PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, thị trường vàng liên tục dậy sóng trong thời gian gần đây và Chính phủ cũng đã lên tiếng. Góc nhìn của ông về vấn đề này như thế nào?
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Cách đây hơn 10 năm, Chính phủ có chiến dịch chống vàng hóa, sau đó ban hành NĐ24, và đã thành công trong vấn đề không để cho vàng trở thành một phương tiện thanh toán, tránh được việc người dân đầu tư, đầu cơ vàng, từ đó ổn định được thị trường vàng cho đến nay.
Đó là một thành quả. Nhưng nay là lúc cần phải nhìn nhận vấn đề đó dưới khía cạnh khác, vì nền kinh tế, môi trường kinh doanh đã có nhiều thay đổi, và mục đích người dân sử dụng vàng hay đầu tư vàng cũng đã thay đổi. Vàng là của để dành hoặc một kênh đầu tư, bên cạnh hàng loạt kênh khác như tiền gửi ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, trái phiếu.
Hơn 10 năm qua, NHNN không cấp phép nhập khẩu vàng và không dập thêm vàng miếng SJC. Hệ quả của việc thiếu nguồn cung là thị trường tự quyết định chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, có lúc chỉ khoảng 10 triệu đồng nhưng cũng có lúc lên 20 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn trong nước sau nhiều năm theo sát giá thế giới cũng bắt đầu kéo giãn chênh lệch.
Buôn lậu vàng cũng gia tăng do chênh lệch giá vàng giữa 2 thị trường quá cao. Điều đó cho thấy, việc cơ quan quản lý siết chặt và kiểm soát thị trường vàng, ổn định kinh tế vĩ mô bằng NĐ24 mới giải quyết được ngắn hạn, chưa có ý nghĩa về dài hạn.
- Hiện Chính phủ đã giao NHNN đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới. Theo quan điểm của ông, giải pháp nào là hiệu quả?
- Quan điểm của tôi là nên sửa đổi NĐ24. Về cụ thể, tôi muốn đề nghị sửa đổi 2 điểm. Thứ nhất, nên sửa đổi việc của NHNN là đơn vị duy nhất tại Việt Nam có thể nhập khẩu vàng, giao việc nhập khẩu vàng cho các công ty có uy tín, có năng lực tài chính. NHNN nên rút khỏi tư cách là một người kinh doanh vàng (mua và bán), trở về vị trí quản lý thị trường vàng bằng những biện pháp tối ưu khác.
Ở các nền kinh tế lớn trên thế giới, các Ngân hàng Trung ương không quản lý trực tiếp về kinh doanh vàng, vì họ chỉ xem vàng là một loại hàng hóa thông thường, và điều phối vàng như một tài sản để dự trữ quốc gia.
Thứ hai, nên bỏ việc độc quyền một thương hiệu vàng quốc gia là SJC, để tạo sự công bằng cho tất cả các sản phẩm trên thị trường. Bởi độc quyền như vậy, SJC là một sản phẩm được ưu tiên trên thị trường vàng, làm mất đi sự cạnh tranh hoàn hảo của thị trường. Lâu nay, NHNN không sản xuất thêm vàng miếng, tức có cầu không có cung, nên nhiều thời điểm cầu tăng mạnh, các doanh nghiệp vàng mua được thì bán được, không mua được phải đẩy giá lên, khiến thị trường mất đi yếu tố ổn định.
Sau khi xóa bỏ 2 điểm độc quyền cần phải bổ sung thêm yếu tố nữa để ổn định thị trường. Đó là nên có một sàn giao dịch vàng để tất cả những nhà kinh doanh, nhà đầu tư vàng đăng ký trên sàn đó. Tất cả những thông tin về số lượng, về giá vàng, về hoạt động của các thành phần của thị trường sẽ được công khai, minh bạch.
- Nhưng thưa ông, việc thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia được khuyến cáo sẽ có nhiều rủi ro và cũng đã có phản ứng trái chiều về những vấn đề này?
- Theo góc nhìn của tôi, nếu dỡ bỏ được 2 vấn đề độc quyền và nhập khẩu, một sàn giao dịch vàng quốc gia do NHNN đứng ra quản lý để có một sân chơi theo đúng nghĩa kinh tế thị trường là cần thiết. Sàn giao dịch vàng đó tương tự như các sàn giao dịch kim loại ở các nước, hay như sàn chứng khoán trong nước và sẽ phát triển theo từng giai đoạn, ban đầu là vàng vật chất, sau đó đến vàng tài khoản.
Sàn vàng đó không phải tất cả người dân đều tham dự, mà chỉ có những người đăng ký, cụ thể nhà kinh doanh vàng và nhà đầu tư có mặt ở đó và những giao dịch lớn phải thực hiện ở đó. Trên sàn giao dịch, biến động giá cả và hoạt động mua bán được thể hiện cụ thể, người dân có thể nhìn vào đó để theo dõi.
Về mối lo đầu cơ, dù có sàn giao dịch hay không, đầu cơ vàng vẫn tồn tại trên thị trường. Tuy nhiên khi chưa có sàn vàng, nếu một nhà đầu tư nào đó gom mua một số vàng rất lớn, thị trường biến động mạnh nhưng sẽ không ai biết người giao dịch là ai, số lượng bao nhiêu và một số thời điểm Chính phủ, NHNN phải vào cuộc để bình ổn. Còn nếu có sàn giao dịch, thông tin sẽ được công khai và khi đó việc đầu cơ vàng cũng sẽ hạn chế vì các hành vi đầu cơ làm giá có thể bị truy tố.
- Hiện tại, ông dự báo gì về diễn biến của giá vàng trong thời gian tới?
- Năm nay, vàng trong nước có thể lên đến mức 82 triệu đồng/lượng, và thế giới có thể lên được mức 2.100USD/ounce. Nếu có sự can thiệp của Chính phủ hoặc có sửa đổi NĐ24, thị trường có thể cân bằng, ổn định hơn, nhưng tôi nghĩ giá vàng vẫn tăng, vì giá vàng trong nước còn đi theo giá vàng thế giới.
Khi giá vàng thế giới tăng mạnh, giá vàng Việt Nam không thể đứng yên, vì nếu như vậy vàng trong nước sẽ bị chảy ngược ra nước ngoài theo đường buôn lậu. Hiện tất cả những biến động địa chính trị, vấn đề bầu cử tổng thống Mỹ, những khủng hoảng tại Ukraine, tại Trung Đông… dẫn đến kỳ vọng giá vàng tăng.
Đặc biệt nữa, một yếu tố mới đẩy giá vàng lên là chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Đến lúc nào đó họ sẽ xoay ngược lại chính sách tiền tệ, thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng, tức là lãi suất sẽ giảm. Điều này sẽ không diễn ra trong quý I nhưng có thể qua quý II và chậm nhất là quý III sẽ xuất hiện.
Khi lãi suất giảm, giá trị của USD bị đẩy xuống và đẩy giá vàng lên. Và nếu thị trường vẫn trong tình trạng như hiện nay, giá vàng ở trong nước có thể vẫn cao hơn giá vàng thế giới từ 15-20 triệu đồng/lượng. Đó là một rủi ro rất lớn cho những người mua vàng cũng như khiến tình trạng buôn lậu vàng khó chấm dứt.
- Xin cảm ơn ông.