Xăng tăng, sức cạnh tranh giảm

Việc xăng tăng giá liên tiếp trong những tháng đầu năm 2014 đang khiến sức cạnh tranh của DN tại sân nhà cũng như trên sân khách bị sụt giảm. ĐTTC ghi lại ý kiến của một số DN xung quanh vấn đề này.

Việc xăng tăng giá liên tiếp trong những tháng đầu năm 2014 đang khiến sức cạnh tranh của DN tại sân nhà cũng như trên sân khách bị sụt giảm. ĐTTC ghi lại ý kiến của một số DN xung quanh vấn đề này.

Ông Phan Văn Thiện, Phó Tổng giám đốc Bibica:

Phí trực tiếp, gián tiếp đều tăng

Mới đây, đơn vị vận chuyển đã đưa ra mức giá vận chuyển mới tăng lên khoảng 20% so với mức giá cũ, điều này khiến DN chúng tôi cảm thấy rất mệt mỏi. Giá xăng tăng không chỉ khiến các chi phí đầu vào trực tiếp như giá vận chuyển tăng, mà các chi phí gián tiếp khác cũng tăng do các đối tác của chúng tôi cũng chịu ảnh hưởng từ giá xăng.

Tuy nhiên, để duy trì thị phần trong bối cảnh sức mua còn yếu như hiện nay, Bibica chỉ còn cách chấp nhận giảm lợi nhuận chứ không thể tăng giá bán. Sức cạnh tranh của DN đang giảm đi thấy rõ, những nguy cơ cạnh tranh khốc liệt trong thị trường nội địa cũng như xuất khẩu đang dần hiện rõ. Nhất là khi cánh cửa hội nhập mở rộng, hàng rào thuế quan bị xóa bỏ, các DN nước ngoài sẽ tràn vào Việt Nam và đương nhiên sẽ gây khó cho DN Việt rất nhiều.

Ở chiều xuất khẩu, hiện Bibica cố tìm nhiều giải pháp xuất khẩu sang các thị trường, nhưng muốn xuất khẩu được phải cạnh tranh về giá, giá cao quá thật khó “mang chuông đi đánh xứ người”.

Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là bức tranh chung quá nhiều gam màu tối, bất cứ DN nào trong khó khăn cũng phải nỗ lực. Như Bibica trong 6 tháng đầu năm, doanh số vượt 15% so với cùng kỳ và lợi nhuận tăng gấp đôi.

Chúng tôi đang nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu của năm nay với mức tăng doanh số là 30% và lợi nhuận tăng gấp rưỡi so với năm trước. Để làm được những điều này Bibica phải tìm mọi cách hợp lý hóa sản xuất, đồng thời có những dự báo về giá thành của những nguyên liệu chính như đường, bột mì, chất béo để có thể chốt hợp đồng vào những lúc giá tốt.

Ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thép Việt:

Giá xăng cao hơn nhiều nước trong khu vực

Đối với ngành thép nói chung, sức tiêu thụ tại thị trường nội địa đang yếu nên các DN phải dựa vào thị trường xuất khẩu. Và muốn kinh doanh tốt tại sân khách, các sản phẩm phải có sức cạnh tranh quốc tế, vì khi đến một nước chúng ta không chỉ cạnh tranh giá với sản phẩm của riêng nước đó mà còn với nhiều nước khác cũng mang hàng đến kinh doanh.

Những yếu tố đầu vào như xăng có ảnh hưởng rất lớn đến DN sản xuất thép vì phải vận chuyển nhiều. Giá xăng liên tục tăng trong thời gian qua đã làm giảm sức cạnh tranh quốc tế của DN vì chúng tôi buộc phải tăng giá bán sản phẩm. Nếu so sánh giá xăng của Việt Nam với một số nước trong khu vực, giá xăng của chúng ta hiện còn cao hơn. Điều này cần phải được xem xét lại.

Cần phải có những thay đổi mạnh mẽ trong ngành xăng dầu, không thể chỉ ngồi đó nói cao hay thấp. Chúng ta phải tiến đến cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các DN. Và đây theo tôi là nhiệm vụ mà Chính phủ cần thực hiện. Theo tôi, tình hình từ nay đến cuối năm sẽ còn nhiều khó khăn. Với riêng Thép Việt, chúng tôi đang phải rất nỗ lực để giữ mức doanh thu bằng với năm ngoái.

Xăng tăng khiến chi phí đầu vào bị đội lên rất nhiều, nhưng DN vẫn khó tăng giá sản phẩm.

Xăng tăng khiến chi phí đầu vào bị đội lên rất nhiều, nhưng DN vẫn khó tăng giá sản phẩm.

-Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan:

Đổ cho giá thế giới là chưa đúng

Việc tăng giá xăng liên tục trong thời gian qua chắc chắn có ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh. Nhịp độ tăng liên tục khiến người sản xuất bất ổn, người tiêu dùng lo lắng vì giá cả hàng hóa có thể tăng lên. Tuy nhiên, trong suốt 6 tháng qua đa số các đơn vị sản xuất không dám tăng giá bán sản phẩm do sức mua còn quá yếu, chính vì thế hầu hết khó khăn đều đổ dồn cho DN.

Biện pháp chống đỡ vẫn là những giải pháp DN đã làm trong các năm qua chứ không phải đến khi giá xăng tăng liên tục mới làm. Nó bao gồm siết chặt quản lý, xem xét các yếu tố chi phí… Còn nói về câu chuyện sức cạnh tranh, thực ra hiện nay cạnh tranh đang bị ngang bè, vì hầu hết các DN đều không dám tăng giá, lúc này không phải DN này cạnh tranh với DN kia mà là các DN tự cạnh tranh với chính mình, với sức chịu đựng của mình.

Riêng với Vissan, 6 tháng đầu năm chúng tôi đạt 50% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận, đây là một nỗ lực rất lớn của DN. Song nó lại không nói lên sự phát triển. Sức khỏe của DN đang bị tổn thương nghiêm trọng. Nhiên liệu chính là yếu tố căn bản trong hạ tầng của ngành thương mại vì nó ảnh hưởng đến chi phí vận chuyển, lưu thông.

Chính vì thế, việc chi phí nhiên liệu liên tục tăng sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của người kinh doanh. Có thể thấy, giá xăng tăng 5 lần trong các tháng đầu năm, khoảng hơn 1 tháng giá xăng tăng 1 lần và đổ cho giá thế giới là chưa đúng, chưa sáng tỏ với người tiêu dùng và nhà sản xuất. Từ nay đến cuối năm DN sẽ còn phải gồng nữa và sẽ luôn đặt câu hỏi không biết giá xăng dầu khi nào sẽ tăng tiếp. 

Các tin khác