Muốn có nguồn vốn giá rẻ
Hiện nay, do nguồn vốn trong nước và tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với các NH còn hạn chế, nhất là đối với các NH đã hết room ngoại, việc huy động vốn từ nước ngoài sẽ giúp họ tiếp cận với nguồn vốn phong phú hơn và với chi phí rẻ hơn.
Theo nhận định của CTCK Rồng Việt (VDSC), việc huy động nguồn vốn dài hạn từ nước ngoài sẽ giúp cho các NH cải thiện hệ số vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo quy định tại Thông tư 16/2018/TT-NHNN, trong đó quy định hệ số này phải giảm dần từ 45% xuống còn 40% từ ngày 1-1-2019. Theo đó, ngoài giữ lại lợi nhuận và phát hành trái phiếu dài hạn, việc vay vốn tài trợ từ nước ngoài cũng là một cách hiệu quả để các NH tăng cường huy động trung - dài hạn và cải thiện hệ số nêu trên.
Các nguồn vốn do các tổ chức này cấp thường được phục vụ cho các khoản vay có mục đích tạo ra nhiều giá trị cho xã hội, kinh tế, bao gồm việc thúc đẩy nền kinh tế tư nhân và cho vay các đối tượng có ít điều kiện tiếp cận nguồn vốn NH như các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Lễ ký kết hợp đồng cho vay vốn giữa IFC và TPBank.
Mục tiêu này cũng phù hợp với chiến lược tập trung vào cho vay bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ của hầu hết các NH tại Việt Nam. Đơn cử như các khoản vay do NH Phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), phần lớn nhằm mục đích phục vụ cho nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các hộ gia đình.
Theo lãnh đạo NHTMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), khoản vay mà IFC cấp cho NH được kỳ vọng sẽ tăng gấp đôi dư nợ cho vay phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ trong vòng 5 năm tới. Đối với NHTMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), khoản vay do NH Đầu tư quốc tế (IIB) cấp nhằm hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam, cũng như hoạt động xuất nhập khẩu với các nước thành viên của IIB.
Một lợi ích khác là các khoản vay dài hạn có thể góp phần cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR) của các NH. Thông tư 41/2016/ TT-NHNN, 1 trong 2 văn bản pháp lý hướng dẫn thực hiện tiêu chuẩn Basel II, quy định các NH trong nước và chi nhánh NH nước ngoài phải duy trì hệ số CAR ở mức tối thiểu 8%. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2020.
Theo VDSC, với tình hình vốn hiện nay, các NH sẽ phải tích cực huy động vốn trong năm 2019, vừa để đáp ứng tuân thủ theo Thông tư 41 đúng hạn, vừa để nâng bộ đệm vốn nhằm đảm bảo khả năng duy trì tăng trưởng cao trong các năm sau.
Trong lúc chờ đợi việc tăng vốn cấp 1 vốn còn phụ thuộc nhiều yếu tố mới thực hiện được, nhất là với các NH quốc doanh, thì các NH có thể tiến hành vay vốn tài trợ dài hạn từ nước ngoài để góp phần cải thiện vốn cấp 2. Thêm vào đó, các NH cần phải duy trì một nguồn dự phòng vốn ngoại tệ để phục vụ cho nhu cầu vay ngoại tệ của các doanh nghiệp trong nước.
Phải chứng minh năng lực
Lợi ích cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng của việc vay vốn dài hạn nước ngoài được chấp thuận sẽ đem lại tác động tích cực đến triển vọng của các NH trong tương lai. Theo VDSC, các NH được nhận tài trợ sẽ tạo được tiếng vang tốt, nâng cao được mức tín nhiệm và vị thế không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thị trường quốc tế. Thông thường một khi đã đồng ý tài trợ, các tổ chức cho vay cũng sẽ tiếp tục cho vay trong các năm sau, nhờ đó NH đi vay sẽ có được nguồn vốn ổn định dài hạn.
Ngoài ra, đối với ADB và IFC, các tổ chức này sẽ còn tư vấn cho NH đi vay về cách thức quản lý vận hành, quản lý rủi ro và nâng cao năng lực phát triển. Thí dụ như trường hợp của NHTMCP Phương Đông (OCB), việc vay vốn chỉ là một phần trong thỏa thuận hợp tác với IFC, trong đó bao gồm hạn mức cho vay ngắn hạn, tư vấn quản lý và chương trình hỗ trợ triển khai các phương án, nhằm nhanh chóng bắt kịp với các tiêu chuẩn của khu vực và toàn cầu.
Đối với SHB, IIB cũng sẽ chia sẻ nhiều thông tin và kinh nghiệm trong việc cải thiện hiệu quả kinh doanh và nâng cao năng lực quản lý. Đối với NHTMCP Công thương Việt Nam (CTG), khoản vay được cấp bởi 8 NH Đài Loan, ngoài việc tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, còn mở ra cơ hội sâu sắc hơn giữa CTG với các tổ chức tín dụng quốc tế.
Song khó khăn lớn nhất để tiếp cận được nguồn vốn này là các NH sẽ phải chứng minh năng lực vận hành, và tiềm năng phát triển để có thể thỏa mãn kỳ vọng cao của tổ chức cho vay. Quá trình đàm phán cũng có thể kéo dài, do thông thường việc vay vốn của các tổ chức tài chính nước ngoài là hiếm có tiền lệ trước đây.
Thêm vào đó, việc hệ thống luật pháp và các quy định pháp lý khác nhau giữa các quốc gia, cũng có thể làm chậm quá trình đàm phán và triển khai các giao dịch tài trợ vốn này. Khi đã được chấp thuận cho vay, các NH đi vay sẽ phải quản lý rủi ro biến động tỷ giá liên quan đến khoản vay. Trong một số trường hợp, khoản vay được chỉ định phục vụ cho một số mục đích nhất định, các NH còn có thể gặp khó khăn trong việc tìm các trường hợp giải ngân thỏa mãn mục đích đặt ra.
Theo dự thảo sửa đổi Thông tư 24/2015, các công ty xuất khẩu đạt đủ tiêu chuẩn vẫn có thể tiếp tục vay vốn ngoại tệ. Trong điều kiện trần lãi suất huy động bằng ngoại tệ được quy định ở mức 0%, việc các NH huy động tiền gửi bằng ngoại tệ là vô cùng khó khăn. Trong bối cảnh đó, việc vay vốn tài trợ từ nước ngoài là một trong những cách tốt nhất để có được nguồn vốn ngoại tệ phục vụ cho nhu cầu cho vay của các doanh nghiệp xuất khẩu. |