Đây được xem là bước đệm quan trọng cho hành trình chinh phục những mục tiêu mới trong năm 2018.
Ngành gỗ nỗ lực với 3 giải pháp
Kết thúc năm 2017, ngành chế biến gỗ Việt Nam đón tin vui khi kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 8 tỷ USD, tăng 10,2% so với năm 2016 và về đích trước 3 năm so với kế hoạch. Đặc biệt các doanh nghiệp (DN) trong nước cũng vươn lên chiếm hơn 50% thị phần xuất khẩu (FDI hơn 40%). Từ kết quả này năm 2018 toàn ngành đặt mục tiêu kim ngạch 9 tỷ USD, trong đó ngành gỗ và các sản phẩm gỗ đạt từ 8,5-8,6 tỷ USD.
Để hoàn thành mục tiêu của 2018 cũng như những năm tiếp theo, ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết các DN cũng như phía hiệp hội đã bàn thảo đến 3 giải pháp. Thứ nhất, các DN phải tích cực tìm kiếm đơn hàng. Tính cho đến thời điểm hiện nay theo thống kê của hiệp hội nhiều DN đã có đơn hàng rất khả quan.
Khuynh hướng sản xuất nguyên liệu trong bối cảnh hiện nay không phải ai cũng làm được, bởi đòi hỏi vốn nhiều và chưa kể rủi ro trong nông nghiệp cũng khó kiểm soát. Vốn lớn chính là thách thức cho các nông hộ, cho cả DN khi đi theo con đường ứng dụng công nghệ cao. Có thể thấy từ kỳ vọng đến hiện thực hóa còn là một hành trình gian nan, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của Chính phủ, các bộ ngành, DN và cả các hộ nuôi trồng. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP |
Giải pháp thứ hai quan trọng hơn là phải tìm kiếm nguồn nguyên liệu gỗ từ trong và ngoài nước có chứng chỉ hợp pháp. Riêng về nguồn nguyên liệu nhập khẩu hiệp hội cũng cảnh báo các DN phải cẩn trọng khi nhập nguyên liệu từ các quốc gia như Lào, Campuchia vì nguồn gốc chưa rõ ràng.
Thay vào đó nên quan tâm đến nguyên liệu từ các quốc gia khác như Hoa Kỳ. Trong năm 2017, Việt Nam cũng nhập gỗ xẻ từ Hoa Kỳ hơn 500.000m3 và trong năm nay phía hiệp hội sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng Hoa Kỳ để có thể nhập khẩu một lượng lớn hơn. Với nguồn nguyên liệu gỗ trong nước hiện cũng đang có nhiều tín hiệu tích cực, trong năm 2017 một số DN chế biến gỗ Việt Nam đã tuyên truyền và đầu tư cho các chủ rừng để xây dựng các khu rừng nguyên liệu có chứng chỉ hợp pháp.
Thêm nữa, gỗ trong nước được Bộ NN-PTNT lên kế hoạch chuyển hóa từ gỗ rừng trồng nhỏ sang gỗ rừng trồng lớn để đủ nguồn cung cấp cho ngành chế biến gỗ của Việt Nam. Ngoài ra, việc tăng thuế suất gỗ xẻ lên 25% cũng là động thái nhằm hạn chế xuất nguyên liệu, giúp DN trong nước có thêm nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu thành phẩm.
Giải pháp thứ ba, DN phải đổi mới công nghệ, việc này không chỉ giúp tiết kiệm năng lượng, hạn chế thâm dụng lao động mà còn cho năng suất cao và thân thiện với môi trường. Theo đánh giá của các DN, vấn đề đổi mới công nghệ đang có những bước mở khá lạc quan, bởi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU chính thức được thông qua thuế nhập khẩu máy móc từ EU sẽ giảm về 0%, tương đương giảm 20% chi phí nhập máy móc từ EU so với trước đây.
Tuy nhiên, DN vẫn phải giải 2 bài toán lớn là vốn đầu tư và đào tạo công nhân vận hành công nghệ mới, trong đó nguồn vốn rất cần có sự trợ lực của Nhà nước.
Mặc dù đưa ra những giải pháp cụ thể để hoàn thành mục tiêu dài hạn, nhưng xuất khẩu luôn tiềm ẩn những thách thức và ngành gỗ cũng không nằm ngoài quy luật chung. Hiện nay ngành gỗ và các sản phẩm gỗ đang phải đối mặt với khó khăn từ các thị trường chính như EU, trước đây nhu cầu bàn ghế ngoài trời lớn nhưng nay lại giảm mạnh nên các DN phải chuyển qua làm bàn ghế nội thất.
Và khi dịch chuyển DN phải đối mặt với khó khăn thay đổi công nghệ, đào tạo lao động. Cùng với EU, Hoa Kỳ cũng sẽ khó vào hơn khi Chính phủ nước này vừa ban hành chính sách giảm thuế thu nhập từ 35% xuống 25% cho DN trong nước nhằm hỗ trợ các ngành sản xuất bản địa, trong đó có ngành gỗ.
Thủy sản kỳ vọng vào con tôm
Thủy sản kỳ vọng vào con tôm
Cũng giống như gỗ và lâm sản, năm 2017 cũng là một năm rất thành công với ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam khi mang về 8,3 tỷ USD, trong đó con tôm đóng góp lớn nhất với kim ngạch 3,8 tỷ USD. Với kết quả này con tôm tiếp tục được đặt nhiều kỳ vọng tăng trưởng với mục tiêu đến năm 2025 kim ngạch xuất khẩu tôm sẽ cán mốc 10 tỷ USD.
Để làm được điều này ngành tôm Việt Nam cần có sự chuyển mình mạnh mẽ, bởi thách thức lớn nhất của ngành tôm Việt Nam là vệ sinh an toàn thực phẩm và truy suất nguồn gốc do 90% lượng tôm nuôi là từ các hộ nhỏ, ý thức người nuôi chưa đồng đều, xảy ra mất vệ sinh an toàn (thuốc không rõ nguồn gốc) và nuôi nhỏ lẻ rất khó truy suất nguồn gốc.
Các mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ mang về những kết quả xuất khẩu hết sức khả quan, nhưng để đạt được mục tiêu 40 tỷ USD cho toàn ngành nông nghiệp trong năm 2018 cũng như những mục tiêu dài hạn hơn cho những năm sau, các DN, hiệp hội, người nông dân vẫn còn ngổn ngang nhiều vấn đề cần giải quyết để có thể xây dựng những chuỗi sản xuất khép kín, đảm bảo chất lượng, sản lượng theo yêu cầu của nhà nhập khẩu. Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN-PTNN |
Để từng bước giải thách thức này, Chính phủ đã quyết định thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, rộng hơn 400ha. Và ngày 30-1 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đã tiến hành nghi thức động thổ khởi công xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu với mục tiêu, định hướng làm hạt nhân tác động, dẫn dắt và nhân rộng các mô hình nuôi tôm công nghệ cao của tỉnh, vùng bán đảo Cà Mau, ĐBSCL và cả nước.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá: “Khu nông nghiệp này sẽ là nơi lan tỏa mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao cho toàn khu vực cũng như 28 tỉnh, thành có nuôi tôm trong cả nước, góp phần nâng cao sản lượng, chất lượng và giá trị sản phẩm, đưa kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 10 tỷ USD giai đoạn 2021-2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc”.
Dưới góc nhìn của DN, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty thực phẩm Sao Ta, cho rằng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu là bản lề cho giai đoạn mới. Song bước vào giai đoạn mới sẽ tốn nhiều thời gian, thử thách, thậm chí phải trả giá do hiện nay chúng ta đang ở điểm xuất phát trong việc tìm tòi công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh, những mô hình thành công đáng kể để nhân rộng chưa có.
Theo ông Lực, mục tiêu 10 tỷ USD cho con tôm vào năm 2025 sẽ tạo động lực mạnh mẽ hơn để phấn đấu, nhưng cũng là thách thức. Bởi nếu muốn tăng hơn mức trung bình của thị trường phải cạnh tranh giành thị phần các nước xuất khẩu tôm khác như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan… trong khi tiềm lực tài chính cho ngành chế biến thủy sản của chúng ta đang xu thế yếu dần.
Những tham vọng mới
Năm 2017, nhiều tin vui liên tiếp đến với ngành rau quả Việt Nam khi nhiều mặt hàng trái cây Việt đã xâm nhập thành công vào các thị trường khó tính, có giá trị gia tăng cao để cuối năm toàn ngành thu về 3,45 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay, vượt qua cả những mặt hàng chủ lực như gạo và cà phê.
Và trong những năm tới ngành rau quả đang nỗ lực thực hiện những mục tiêu mới cao hơn, do dư địa thị trường thế giới còn rất lớn (thị trường trái cây thế giới hiện trị giá 240 tỷ USD, trong khi Việt Nam mới xuất được 3,45 tỷ USD). Đánh giá chung về thành quả của toàn ngành rau quả, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT ông Lê Quốc Doanh cho rằng, sự phát triển vượt bậc ngành rau quả thời gian qua nhờ Việt Nam đã khai thác được tiềm năng về chủng loại giống cây ăn trái đa dạng và phong phú, lựa chọn được từng loại cây ăn quả thế mạnh của từng vùng cụ thể trên cả nước.
Thắng lớn của ngành chế biến gỗ xuất khẩu trong năm 2017 nhờ đầu tư dây chuyền chế biến hiện đại phù hợp với thị trường.
Trong niềm háo hức chung của toàn ngành, ngay từ đầu năm 2018, nhiều DN cũng đang tất bật chuẩn bị cho những kế hoạch năm mới của mình. Trao đổi với ĐTTC, ông Võ Quang Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, cho biết năm nay công ty dự kiến xuất khẩu 6.000 -7.000 tấn chuối, trong đó sẽ xuất khoảng 60% sang thị trường Nhật Bản, còn lại là thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc.
Nói riêng về thị trường Trung Quốc, ông Huy cho rằng nông dân cũng như DN Việt Nam nên thay đổi suy nghĩ xuất khẩu sang Trung Quốc là chọn phân khúc dễ tính, giá thấp, mà hãy chọn những phân khúc khó tính của giới trung lưu, đây là phân khúc hết sức tiềm năng và lợi nhuận không thua gì khi xuất đi các thị trường khó tính, đó là chưa kể lợi thế Việt Nam rất gần Trung Quốc nên chi phí vận chuyển cũng rẻ hơn. Và chuối của Huy Long An cũng đang đi vào phân khúc này.
Bàn thêm về câu chuyện đưa sản phẩm rau, quả của Việt Nam thâm nhập vào nhiều thị trường khó tính, ông Huy khẳng định muốn xuất khẩu trái gì, đi đâu thì vai trò tư vấn của tham tán thương mại là hết sức quan trọng, bởi họ sống ở đó và rất hiểu mùa vụ. Ví như xuất khẩu chuối đi Trung Quốc mà chọn tháng 9 đến tháng 12 coi như tiêu. Chính vì vậy, tại Hội nghị Tham tán thương mại năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Tham tán Việt Nam ở nước ngoài cần lấy thành công của DN, của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam làm thước đo hiệu quả công việc của mình.