Hàng hóa dồi dào
Tại TPHCM, việc phát hiện ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng những ngày qua đã đặt các đơn vị kinh doanh, bán lẻ vào trạng thái kích hoạt cơ chế ứng phó với dịch trong điều kiện mới. Tuy nhiên, theo Sở Công thương TPHCM, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn đã hoàn tất kế hoạch chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng Tết từ tháng 10-2020 với ngân sách lên tới 19.679,7 tỷ đồng, tăng 652,4 tỷ đồng so với Tết Canh Tý 2020. Đáng chú ý, tổng dự trữ trên do các DN thương hiệu mạnh, quy mô chi phối thị trường trong mảng phân phối như Saigon Co.op, Satra, Vinmart… thực hiện.
Là đơn vị có mạng lưới bán lẻ phủ đều ở tất cả các phân khúc, Saigon Co.op cho biết đã chuẩn bị xong lượng lớn hàng hóa thiết yếu, có thể phục vụ trọn 3 tháng trước, trong và sau Tết Tân Sửu với tổng giá trị lên đến gần 5.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm trước. Trong số này, phần lớn ngân sách ưu tiên đầu tư cho 9 nhóm hàng bình ổn thị trường gồm gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản; số còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác và các loại đặc sản Tết.
Theo ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, do tình hình dịch bệnh kéo dài từ đầu năm đến nay gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất cung cấp hàng hóa, nên Saigon Co.op đã chủ động lên phương án dự trữ hàng hóa từ rất sớm. Đồng thời Saigon Co.op cũng đã chuẩn bị nhiều phương án vận chuyển, phân phối hàng hóa kịp thời để kịp thời ứng phó với chuyển biến của dịch bệnh nhằm đảm bảo hàng thiết yếu giá tốt luôn đầy đủ, không bị đứt hàng.
Trong phương án dự trữ hàng hóa năm nay, Saigon Co.op cũng đã kịp thời bổ sung dự phòng một lượng tương đối các mặt hàng phòng chống dịch như khẩu trang, dung dịch sát trùng, nước rửa tay. “Từ giữa năm chúng tôi đã có kế hoạch phối hợp với các đơn vị sản xuất, nhà cung cấp chuẩn bị kế hoạch tăng cường lượng hàng thiết yếu lên gấp 2 lần. Đồng thời để đảm bảo chất lượng hàng hóa, Saigon Co.op cũng tăng cường tần suất kiểm soát chất lượng hàng hóa lên từ 5 đến 10 lần so với tháng kinh doanh thông thường, đặc biệt là nhóm hàng thực phẩm Tết. Không gian mua sắm và làm việc được khử trùng, bắt buộc đeo khẩu trang và đo thân nhiệt”, ông Nguyễn Anh Đức khẳng định.
Cùng với Saigon Co.op, các nhà bán lẻ khác như VinCommerce, Satra, BigC, Lotte… cũng đã hoàn tất kế hoạch cung ứng hàng hóa Tết với sản lượng tăng ít nhất 15% so với tháng thường. Theo bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó Tổng Giám đốc VinCommerce, dù ảnh hưởng dịch nhưng DN vẫn dự phóng sức mua sẽ tăng khoảng 20% so với tháng thường. Vì thế đơn vị đã bàn thảo với các nhà cung cấp, riêng về thịt heo do có sẵn nguồn cung từ các trang trại nên đảm bảo không thiếu hàng, sốt giá trong dịp Tết sắp tới.
Chủ động giảm giá
Theo Sở Công thương TPHCM, từ khi dịch Covid-19 diễn ra thì thói quen tiêu dùng đã thay đổi so với trước, dự đoán thị trường Tết năm nay khách hàng sẽ cắt giảm chi tiêu. Vì vậy, trong tháng cận Tết, nhằm kích thích mua sắm tiêu dùng, các DN trên địa bàn thành phố sẽ thực hiện nhiều chương trình khuyến mại, tập trung vào các mặt hàng Tết, giá cả không tăng so với năm 2019.
Cụ thể, toàn hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đã thiết kế giảm giá sớm và khoa học để “chia lửa” áp lực mua sắm cho người dân. Theo đó, hệ thống sẽ thực hiện chuỗi chương trình giảm giá trực tiếp đến 50% cho hơn hàng ngàn sản phẩm Tết và trong 10 ngày cận Tết có thể giảm giá sâu hơn nữa. Các hoạt động khuyến mãi cũng bao gồm tặng quà, tặng điểm thưởng mức cao, tặng phiếu quà tặng… sẽ được tổ chức liên tục. Ngoài ra, Saigon Co.op cũng chuẩn bị lượng hàng hóa có giá khuyến mãi cho khoảng 1,2 triệu giỏ quà Tết, gói theo yêu cầu của cá nhân và DN. Về dịch vụ tiện ích dành riêng cho mùa Tết, các siêu thị Saigon Co.op tăng cường dịch vụ giao hàng tận nơi, dịch vụ mâm cỗ gia tiên.
Đặc biệt, để giảm áp lực mua sắm những ngày cuối năm, hệ thống siêu thị của Saigon Co.op sẽ đồng loạt giảm giá hàng Tết sớm từ trước 2 tháng so với Tết. Theo đó, từ 16-12-2020 đến Tết, hệ thống bán lẻ Saigon Co.op đã bắt đầu luân phiên giảm giá mạnh cho hàng ngàn sản phẩm theo thứ tự ưu tiên gồm sản phẩm vệ sinh và trang trí nhà cửa; sản phẩm chăm sóc cá nhân, hàng thời trang; giỏ quà tết, các loại thực phẩm ngâm, mứt và gia vị; cận tết là lạp xưởng, trái cây, thịt kho hột vịt, bánh chưng, mâm cỗ Tết. Cùng với đó, hệ thống siêu thị Co.opmart dự kiến trong thời gian Tết Tân Sửu sẽ tổ chức khoảng 200 chuyến bán hàng lưu động đến vùng sâu, vùng xa và phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của đông đảo công nhân tại các khu công nghiệp - khu chế xuất tại TPHCM và các địa phương có Co.opmart hoạt động.
Theo Sở Công thương TPHCM, Satra, Aeon - Citimart, BigC cũng dự kiến tổ chức nhiều chương trình khuyến mại giảm giá từ 5%-49% cho hàng ngàn mặt hàng phục vụ Tết như: nước giải khát, bánh, kẹo, mứt... Sở Công thương TPHCM cho hay, hệ thống phân phối trên địa bàn hiện gồm 236 siêu thị, 45 trung tâm thương mại và 2.735 cửa hàng bán lẻ. Với sự vào cuộc chuẩn bị nguồn hàng từ sớm, dự báo thị trường Tết trên địa bàn thành phố sẽ ổn định, giá cả hợp lý, không lo tình trạng khan hàng sốt giá.