Vượt “gió ngược”
Trong một báo cáo kinh tế công bố tại một diễn đàn mới đây, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), đã đưa ra kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 từ 5,5-6,5%. Theo TS. Nguyễn Hữu Thọ, đại diện nhóm nghiên cứu, những khó khăn và vướng mắc làm ảnh hưởng đến tăng trưởng nền kinh tế trong năm 2023 như thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) hoạt động trầm lắng.
Cụ thể, trong 9 tháng năm 2023, chỉ có 51 DN phát hành với khối lượng 123.000 tỷ đồng, so với cùng kỳ 2022 giảm 60,4%. Thị trường bất động sản cũng không lạc quan hơn khi cơ cấu sản phẩm chưa phù hợp, thừa sản phẩm ở những phân khúc cao nhưng lại thiếu hàng ở phân khúc thấp. Bên cạnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn còn phụ thuộc nhiều vào khu vực DN có vốn đầu tư từ nước ngoài (FDI). Tăng trưởng kinh tế dù cao (dự báo 5,19%) song vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra 6,5%. Điều này sẽ ảnh hưởng đến lộ trình phát triển kinh tế đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2030.
Ngoài ra, cùng với những yếu tố khách quan bên ngoài như địa chính trị thế giới phức tạp, tăng trưởng kinh tế thế giới giảm, lạm phát toàn cầu gây áp lực cho điều hành chính sách tiền tệ, giá cả hàng hóa, kinh tế Việt Nam còn chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố bên trong như công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế vẫn còn bất cập. Hiện tượng thiếu thống nhất, chồng chéo giữa một số quy định pháp luật và việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân, DN vẫn còn chậm và chưa quyết liệt, kịp thời.
Đưa ra đánh giá về nền kinh tế Việt Nam trong năm qua, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM, cho rằng dù đại dịch Covid-19 đã được khống chế, nhưng hậu quả đại dịch để lại vẫn còn rất nặng nề và đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Căng thẳng về địa chính trị, tăng cường rào cản kỹ thuật từ các thị trường quan trọng của Việt Nam liên quan đến những sản phẩm xanh, sản xuất xanh, đã đặt ra những khó khăn và thách thức to lớn đối với nền kinh tế Việt Nam năm 2023 cũng như trong những năm tiếp theo.
Để tạo sự đột phá trong năm 2024 và những năm tiếp theo, đòi hỏi Việt Nam phải có những chính sách, chiến lược điều hành, phát triển kinh tế phù hợp, để giải quyết được những khó khăn, thách thức đang hiện hữu.
Bình luận thêm, bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, cho biết 2023 là năm khó khăn đối với nền kinh tế các nước. Vì thế, các ngân hàng trung ương đều tăng lãi suất để có thể kiểm soát lạm phát. Điều này đã kéo theo những hệ lụy tác động tiêu cực đến sự tăng trưởng về cầu thị trường cũng như tăng trưởng kinh tế thế giới.
Đứng trước bối cảnh đó, Chính phủ đã nỗ lực để có thể giảm bớt những khó khăn và kiểm soát lạm phát. Nhờ đó tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 được dự báo theo hướng quý sau cao hơn quý trước. Theo đó, một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đáp ứng được tốt nhu cầu vốn cho phát triển, nhất là chỉ tiêu về đầu tư công. Tính chung 11 tháng đã giải ngân 461.000 tỷ đồng, cao hơn 6,7% và cao hơn 122.600 tỷ đồng về số tuyệt đối so với cùng kỳ 2022.
Trong 11 tháng đã thu hút vốn FDI đăng ký ước đạt 28,8 tỷ USD. Trong đó, vốn thực hiện đạt 20,2 tỷ USD, là mức vốn thực hiện cao nhất trong 5 năm qua. Song song đó, Việt Nam cũng kiểm soát lạm phát tốt, nằm trong kế hoạch điều hành Nghị quyết 01 của Chính phủ với 4,5%.
3 kịch bản tăng trưởng
Trên cơ sở đánh giá thực trạng nền kinh tế, CIEM đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế cho năm 2024. Theo đó, với lần lượt 3 mức 5,5% (kịch bản thấp), 6% (kịch bản cơ sở) và 6,5% (kịch bản cao). Các dự báo kịch bản của CIEM đưa ra cũng tương đối sát với dự báo gần nhất của một số định chế tài chính quốc tế, như Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo 5,5%, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo 5,8% và Ngân hàng châu Á (ADB) dự báo 6%.
Đặc biệt, theo nhóm nghiên cứu, các đầu tàu tăng trưởng như Hà Nội, TPHCM có tốc độ tăng trưởng chậm dần và xuất hiện một số đầu tàu mới như Hải Phòng, Quảng Ninh và Thanh Hóa. Tuy nhiên, số đầu tàu mới này còn ít và chưa thực sự mạnh mẽ.
Từ đó, báo cáo của CIEM đề xuất các giải pháp để cải thiện tăng trưởng, như tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tình trạng lạm phát, chú trọng nhiều hơn các động lực tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, tiếp tục cải thiện thể chế cũng như môi trường kinh doanh; phát triển cơ sở hạ tầng để phục vụ sản xuất; tăng cường hỗ trợ các chủ thể sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy phát triển thị trường hàng hóa dịch vụ…
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phải nỗ lực để có thể vượt qua được những khó khăn nội tại của chính nền kinh tế, cũng như những thách thức từ bên ngoài. Để có được sự đột phá trong năm 2024 và những năm tiếp theo, đòi hỏi phải có những chính sách, chiến lược điều hành, phát triển kinh tế phù hợp, nhằm mục đích tận dụng lợi thế từ các thành tựu từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4…
Bà Ramla Khalidi nhận định, để nền kinh tế có thể hồi phục mạnh mẽ vào năm 2024, Việt Nam cần linh hoạt các giải pháp để giải quyết được những khó khăn, thách thức đang hiện hữu. Trên thực tế, quá trình đổi mới sáng tạo, chuyển dịch năng lượng... đang mang đến những cơ hội mới để cho Việt Nam có thể thâm nhập những thị trường mới, gia tăng giá trị và hàm lượng hàng hóa, thúc đẩy xuất khẩu.
Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam phân tích, Việt Nam cũng có thể tăng cường thu hút đầu tư, tận dụng những công nghệ tiên tiến cũng như công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm mục đích khai thác hiệu quả các cơ hội này để phát triển ở mức cao hơn, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Trong khi đó, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam đánh giá, mục tiêu tăng trưởng 5,5-6,5% trong năm 2024 là tương đối thách thức trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, các điều kiện và chuyển biến trong những tháng cuối năm ủng hộ cho triển vọng tăng trưởng trong năm tới.