Vụ hàng trăm container điều xuất sang Italia có nguy cơ bị lừa, có thể rút ra nhiều bài học đắt giá cho DN Việt Nam khi giao thương, buôn bán với bạn hàng nước ngoài.
Không phải tiền lệ
Ngày 8-3, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) gửi công văn hỏa tốc đến Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Italia cùng các bộ, ngành liên quan, đề nghị hỗ trợ khẩn cấp để tìm cách giải quyết việc 100 container hạt điều xuất khẩu sang Italia và Thổ Nhĩ Kỳ của 17 DN chế biến, xuất khẩu điều thuộc Vinacas có nguy cơ bị lừa đảo và mất hàng.
Trong công văn hỏa tốc, đơn vị này cho biết đã nhận nhiều đơn kêu cứu về việc một loạt DN Việt Nam đã ký hợp đồng thông qua Công ty môi giới Kim Hạnh Việt XK nhân điều sang Italia và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đó, trong quá trình gửi hồ sơ nhờ thu từ ngân hàng (NH) Việt Nam tới các NH Thổ Nhĩ Kỳ của người mua theo hướng dẫn, đều có sự thay đổi về số SWIFT.
Cụ thể, sau khi NH của người mua nhận được bộ chứng từ, họ thông báo người mua không phải khách hàng của họ và đã trả lại bộ chứng từ, nhưng không ghi rõ trả theo hình thức nào và cũng không cung cấp số vận đơn cho NH Việt Nam, dù NH Việt Nam đã liên hệ rất nhiều lần nhưng vẫn không trả lời.
Còn với hồ sơ gửi đến NH tại Italia, được thông báo họ đã nhận được bộ chứng từ nhưng là bản copy không phải bản gốc. Điều này làm cho các DN xuất khẩu điều sang 2 thị trường này rất lo lắng vì không biết bộ chứng từ gốc ở đâu. Trong khi đó, phải có bộ chứng từ gốc mới có thể đến gặp hãng vận chuyển Cosco, YANGMING, HMM, ONE để nhận hàng.
Liên quan đến vụ việc trên, theo ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Vinacas, trong 100 container theo cam kết ban đầu với người mua tại Italia, có 36 container đã được DN xuất đi và thất lạc chứng từ gốc, số còn lại DN kịp thời ngưng giao dịch sau khi phát hiện có yếu tố lừa đảo. Dựa vào hợp đồng, giá trị 36 container điều trị giá khoảng 7,025 triệu USD (tương đương 162 tỷ đồng).
Ngay khi nhận được thông tin khẩn cấp, cơ quan chức năng Việt Nam gồm Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Italia, Vụ Thị trường châu Âu - Mỹ... đang hỗ trợ rất tích cực cho các DN. Theo đó, ngày 10-3, đoàn Thương vụ Việt Nam tại Italia đã đến thành phố Napoli, cách thủ đô Rome hơn 200km để làm việc với lãnh sự danh dự Việt Nam tại Napoli, ông Silvio Vecchione, và nhiều cơ quan khu vực phía Nam nước này như cảng Napoli, cảnh sát quân sự, thuế vụ cũng như NH và DHL (dịch vụ chuyển phát nhanh) - những nơi trung chuyển chính của 36 bộ chứng từ gốc các công ty Việt Nam bị mất kiểm soát.
Điều đáng nói, những lùm xùm liên quan đến dấu hiệu lừa đảo của các đối tác nước ngoài trong XK hạt điều không phải là vụ việc đầu tiên. Trong những năm gần đây, các cơ quan chức năng trong nước và thương vụ nước ngoài liên tục cảnh báo về hiện tượng lừa đảo trong giao dịch thương mại quốc tế không ít DN Việt đã từng mắc phải.
Cái giá phải trả
Trong thanh toán quốc tế, có 4 phương thức cơ bản. Đầu tiên là phương thức chuyển tiền. Theo đó, bên nhập khẩu yêu cầu NH phía họ chuyển một số tiền cho bên xuất khẩu theo một địa chỉ và trong một thời gian nhất định.
Thứ hai là phương thức ghi sổ. Theo đó, bên xuất khẩu sau khi hoàn thành giao hàng ghi nợ tài khoản cho bên nhập khẩu vào một cuốn sổ theo dõi, và việc thanh toán các khoản nợ này được thực hiện thông thường theo định kỳ như đã thỏa thuận.
Đặc điểm của hai phương thức này là chỉ có bên xuất khẩu và nhập khẩu tham gia, NH chỉ đóng vai trò trung gian thanh toán theo ủy nhiệm để hưởng phí, không bị ràng buộc bất cứ trách nhiệm gì. Hình thức này thường được dùng trong trường hợp 2 bên có quan hệ mua bán thường xuyên, với số lượng không lớn và có sự tin cậy lẫn nhau. Bên xuất khẩu sử dụng các phương thức này có lợi chi phí thấp, nhưng lại có rủi ro nhà nhập khẩu có thể không thanh toán hoặc kéo dài thời gian thanh toán.
Thứ ba là phương thức nhờ thu. Theo đó, bên xuất khẩu khi gửi hàng sẽ đồng thời ủy thác cho NH xuất trình bộ chứng từ thông qua NH đại lý phía bên nhập khẩu để được thanh toán. Trong đó có các hình thức như nhờ thu trả ngay (D/P - bên nhập khẩu trả ngay khoản nhờ thu và nhận bộ chứng từ đi nhận hàng), và nhờ thu trả chậm (D/A - bên nhập khẩu thanh toán bộ chứng từ trả chậm), hay nhờ thu theo các điều kiện khác (D/OT). D/P là phương thức được ưu tiên sử dụng.
Thứ tư là phương thức thanh toán tín dụng chứng từ (L/C). L/C là văn bản do NH của bên nhập khẩu phát hành cam kết trả tiền cho bên xuất khẩu sau khi khách hàng này xuất trình bộ chứng từ hợp lệ. L/C được lập trên cơ sở các điều khoản trong hợp đồng nhưng hoàn toàn độc lập với hợp đồng.
Phương thức nhờ thu giảm được chi phí so với phương thức L/C. Tuy nhiên, so với hai phương thức đầu tiên, nhờ thu cũng tiềm ẩn những rủi ro riêng. Trong nhờ thu, NH đóng vai trò trung gian thu hộ, có trách nhiệm xác định chứng từ mình nhận đúng với chỉ thị nhờ thu và thông báo cho bên nhận. Ngoài ra, NH không có trách nhiệm đối với hàng hóa liên quan đến giao dịch, lựa chọn dịch vụ của NH thu hộ (rủi ro thuộc về bên xuất khẩu), tính chính xác và chân thực của bộ chứng từ.
Đồng thời, NH cũng không chịu trách nhiệm liên quan đến việc thất lạc, cắt xén, mất mát chứng từ đang vận chuyển. Không chỉ vai trò của NH mờ nhạt, bên bán còn đối mặt với các nguy cơ như bên mua không nhận hàng, không thanh toán bằng việc từ chối nhận chứng từ hoặc trì hoãn thanh toán, và cũng không loại trừ trường hợp xuất hiện gian lận, lừa đảo… Chính vì vậy, hình thức thanh toán nhờ thu trước nay vẫn được đánh giá là tiềm ẩn nhiều rủi ro cho DN xuất khẩu.
Trở lại việc các DN ngành điều nói chung chủ yếu sử dụng ủy nhiệm thu thông qua phương thức D/P. 5 DN chế biến, xuất khẩu nhân điều đang “kêu cứu” cũng vậy, các container xuất khẩu đều không biết thông tin về người mua, chỉ thông qua công ty môi giới. Câu chuyện xảy ra có thể xem là một bài học kinh nghiệm cho các nhà xuất nhập khẩu Việt Nam.
Theo khuyến cáo, DN xuất khẩu nên có phương án dự phòng rủi ro, chẳng hạn khi ký hợp đồng buôn bán với đối tác nước ngoài cần sự hỗ trợ từ các công ty luật để giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra sự cố hoặc tranh chấp. Đồng thời cần ưu tiên sử dụng phương thức thanh toán quốc tế an toàn như L/C nếu bên mua không phải là đối tác thân thuộc, thay vì đặt lòng tin vào bên môi giới.