Sau khi giá xăng được điều chỉnh tăng mức “khủng” liên tiếp trong 3 kỳ gần đây (từ cuối tháng Ba tới ngày 17/4 vừa qua) xăng E5 tăng tới 2.495 đồng, xăng RON95 tăng 2.695 đồng, đại diện các hãng taxi và vận tải xe khách cũng đang có động thái “nằm nghe ngóng,” theo dõi để tính toán lại sức chịu đựng, từ đó sẽ có quyết sách nên điều chỉnh tăng giá cước hay không bởi sẽ tốn kém rất nhiều trong việc nâng cước niêm yết mức giá mới.
Theo ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, các hãng taxi đang phải “gồng mình” gánh chịu rất nhiều áp lực trước việc tăng giá xăng nhằm bảo đảm sức cạnh tranh bởi nhiên liệu chiếm khoảng từ 30-35% các yếu tố cấu thành giá cước vận tải.
Khẳng định nhiều doanh nghiệp taxi truyền thống đã ổn định giá cước từ giai đoạn tháng 6/2016 đến nay, ông Hùng cho rằng, để điều chỉnh được giá cước, các hãng taxi truyền thống phải đối mặt với rất nhiều rào cản.
Cụ thể, doanh nghiệp taxi phải báo cáo với Sở Giao thông Vận tải sau 3 ngày mới có ý kiến chấp thuận. Khi đó, hãng sẽ phải dừng hoạt động hàng vạn xe và mỗi xe sẽ phải mất từ 40-60 phút để thực hiện việc tháo niêm phong, kẹp chì đồng hồ để điều chỉnh, phải mời cơ quan đăng kiểm đến kiểm định đồng hồ tính cước; bóc toàn bộ đề can bảng giá niêm yết trên thành xe để thay thế bảng giá khác. Chi phí mỗi bộ đề can khoảng 35.000 - 50.000 đồng tùy theo chất liệu.
“Thủ tục để thay đổi niêm yết giá mới rất phức tạp, chi phí tốn kém trong khi giá xăng dầu liên tục biến động, có thể tăng giảm sau mỗi chu kỳ 15 ngày nên các doanh nghiệp đang phải ‘gồng mình’ tiết giảm các chi phí để bảo đảm giữ ổn định giá cước,” vị Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội nhấn mạnh.
Thừa nhận taxi truyền thống phải chịu 16 điều kiện kinh doanh các loại, trong đó có quy định phải đăng ký và kê khai giá cước với cơ quan quản lý Nhà nước, theo ông Hùng, các hãng taxi công nghệ như Grab, Be... lại không bị kiểm soát về giá.
“Những ứng dụng gọi xe công nghệ có thể giảm giá sâu vào giờ thấp điểm để rồi tăng giá thậm chí gấp tới 4 lần vào giờ cao điểm để bù đắp và dùng nhiều cách thức lôi kéo đội ngũ lái xe của taxi truyền thống chuyển sang hoạt động theo mô hình ‘taxi công nghệ,” ông Hùng phân tích thêm.
Do đó, Hiệp hội Taxi Hà Nội vẫn đang khuyến khích các hãng taxi truyền thống tiết giảm chi phí hoạt động, giữ ổn định mặt bằng giá cước và nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm tăng khả năng cạnh tranh với loại hình taxi công nghệ.
Ông Nguyễn Hồng Minh, Giám đốc Taxi Nguyên Minh cho hay hãng chưa tăng giá cước. Trong tuần này, đơn vị sẽ tính toán lại tác động của giá xăng đến tổng chi phí vận hành chung từ đó sẽ có quyết sách điều chỉnh tăng hay “găm” giá như hiện tại.
“Việc Grab, Fastgo giá cước linh hoạt theo giờ trong khi xăng chiếm 35-40% giá thành sẽ dẫn đến các hãng taxi sẽ gặp khó khăn, thiệt hại trực tiếp và tốn kém hơn rất nhiều trong việc điều chỉnh tăng hay giảm giá cước. Chưa kể, mỗi đợt điều chỉnh giá sẽ phải trình lên cơ quan quản lý Nhà nước về mức giá niêm yết điều chỉnh,” ông Minh nói.
Theo người đứng đầu hãng Taxi Nguyên Minh, đơn vị gần có gần 1.000 xe taxi. Mỗi xe khi thay đổi bảng giá niêm yết sẽ tốn khoảng 40 phút đồng thời “ngốn” tới 500.000 đồng.
Ông Nguyễn Anh Quân, Tổng giám đốc Taxi G7 cho biết, trong giai đoạn vừa qua, xăng dầu tăng giá liên tục, tuy nhiên giá cước taxi thì đã ổn định từ 3-4 năm nay.
Theo ông Quân, ngay từ khi ra đời (tháng 11/2018) trên cơ sở hợp nhất một số hãng taxi lớn trên địa bàn Thủ đô (khoảng 3.000 xe), Taxi G7 đã áp dụng mức giá thấp hơn so với mặt bằng chung nhằm tăng sức cạnh tranh.
“Sau lần tăng giá nhiên liệu này, Taxi G7 đang xem xét phương án điều chỉnh tăng giá cước, tuy nhiên mức tăng không đáng kể, chỉ điều chỉnh tương đương với mặt bằng chung hiện tại. Doanh nghiệp và người lái xe đang phải chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng trước việc nhiên liệu tăng giá nhằm bảo đảm ổn định thị trường,” ông Quân giãi bày.
Là đơn vị vận tải chạy tuyến Hải Phòng-Hà Nội, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng cho biết, doanh nghiệp này chưa nghĩ tới chuyện điều chỉnh tăng giá cước theo giá xăng.
Lý do được ông Hải đưa ra vì hiện nay đang trong giai đoạn thấp điểm đi lại, nhu cầu “thượng đế” ít. Thậm chí, doanh nghiệp còn đang muốn giảm giá để kích cầu, nếu tăng giá sẽ không có khách đi bởi hiện có sự cạnh tranh rất lớn từ các xe Limousine vốn được mệnh danh là “chuyên cơ mặt đất.”
Đề cập về mức giá của các xe Limousine hiện không bị khống chế giá trần và do doanh nghiệp tự quyết, ông Hải nhìn nhận, giá cước nên để thị trường tự quyết định mà không nhất thiết Nhà nước cần can thiệp giá.
Từ đó, ông bày tỏ quan điểm, Nhà nước cần giám sát và quản lý hậu kiểm để tránh tình trạng lợi dụng vào lúc cao điểm tăng giá bất hợp lý.