiều vụ đau lòng cho giới cầm bút, nhà báo đi tác nghiệp thực tế gặp nhiều khó khăn, thậm chí bị hành hung bởi một thế lực nào đó.
Điểm qua những sự kiện nhà báo bị đe dọa, hành hung khi tác nghiệp, phần nhiều là do tác nhân bên ngoài gây áp lực rất lớn đến nhà báo. Trong đó không loại trừ có chủ trương của chính quyền cơ sở nhằm cản trở phóng viên tác nghiệp, thậm chí đe dọa hành hung nhà báo, khi những việc làm tiêu cực của họ sắp sửa bị phanh phui bởi những bài điều tra đụng chạm đến quyền lợi của “ông kẹ” nào đó.
Sự kiện này đã có lúc làm cho những cây bút chống tiêu cực phải chùn tay e ngại, khi phải đụng chạm đến một thế lực côn đồ cát cứ tại địa phương. Có lúc, người viết cũng va phải những thế lực ngầm của chính quyền cấp cơ sở bao che, dung túng cho những việc làm sai trái của người thân quen có ăn chịu với nhau. Những sai phạm đó được bảo kê bởi những quyền lực vô hình, mà người dân địa phương không dám phản ứng lên tiếng.
Người làm báo chỉ có cây viết để thực hiện nhiệm vụ của mình, nhưng đứng trước một thế lực, hung hăng có cả vũ khí và quyền lực, quả thật là thách thức lớn. Trong khi đó, rất nhiều trường hợp, nhiều chuyện hành hung nhà báo xảy ra vài ngày, thậm chí cả tuần lễ, cơ quan chức năng mới đến làm việc (đôi khi cho có lệ) rồi vụ việc bị chìm xuống. Điều này làm cho người làm báo bị thiệt hại đến tinh thần lẫn vật chất một cách trầm trọng.
Gần đây bên hành lang Quốc hội, khi được hỏi về vấn nạn hành hung nhà báo, đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đã có ý kiến: “Chắc chắn rằng trong thời gian tới khi sửa Luật Báo chí phải quan tâm tới vấn đề đó để có biện pháp chế tài xử lý các hành động đó. Tôi cho rằng cần phải có chế tài để luôn bảo vệ phóng viên”.
Cùng với ý kiến này, đại biểu Nguyễn Thị Khá, thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội, cho biết: “Các phóng viên, nhà báo đi thu thập thông tin cũng là thực hiện nhiệm vụ do cơ quan báo chí giao. Do đó, các hoạt động của nhà báo trong lúc tác nghiệp cũng là hoạt động công vụ. Báo chí làm theo luật, những người chống lại hoạt động thi hành công vụ phải có biện pháp chế tài xử lý”.
Sự kiện báo chí đi tác nghiệp bị hành hung đã trở thành một vấn nạn nhiều tập cho giới cầm bút hiện nay. Nhưng mong rằng qua những kinh nghiệm và bản lĩnh của nhà báo, xã hội và công luận vẫn mong chờ những bài phản ảnh trung thực và nói lên được tiếng nói của công lý để xã hội ngày một tốt hơn.