Vượt thoát hay sáp nhập?

Sau sự “ra đi” của EVN Telecom, cục diện trên thị trường viễn thông di động càng nghiêng về phía các “đại gia” Viettel, VinaPhone và MobiFone.

Vào đầu tháng 4-2012, Bộ Thông tin-Truyền thông (TT-TT) đã đồng ý cho SPT (CTCP Dịch vụ Bưu chính - Viễn thông Sài Gòn) chuyển đổi công nghệ mạng S-Fone của mình từ CDMA sang công nghệ 3G (HSPA). Trong quá trình chuyển đổi này, Bộ yêu cầu SPT phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông; triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhằm đảm bảo mạng viễn thông và thông tin liên lạc được thông suốt.

Từng là mạng di động thứ 3 ở Việt Nam (sau MobiFone và VinaPhone, hoạt động từ năm 2002), S-Fone khi đó với công nghệ mới CDMA được kỳ vọng sẽ trở thành đối thủ lớn của 2 mạng di động trên. Thế nhưng, nhà mạng này đã bỏ lỡ mất thời cơ và dẫn đến cục diện như ngày hôm nay.

Beeline đã gần như im lìm sau sự thành công không như ý của gói cước tỷ phú. Đầu tháng 4, VimpelCom đã thỏa thuận bán lại toàn bộ 49% cổ phần tại GTel Mobile - công ty cung cấp mạng di động Beeline tại Việt Nam - động thái được cho là rút chân khỏi “vũng lầy”.

Còn nhà mạng Vietnamobile mới đây phải gửi đơn lên Bộ TT-TT kêu cứu khi VNPT và Viettel đồng loạt tăng tới gần 300% giá thuê kênh riêng (kênh truyền dẫn) đối với các mạng di động nhỏ như Gtel Mobile và Vietnamobile.

Trên thực tế, các mạng nhỏ đang vấp phải khó khăn kép. Thị trường viễn thông di động gần như đã bão hòa, 3 mạng di động lớn đang chiếm khoảng trên 90% thị phần và không ngừng bành trướng. Trong khi đó, ngoài việc rất khó cạnh tranh khi độ phủ sóng thấp, các mạng nhỏ lại đang phải loay hoay đối phó với... chính mình.

Nếu như S-Fone cần một khoản tiền khổng lồ để tái đầu tư thì Beeline lại đang đau đầu với băng tần, Vietnamobile đang mắc kẹt với hạ tầng dùng chung với các “đại gia” di động. Những khó khăn này đang khiến nhiều người đặt câu hỏi: Sau S-Fone, sẽ đến lượt nhà mạng nào?

Bài học của EVN Telecom, Beeline hay S-Fone cho thấy, đã qua thời đầu tư dễ dàng và thu về siêu lợi nhuận trên thị trường viễn thông, các nhà mạng sẽ phải bước vào một cuộc cạnh tranh mới quyết liệt hơn, không chỉ là mở rộng thuê bao mới mà còn phải giữ chân thuê bao cũ. Đặc biệt, các nhà mạng nhỏ sẽ phải tập trung tái cấu trúc.

Cần nhớ, sau khi đổi công nghệ, Vietnamobile đã được đối tác Hutchison Telecom đầu tư 880 triệu USD và có kế hoạch đầu tư tới 1,1 tỷ USD cho Vietnamobile trong những năm tiếp theo. Với số vốn đầu tư này, Vietnamobile nhanh chóng mở rộng được vùng phủ sóng và tương đối thành công khi  vươn lên vị trí thứ 4 trên thị trường di động ở Việt Nam trong năm 2011.

Còn S-Fone có cả một đoạn đường dài để đi và sự trở lại cũng không phải dễ dàng trong điều kiện khó khăn như hiện nay. Bài toán tương tự cũng đặt ra đối với Beeline và việc “ai còn ai mất” có thể sớm ngã ngũ trong thời gian tới.

Các tin khác