Xác thực người dùng mạng xã hội có hạn chế vấn nạn lừa đảo?

(ĐTTCO) - Theo Bộ TT-TT, Việt Nam hiện có hàng trăm triệu tài khoản mạng xã hội (MXH), từ Facebook, Zalo đến YouTube, TikTok, Instagram.
Xác thực người dùng mạng xã hội có hạn chế vấn nạn lừa đảo?

Theo Bộ TT-TT, Việt Nam hiện có hàng trăm triệu tài khoản mạng xã hội (MXH), từ Facebook, Zalo đến YouTube, TikTok, Instagram… Hầu hết mọi hoạt động đời thực đều hiện hữu trên không gian mạng, nên việc xác thực người dùng MXH là hết sức cần thiết. Báo SGGP xin tiếp tục giới thiệu ý kiến bạn đọc xung quanh vấn đề đang được dư luận quan tâm.

Theo quy định của dự thảo nghị định mới, người dùng mạng xã hội sẽ không thể ẩn danh

- Ông NGUYỄN VĂN CƯỜNG, Giám đốc An ninh mạng Tập đoàn BKAV:

Người dùng sẽ có trách nhiệm hơn

Dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 72/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng có điểm mới là xác thực tài khoản người dùng qua số điện thoại di động tại Việt Nam khi đăng ký thiết lập tài khoản MXH. Thực hiện việc này sẽ hỗ trợ cho nhà quản lý trong việc điều tra, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật trên MXH.

Tuy nhiên, cần thấy rõ việc đăng ký thông tin số điện thoại làm định danh tài khoản MXH chỉ mang tính chất xác thực thông tin người đăng ký, còn các nội dung thì người dùng tham gia MXH phải tuân thủ pháp luật hiện hành. Việc quy định sử dụng số điện thoại di động để xác thực người dùng tài khoản MXH sẽ giảm được các tài khoản “ảo”, vì khi có định danh, người dùng cũng sẽ có trách nhiệm hơn với những nội dung mình cung cấp, chia sẻ lên MXH.

Như vậy, cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc quản lý SIM, tiến đến dẹp bỏ SIM “rác” thì sẽ đảm bảo hơn trong việc xác thực thông tin tài khoản, số điện thoại chính chủ.

- Bà NGUYỄN NGỌC BẢO QUYÊN, Bí thư Đảng ủy phường 8, quận 10, TPHCM:

Giảm tài khoản “ảo”, tài khoản giả mạo

Có thể khẳng định, việc xác thực người dùng MXH là một giải pháp quan trọng để góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia trên không gian mạng; xây dựng không gian mạng an toàn. Đồng thời, khi phát hiện các hành vi vi phạm, xuyên tạc của các thế lực thù địch, các cơ quan chức năng sẽ dễ xác định đối tượng và xử lý nhanh chóng hơn.

Ngoài ra, xác thực người dùng MXH còn giúp ngăn chặn những tác động xấu từ MXH, hạn chế những tiêu cực do MXH đem lại. Bên cạnh đó, giúp hạn chế tối đa những hậu quả xấu có thể xảy đến với người dùng do các vấn nạn tin giả, lừa đảo, xúc phạm nhân phẩm, bôi nhọ danh dự..., giúp không gian mạng trở nên an toàn, “lành mạnh”, “trong sạch”, trở thành nguồn lực mạnh mẽ để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Việc quản lý, xác thực tài khoản số sẽ giúp giảm các tài khoản “ảo”, tài khoản giả mạo, giúp người sử dụng được kết nối an toàn hơn, đồng thời khiến người sử dụng MXH ý thức, văn minh và trách nhiệm hơn.

- Ông TẠ HÒA HỘI, giáo viên về hưu, tỉnh Đồng Tháp:

Góp phần đảm bảo an ninh mạng

Tôi đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn sử dụng MXH Facebook, Zalo để gọi cho con cháu ở xa rất tiện lợi. Nhưng khi công nghệ thông tin càng hiện đại thì cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là trên không gian mạng như hiện nay. Bởi chúng ta chỉ cần một tài khoản Facebook là có thể biết thông tin của cả thế giới, với nhiều thông tin tích cực lẫn tiêu cực.

Thực tế hiện nay, một tài khoản MXH được tạo rất dễ dàng, một người có thể sử dụng hai đến ba tài khoản, do đó rất khó quản lý khi có sự việc gì đó xảy ra. Vì vậy cá nhân tôi rất tán thành đề xuất của Bộ TT-TT về việc xác thực tài khoản với tên thật, số điện thoại mới được viết bài, bình luận và livestream trên MXH, qua đó góp phần đảm bảo an ninh trên không gian mạng, dễ dàng xử lý các đối tượng xấu lợi dụng MXH để dẫn dắt dư luận theo chiều hướng tiêu cực.

- Ông NGUYỄN THANH HÒA, quận Cái Răng, TP Cần Thơ:

Cần sớm ban hành nghị định

Tôi thấy hợp lý khi Bộ TT-TT đề xuất tài khoản xác thực với tên thật, số điện thoại mới được viết bài, bình luận và livestream trên MXH. Bởi theo tôi, có nhiều người mượn MXH để ném đá giấu tay, vô tư bình luận, dẫn dắt dư luận với những thông tin, hình ảnh tiêu cực; thậm chí chụp hình một cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, cửa hàng nào đó để cố tình hạ uy tín của họ… dĩ nhiên là không loại trừ khả năng cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh.

Tuy nhiên, khi người bị hại “gõ cửa” ngành chức năng thì rất khó để truy vết được tên thật của đối tượng, thậm chí tài khoản mạo danh này ở một tỉnh, thành phố khác, do đó rất khó xử lý. Vì vậy, tôi rất đồng tình, tán thành đề xuất của Bộ TT-TT sớm triển khai nghị định để có sự quản lý chặt chẽ hơn trên không gian mạng.

- Cô NGUYỄN DIỄM THÚY, phường 1, quận Gò Vấp, TPHCM:

Nâng cao ý thức người sử dụng MXH

Thời gian qua, dư luận xã hội đã không ít lần bị dẫn dắt, lung lay tư tưởng bởi nhiều thông tin sai lệch. Cơ quan nghiệp vụ đã triệt phá thành công và bắt giữ một số đối tượng lợi dụng MXH để đưa các thông tin sai lệch, không đúng sự thật gây bất an trong xã hội. Tuy nhiên, việc điều tra khá phức tạp do các đối tượng sử dụng tên giả, số ĐTDĐ “rác”… để tham gia MXH.

Do vậy, tôi rất đồng tình với việc phải khai báo thông tin cá nhân khi tham gia sử dụng mạng internet. Bởi lẽ, việc này sẽ góp phần nâng cao ý thức người sử dụng MXH. Ngoài ra, việc này cũng giúp người sử dụng MXH luôn phải chịu trách nhiệm với thông tin của mình. Ai khai báo thì tham gia đưa tin, bình luận, nêu ý kiến của mình; còn ngược lại thì chỉ được xem. Hy vọng thời gian tới, tình hình trên MXH sẽ ổn định hơn với các thông tin, bình luận chuẩn xác!

Các tin khác