WB dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam chỉ đạt 4,7%

(ĐTTCO) - Bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu cộng hưởng với những hạn chế từ chính nội tại kinh tế trong nước là nguyên nhân chính khiến Ngân hàng Thế giới (WB) hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay.
WB dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam chỉ đạt 4,7%

Bản cập nhật kinh tế mới nhất của WB có tựa đề “Để đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng” công bố ngày 10-8 đã cho thấy, triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những tháng còn lại của năm nay và chung cho cả năm có thể không đạt được như mục tiêu đề ra.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chậm lại từ 8% năm 2022 xuống còn 3,72% trong nửa đầu năm 2023. Môi trường bên ngoài khó khăn và nhu cầu trong nước suy yếu đang làm cản trở tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Trong bản báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất vào sáng nay, WB đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay. Ảnh: Hà Anh

Trong bản báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất vào sáng nay, WB đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay. Ảnh: Hà Anh

Do đó, WB dự báo mức tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đạt 4,7% trong năm nay, sau đó tăng dần lên 5,5% vào năm 2024 và 6,0% vào năm 2025.

Tuy nhiên, theo WB, để đạt được điều này, đầu tư công của Việt Nam cần phải hiệu quả, đóng vai trò quyết định đối với tăng trưởng dài hạn. Điều này cũng đòi hỏi chính sách tài khóa của Việt Nam cần phải chủ động hỗ trợ nhu cầu ngắn hạn, loại bỏ các rào cản về chính sách đối với quá trình triển khai đầu tư công và giải quyết các điểm nghẽn cơ sở hạ tầng.

Trong báo cáo, WB cũng đề xuất một số lựa chọn chính sách để Việt Nam đưa nền kinh tế trở lại đúng quỹ đạo như tăng đầu tư công năm nay để kích thích tổng cầu và tăng trưởng kinh tế, đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu, xây dựng “vùng đệm” an toàn cho nền kinh tế trước các cú sốc bên ngoài.

“Nền kinh tế Việt Nam đang gặp thách thức từ các yếu tố bên trong và bên ngoài. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ có thể hỗ trợ tổng cầu thông qua đầu tư công hiệu quả, qua đó tạo việc làm và kích thích hoạt động kinh tế”, bà Carolyn Turk, Giám đốc WB tại Việt Nam khuyến nghị.

Theo vị đại diện WB, ngoài các biện pháp hỗ trợ ngắn hạn, Chính phủ không nên bỏ qua các cải cách thể chế cơ cấu, bao gồm cả trong lĩnh vực năng lượng và ngân hàng, vì những lĩnh vực này là điều bắt buộc đối với tăng trưởng dài hạn.

Các tin khác