Danh hiệu này góp phần khẳng định tiếng tăm ẩm thực Việt Nam, thúc đẩy ngành du lịch phát triển, góp phần hồi phục kinh tế.
Thực tế, một số nhà hàng, quán ăn lọt vào danh sách Michelin vinh danh đều ghi nhận số lượng thực khách tăng đáng kể. Thông tin này thực sự làm nức lòng những người yêu ẩm thực trong nước. Tuy vậy, các chuyên gia nhìn nhận, “đạt sao Michelin đã khó, nhưng giữ được sao còn khó hơn rất nhiều”.
“Khi được thế giới chú ý đến ẩm thực của đất nước mình, mọi người (nhà hàng, quán ăn, đầu bếp - PV) hãy cố gắng giữ vững danh hiệu đó”, nghệ nhân Bùi Thị Sương nhấn mạnh. Món ăn Việt Nam ngon, phong phú, đa dạng… là điều không bàn cãi, nhưng việc đảm bảo vệ sinh, nhất là thực phẩm đường phố, lại khiến những người làm du lịch, người chuyên kinh doanh các món ăn phải “đau đầu”.
Bà Phạm Thanh Hoa, chủ nhà hàng Bếp Mẹ Ỉn, quận 1 (thuộc 1 trong số 29 nhà hàng Bib Gourmand - tiêu chí nhà hàng có đồ ăn ngon, giá phải chăng do Michelin công bố) cho biết, thức ăn đường phố của TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung, rất được khách nước ngoài yêu thích.
Tuy nhiên, việc lựa chọn thực phẩm đường phố để giới thiệu đến thực khách khá khó khăn, vì phải đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm... Chưa kể, có tình trạng, có nơi, khi cơ quan chức năng kiểm tra thì rất vệ sinh, nhưng khi đoàn kiểm tra ra về lại nhếch nhác, mất vệ sinh như cũ.
Tại TPHCM, định hướng đến năm 2030, du lịch ẩm thực sẽ là sản phẩm chính. Sau khi Michelin vinh danh các nhà hàng ẩm thực, Sở Du lịch mong muốn những nhà hàng này cùng nhiều nhà hàng khác tiếp tục chung tay xây dựng thương hiệu TPHCM là điểm đến có món ăn ngon
TP cũng sẽ hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá nhà hàng, quán ăn 1-5 sao giống như khách sạn. Đây là việc cần thiết phải làm, càng sớm càng tốt. Bởi ẩm thực được xem như “sợi dây” kết nối con người, văn hóa của quốc gia đến với thế giới.