Xây dựng doanh nghiệp xuất khẩu mạnh

(ĐTTCO)-Trao đổi với ĐTTC, ông HONG SUN, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham), cho rằng để có doanh nghiệp (DN) vươn ra toàn cầu, xây dựng được thương hiệu lớn, Việt Nam nên tập trung xây dựng các DN xuất khẩu mạnh, điều Hàn Quốc đã từng làm trong nhiều thập niên qua.
Việt Nam có điều kiện thiên nhiên thuận lợi để phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Việt Nam có điều kiện thiên nhiên thuận lợi để phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
PHÓNG VIÊN: - Năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) của Việt Nam được đánh giá có những “điểm sáng”. Song nhìn vào cơ cấu tỷ trọng XK, DN nội chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn, còn chủ yếu đến từ DN FDI. Hàn Quốc là quốc gia hướng đến XK, trong lịch sử có từng xảy ra những giai đoạn như vậy, thưa ông?
Ông HONG SUN: - Thực tế, trong cơ cấu XK ở Hàn Quốc cũng từng xảy ra tình trạng tương tự Việt Nam hiện nay. Khủng khoảng kinh tế năm 1997 và 2008, Hàn Quốc vượt qua được nhờ vào sản xuất công nghiệp. Thí dụ thị trường của Samsung dựa vào nội địa đến 95%, XK chỉ 5%.
Còn hiện tại Samsung tập trung phát triển thị trường nước ngoài nên sẽ phải cạnh tranh toàn cầu. LG cũng vậy, hiện XK ra nước ngoài chiếm 95% và chỉ 5% là nội địa. Việt Nam có khoảng 100 triệu dân, xét ở mức độ tổng thể, thị trường nội địa rất nhỏ bé.
Đất đai, dân số cũng hạn chế nên việc khai thác giá trị gia tăng cũng hạn chế. Nên song song với việc “giữ nội địa”, Chính phủ cần khuyến khích các DN đầu tư ra nước ngoài và khuyến khích XK ra nước ngoài. 
Ở đây có 2 nhiệm vụ cần song hành. Một mặt, Nhà nước cần tạo ra không khí tiêu dùng nội địa. Như Hàn Quốc trước kia từng cấm thuốc lá và rượu bia NK từ nước ngoài, nhằm bảo hộ cho thị trường trong nước. Mặt khác, Nhà nước cũng tạo ra động lực cho đầu tư, sản xuất.
Đối với Hàn Quốc, nhà sản xuất và DN XK nhiều hàng hóa ra nước ngoài là anh hùng. Hiện nay, Việt Nam đã ký kết và tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), nếu tận dụng được cơ hội này sẽ là động lực mạnh mẽ cho các DN XK trong nước vươn lên.
- Một vấn đề được đề cập đến nhiều năm qua là mối quan hệ giữa DN FDI và DN trong nước, trong đó trọng tâm là chuyển giao công nghệ. Theo ông, làm thế nào để việc chuyển giao công nghệ này diễn ra nhanh hơn?
Việt Nam có thể phát triển nông nghiệp công nghệ cao, do điều kiện thiên nhiên thuận lợi, nông dân đông đảo. Đây là lĩnh vực Việt Nam có thể làm ngay bởi là thế mạnh của mình.
- Tôi thấy trong số những DN hàng đầu Việt Nam không có nhiều DN sản xuất, mà chủ yếu là các lĩnh vực như bất động sản, dịch vụ… Lại càng hiếm DN Việt Nam dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất vươn ra tầm quốc tế. Nhiều doanh nhân Việt Nam cũng chưa quan tâm đến lĩnh vực sản xuất, bởi lợi nhuận không cao như lĩnh vực khác.
Thông thường, lợi nhuận của sản xuất khoảng 2-5%, cao nhất cũng chỉ 10%. Trong khi lãi suất ở Việt Nam cũng rất cao, nếu đầu tư hàng chục triệu USD và thu về tỷ suất lợi nhuận như vậy sẽ không hiệu quả.
Việt Nam cũng chưa có hệ sinh thái tốt về lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, hỗ trợ cho sản xuất. Nói thì dễ, nhưng làm không hề đơn giản.
Thí dụ, sản xuất 1 chiếc camera điện thoại cần rất nhiều ống kính siêu mỏng, siêu nhỏ rất phức tạp, không nhiều DN trên thế giới làm được. DN Việt Nam muốn làm được phải trải qua nhiều quá trình, bởi chỉ 1 phụ kiện bị hỏng cả thiết bị sẽ không hoạt động được.
Hiện tại, các khâu như sản xuất suất ăn, cung cấp bao bì, bảo vệ, xây dựng… tham gia khá dễ. Nhưng những phụ kiện phức tạp, kỹ thuật cao cần sự nỗ lực bền bỉ, có thể 20-30 năm mới có thể làm được.
Tuy nhiên, không phải DN Việt Nam không làm được. DN Việt Nam có thể đi nhanh hơn, bằng cách sở hữu cổ phần, mua lại các DN Hàn Quốc, hoạt động cùng và dần chuyển giao công nghệ.
Họ có thể nhắm đến các DN Hàn Quốc đang tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu để rút ngắn đường đi. Sau 3-5 năm, DN Việt Nam có thể tự vận hành được dây chuyền sản xuất. DN Hàn Quốc cũng sẵn sàng hợp tác cùng DN phụ trợ Việt Nam nếu đủ năng lực và sự sẵn sàng.
- Vậy làm thế nào để Việt Nam xây dựng được những DN lớn vươn ra toàn cầu, thưa ông?
- Để DN Việt Nam vươn ra toàn cầu, trước tiên đó phải là DN mạnh. Thí dụ, với sản xuất điện thoại, ô tô, mặt hàng có giá trị gia tăng cao… phải đầu tư dài hạn 20-30 năm mới có thể làm được, có nghĩa chỉ những DN có tiềm lực, năng lực thực sự mới làm được.
Những công ty hàng đầu của Hàn Quốc như Samsung, LG cũng bắt đầu từ những linh kiện rất nhỏ, rồi radio, tivi đen trắng, tivi màu… Họ phải tích lũy công nghệ hàng chục năm mới có thể làm được các sản phẩm như ngày nay.
Tiếp theo là sự hỗ trợ chính sách của Chính phủ. Theo đó, mặt hàng nào Việt Nam có thế mạnh, sản xuất được trong nước, nên có hàng rào bảo hộ, điển hình là thuế NK nhằm bảo vệ lĩnh vực vực sản xuất dẫn đầu của Việt Nam.
Trước kia, Hàn Quốc không sản xuất được sản phẩm gì nổi bật cả, nhưng 20-30 năm nay đã sản xuất được nhiều sản phẩm nổi tiếng, hàm lượng công nghệ cao. Ngoài sự nỗ lực của các DN, sự hỗ trợ của nhà nước qua các chính sách phù hợp là rất quan trọng.
Thí dụ, thời kỳ quá độ, Chính phủ Hàn Quốc bảo vệ rất nhiều cho nền sản xuất trong nước, từ đó hình thành tâm lý yêu sản phẩm trong nước của người dân. Bởi thực tế người Hàn Quốc vốn rất thích sản phẩm ngoại, không thích sản phẩm nội địa vì chất lượng kém. Nhưng chúng tôi đã cố gắng từng bước, và đến nay sản phẩm nội địa có chất lượng rất tốt. 
Hàn Quốc đã tiến hành cải cách giáo dục, nếu đến trung học phổ thông sẽ hướng nghiệp học nghề cho những người không muốn tiếp tục vào đại học. Ngoài ra, để phát triển các ngành mũi nhọn phải có các trường đại học lớn, uy tín đào tạo về lĩnh vực đó.
Do đó, Hàn Quốc cũng xây dựng hệ thống chứng chỉ hành nghề cho rất nhiều công việc. Mỗi công việc đều có tiêu chuẩn rõ ràng, khắt khe. 
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác