Cơ hội lớn
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, trong quá trình thực thi các FTA từ trước tới nay, có nhiều vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ cần rút kinh nghiệm. Điển hình như khả năng tiếp cận, nắm bắt về khía cạnh thông tin pháp luật, nội dung cam kết trong các hiệp định cho tới quá trình thực thi... Dường như vẫn còn khoảng cách giữa cơ quan quản lý nhà nước và cộng động doanh nghiệp.
“Việt Nam có tới 97% là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên yêu cầu, đòi hỏi đặt ra là rất lớn” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Theo Bộ Công Thương, EVFTA là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với những cam kết mạnh mẽ nhất của cả 2 phía EU và Việt Nam về mở cửa thị trường và về các cải cách thủ tục, thể chế, chính sách. Ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với một số ít mặt hàng còn lại (tương đương khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu), EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan (TRQ) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau lộ trình ngắn (7 năm).
Do vậy, có thể coi đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam khi mở rộng thị trường xuất khẩu sang EU, và ở chiều ngược lại các doanh nghiệp EU cũng có cơ hội tương tự.
Theo các chuyên gia kinh tế, EVFTA được kỳ vọng góp phần làm cho GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18-3,25% giai đoạn 2019-2023 và từ 4,75-5,3% giai đoạn 2024-2033.
Nhiều rào cản cần tháo gỡ
EVFTA mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Với 27 quốc gia, dân số khoảng hơn 450 triệu người, mức thu nhập bình quân đầu người khoảng 36.000 USD – EU cũng là một thị trường rất khó tính, đòi hỏi về chất lượng sản phẩm cao, chính vì thế đây là thách thức lớn của các doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhấn mạnh, cơ hội mang lại từ EVFTA là rất lớn, nhưng thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia Hiệp định này cũng không hề nhỏ. Theo ông Thân, khi nói đến thị trường EU là nói đến thị trường của 27 quốc gia với dân số khoảng hơn 450 triệu người, thu nhập bình quân đầu người khoảng 36.000 USD. Đây là một thị trường rất khó tính, đòi hỏi về chất lượng sản phẩm cao.
Thách thức lớn nhất đối với thị trường EU được ông Thân đề cập là về các rào cản kỹ thuật. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức như: An toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh dịch tễ, quy tắc ứng xử, các quy định về bảo vệ môi trường, về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa nhập khẩu vào EU, các quy định về tỷ lệ nội địa hóa sẽ gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp…
Sức ép cạnh tranh với hàng hóa của EU cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ông Thân phân tích, khi mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa của EU, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp EU. Đây vốn là những doanh nghiệp rất bài bản, hàng hóa của họ có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, có sức cạnh tranh rất cao nhờ được hưởng lợi từ việc miễn thuế của EVFTA. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu áp lực cạnh tranh rất lớn ngay trên “sân nhà”.
Ngoài ra, ở góc độ các biện pháp phòng vệ thương mại, khi hàng rào thuế quan không còn là công cụ hữu hiệu để bảo vệ các doanh nghiệp, các thị trường nhập khẩu thường có xu hướng áp dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ để bảo vệ sản xuất nội địa.
Đồng thời, khi nền kinh tế mở cửa theo các cam kết EVFTA, các quá trình dịch chuyển sản xuất bắt đầu hình thành và làn sóng các nhà đầu tư từ EU sẽ tràn vào nước ta, tạo ra sự cạnh tranh về nguồn lao động trong các ngành. Vậy nên sẽ có các ngành nghề sẽ thiếu lao động cục bộ.
Bên cạnh các vấn đề trên, các khó khăn mà doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phải đối mặt là thiếu thông tin thị trường EU cũng như những thông tin về các quy định của EU về hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này, các doanh nghiệp Việt Nam chưa được chuẩn bị kiến thức, kỹ năng đầy đủ về xuất khẩu hàng hóa sang EU, đồng thời doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thiếu vốn cho sản xuất, kinh doanh.
Trước những thách thức trên, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa kiến nghị, Chính phủ cần đẩy nhanh hơn nữa tiến trình cải cách các thủ tục hành chính, cùng với đó là chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách, để xuất và trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung, kịp thời thông qua một số đạo luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường, Bộ luật Lao động và một số luật về thuế để phù hợp với các quy định của EVFTA, để các doanh nghiệp có cơ sở pháp lý, thực thi một cách hiệu quả Hiệp định EVFTA.
Đồng thời, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ ngành hữu quan thông qua các phương tiện truyền thông, tích cực và tăng cường triển khai tuyên truyền về nội dung của Hiệp định và hướng dẫn thực hiện các nội dung cam kết, các quy định nêu trong EVFTA thông qua các khóa tập huấn về EVFTA, để nâng cao hiểu biết, nhận thức cho các doanh nghiệp, giúp họ thực thi Hiệp định hiệu quả.
Dự kiến, ngày 8-6 tới, Quốc hội sẽ xem xét phê chuẩn Hiệp định EVFTA. Hiệp định này có thể có hiệu lực sớm nhất từ tháng 7-2020.