Trung tâm này gần văn phòng của tôi ở khu vực có nhiều cơ quan chức năng của chính phủ nên đi lại thuận tiện. Tuy nhiên, do đăng ký chích vào lúc tan tầm có rất nhiều người tranh thủ thời gian sau giờ làm việc, nên tôi phải xếp hàng hơn một tiếng làm thủ tục. Chích xong tôi còn phải ngồi chờ thêm 30 phút nữa để nghỉ ngơi và theo dõi phản ứng cơ thể rồi mới được phát giấy chứng nhận cho mũi vaccine đầu tiên.
Hơn một tiếng sau khi chích tôi bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ và tối hôm đó không thể làm việc đến khuya như thường lệ. Thói quen ngủ nằm nghiêng bên trái đã khiến cánh tay tôi bị tê nhức, nhưng rồi những cảm giác khó chịu và căng thẳng tâm lý cũng sớm qua đi. Tôi cố gắng ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi nhiều hơn trước và chuẩn bị tinh thần cho mũi tiêm thứ hai được ấn định ba tuần sau đó. Lần này tôi không phải chờ đợi lâu dù vẫn phải xếp hàng và đảm bảo cách ly an toàn. Sau khi tiêm tôi không thấy buồn ngủ lắm và tự hỏi phải chăng sức khỏe mình tốt hơn nhờ liều vaccine đầu tiên?
Nhưng tôi đã lầm khi sáng hôm sau cơ thể đau nhức và buổi chiều đi làm về sau khi tắm tôi cảm thấy ớn lạnh, vội vàng nhảy vô giường trùm mền rên hừ hự như bị cúm. Tôi ăn vội chén cháo thịt bằm bà xã nấu rồi đi ngủ sớm. Sáng hôm sau thức dậy bà xã nói tối hôm qua anh bị sốt và lo không biết có đi làm nổi không. Kiểm tra thân nhiệt thấy cũng bình thường. Cũng may tôi chỉ có một tiết dạy buổi chiều cho học sinh ở trường quốc tế. Qua tìm hiểu từ sách báo và truyền thông, tôi cảm thấy yên tâm khi hiểu rằng những triệu chứng mệt mỏi nhưng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn là dấu hiệu cho thấy hệ thống miễn dịch đang phản ứng với vaccine.
Tuy nhiên, chích vaccine không có nghĩa hoàn toàn không bị nhiễm Covid-19. Chỉ vài ngày sau khi tôi được cấp “thông hành vaccine”, dư luận Singapore xôn xao không chỉ vì ca nhiễm trong cộng đồng gia tăng, mà cả những người đã tiêm vaccine vẫn bị nhiễm. Theo thông tin từ MOH, đã có vài thủy thủ Indonesia bị nhiễm Covid-19 dù trước đó đã tiêm một liều vaccine. Thậm chí một người đàn ông khác đã tiêm cả hai liều vaccine vẫn bị nhiễm bệnh.
Theo các chuyên gia được nhật báo The Straits Times phỏng vấn, khả năng mắc Covid-19 sau khi tiêm vaccine cũng có thể xảy ra. Nói về những trường hợp này, PGS. Hsu Li Yang, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock, thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), cho biết: "Chúng tôi dự đoán trung bình 5 trong 100 người được tiêm chủng Pfizer hoặc Moderna bị nhiễm Covid-19 có triệu chứng, và cứ 100 người được tiêm chủng có 10 người bị nhiễm Covid-19 (không có triệu chứng hoặc có triệu chứng) dựa trên các thử nghiệm lâm sàng và dữ liệu thực tế từ Israel và Mỹ".
GS. Ooi Eng Eong thuộc chương trình các bệnh truyền nhiễm mới nổi của Trường Y Duke-NUS, cho rằng những xu hướng này phù hợp với những gì chúng ta biết về vaccine và tiêm chủng. Hầu hết vaccine không thể tạo ra phản ứng miễn dịch ở mức đủ để ngăn ngừa nhiễm trùng. Nhưng những người đã được tiêm vaccine Covid-19 trên khắp thế giới cho thấy nguy cơ nhập viện và tử vong giảm đáng kể. Họ cũng ít có khả năng lây nhiễm bệnh cho người khác. Còn theo GS. Hsu, những người này ít bị bệnh hơn, hoặc hoàn toàn không có triệu chứng, họ có tải lượng virus thấp hơn, do đó giảm nguy cơ lây nhiễm.
Các chuyên gia cho rằng các biến thể mới hơn cũng có thể làm tăng tỷ lệ lây nhiễm ở những người đã bị nhiễm bệnh trước đó, hoặc những người đã tiêm cả hai liều vaccine. Đột biến virus cũng có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Tại Singapore, biến thể bị cô lập phổ biến nhất trong tháng qua mang ký hiệu B1617 từ Ấn Độ.
Theo GS. Teo Yik Ying, Hiệu trưởng Trường Y tế công cộng NUS Saw Swee Hock, đối với công nhân nước ngoài bị tái nhiễm, cần lưu ý đến môi trường sống đặc thù của họ có nguy cơ cao hơn vì thường ở chung phòng. Ngoài ra, nhiều công nhân nước ngoài bị nhiễm bệnh trước đây không có hoặc không có triệu chứng nhẹ, có nghĩa là phản ứng miễn dịch của họ sau khi nhiễm bệnh có thể không mạnh, khiến họ dễ bị tái nhiễm.
Đáng mừng là các loại vaccine mRNA như Pfizer và Moderna Singapore sử dụng đang phát huy tác dụng tích cực. Theo GS. Ooi, những nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao, chẳng hạn như Israel, Anh và Mỹ đều cho thấy số ca nhiễm Covid-19 giảm mạnh. Điều này bất chấp việc dịch bệnh hoành hành ở những nơi này khi bắt đầu các chiến dịch tiêm chủng. Tuy nhiên, hiệu quả của vaccine vẫn tiếp tục là dấu chấm hỏi và các nhà khoa học cần có thời gian khảo sát nghiên cứu, xét nghiệm đối với người được tiêm chủng để có thể trả lời xác đáng.
Trong lúc chờ đợi, loài người vẫn sẽ phải đeo khẩu trang trong khoảng thời gian không hạn định và việc đi lại hay tụ tập sẽ không còn tự do như trước. Nhưng mặt tích cực từ đại dịch là con người phải biết sống vệ sinh hơn, tôn trọng khoảng cách an toàn giữa các thành viên với nhau trong xã hội. Không biết khi nào Covid-19 sẽ chấm dứt nhưng cần phải thừa nhận rằng vaccine đã là giải pháp cho các vấn đề sức khỏe con người trong hai thế kỷ qua, và tiếp tục là một trong những phương pháp hiệu quả nhất để giúp con người tránh bệnh tật và ngăn ngừa virus.
Với tôi, sự ra đời của các loại vaccine cho thấy thắng lợi bước đầu của khoa học đối với virus. Các nhà khoa học và bác sĩ lâm sàng đã tìm hiểu nhiều về sự lây truyền và lây lan của Covid-19, giải trình tự bộ gen của virus Sars-CoV-2 và phát triển các công cụ xét nghiệm. Mặc dù chính phủ Singapore đang siết chặt các biện pháp an toàn trước nguy cơ phát sinh các làn sóng lây nhiễm mới, bản thân tôi vẫn cảm thấy lạc quan và khuyến khích người thân, bạn bè, đồng nghiệp của mình ở Singapore tranh thủ tiêm vaccine khi đến lượt.
Tôi đã vượt qua những nỗi sợ về an toàn vaccine với niềm tin các nhà khoa học, nhà quản lý y tế trên toàn thế giới sẽ tiếp tục hợp tác cùng nhau để đảm bảo vaccine an toàn, giúp nhân loại vượt qua đại dịch. Với vaccine, viễn cảnh đại dịch chấm dứt sẽ càng sáng sủa hơn.