Xây hồ chống ngập: Nơi làm, nơi cù cưa

(ĐTTCO) - Hồ điều tiết (hồ sinh thái, hồ cảnh quan) là một trong những công trình quan trọng giúp cải thiện bộ mặt đô thị, góp phần điều tiết giảm ngập cho khu dân cư trên địa bàn TPHCM. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng các công trình này hiện chưa được như mong đợi.

Hồ điều tiết tại dự án nhà ở Lake View City (TP Thủ Đức, TPHCM) sau khi xây dựng hoàn thành

Hồ điều tiết tại dự án nhà ở Lake View City (TP Thủ Đức, TPHCM) sau khi xây dựng hoàn thành

Bỏ quên... hồ điều tiết

Dự án nhà ở Lake View City (TP Thủ Đức, TPHCM), chủ đầu tư Novaland, nằm trong quần thể 30ha, với gần 1.000 sản phẩm là nhà phố, biệt thự, shophouse… cùng hồ điều tiết rộng 3,6ha. Bao quanh bờ hồ là các cung đường đi dạo với những mảng cây xanh, trạm nghỉ chân có mái che, cùng cụm hồ bơi tràn cho người lớn và hồ trẻ em. Ngoài làm đẹp cho khu dân cư, hồ kết nối với sông Giồng Ông Tố qua hệ thống cống, sẽ trữ nước khi xảy ra mưa lớn, rồi xả ra sông sau khi thủy triều hạ. Thời điểm công bố dự án, những căn nhà hướng hồ đã được khách hàng đặt mua trước tiên, cho dù giá cao hơn rất nhiều so với những vị trí khác.

Cũng là dự án nhà ở và trong quy hoạch có hồ cảnh quan, nhưng tại dự án Riviera Point (quận 7) do liên doanh giữa Keepel Land và Công ty TNHH Tấn Trường làm chủ đầu tư, công trình này bị… bỏ quên. Cụ thể, theo chỉ đạo của UBND TPHCM, khi thực hiện dự án nhà ở, diện tích rạch bị lấp phải thay bằng hồ điều tiết, hoặc mở rộng diện tích các rạch được giữ lại trong dự án, tỷ lệ thay thế bằng 1,2 lần diện tích rạch san lấp. Năm 2009, UBND quận 7 phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 dự án, sau đó quận tiếp tục phê duyệt bổ sung quy hoạch chi tiết 1/500. Báo cáo của UBND quận 7 vào năm 2013 thừa nhận, tổng diện tích rạch bị lấp khi thực hiện dự án là 4.688m2 và 2 bản phê duyệt 1/500 của quận đã thiếu hồ điều tiết.

Năm 2013, Kiểm toán Nhà nước đã có văn bản yêu cầu UBND TPHCM chỉ đạo Ban quản lý Khu Nam, UBND quận 7 làm rõ, xem xét để xử lý đối với sai phạm của dự án trên. Sau nhiều cuộc làm việc của các cơ quan chức năng với chủ đầu tư, quy mô hồ cảnh quan đã thay đổi. Đối với đoạn rạch thứ nhất, sau khi san lấp chủ đầu tư đã xây dựng xong 6 lô nhà ở, nên phương án giải quyết là thay thế và chỉnh tuyến bằng đoạn rạch khác. Đối với đoạn rạch thứ 2, có tổng diện tích 1.810m2, các cơ quan chức năng yêu cầu phải xây hồ cảnh quan để thay thế. Sau khi tính toán, hồ cảnh quan được xác định có diện tích gần 2.640m2, thiết kế nằm song song với đường dẫn lên cầu Phú Mỹ. Vậy nhưng cho đến nay, khu đất đã chọn làm công viên và hồ cảnh quan vẫn để trống.

Tín hiệu tích cực từ các dự án công

Theo các đồ án quy hoạch chống ngập cho TPHCM, thành phố sẽ xây dựng 103 hồ điều tiết nằm ở TP Thủ Đức, các quận 4, Tân Bình, Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vấp và các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè với tổng diện tích gần 900ha. Một số dự án mặc dù tiến độ rất chậm nhưng gần đây đã có chuyển biến tích cực.

Mới đây, báo cáo UBND TPHCM, lãnh đạo Sở QH-KT TPHCM cho biết, dự án Khu du lịch sinh thái hồ Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh) đã được UBND TPHCM phê duyệt quy hoạch chung tỷ lệ 1/5000 từ năm 1997. Năm 2004, thành phố chấp thuận chủ trương cho phép Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn điều chỉnh quy hoạch tổng thể và chi tiết sử dụng đất của dự án theo ranh giao đất của Thủ tướng Chính phủ và bổ sung thêm phần diện tích khoảng 50ha - khu tam giác kẹp giữa kênh Liên Vùng và kênh An Hạ, khu đất nông nghiệp do nông trường Phạm Văn Hai quản lý, thực hiện theo quy hoạch chung của dự án được thành phố phê duyệt năm 1997. Đến thời điểm này, huyện Bình Chánh đang tổ chức lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 của dự án để trình cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt theo quy hoạch.

Tương tự, dự án hồ điều tiết công viên hồ Khánh Hội (quận 4) cũng rất khả quan. Dự án có diện tích 4,8ha, trong đó phần đất đã thu hồi đang làm công viên tạm. Ông Võ Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND quận 4, cho biết: Trước đây, dự án không có vốn đầu tư nên chuyển sang hướng xã hội hóa, dù vậy vẫn không tìm được nhà đầu tư vì đây là dự án công cộng. Vừa qua, Hội đồng Nhân dân TPHCM đã đồng ý chủ trương của quận, chấp thuận bố trí vốn của dự án vào giai đoạn năm 2020-2025 để tập trung giải phóng mặt bằng, rồi tiếp đó tiến hành xây dựng. Dự kiến vốn giải phóng mặt bằng gần 1.000 tỷ đồng, khoảng 450 hộ dân bị ảnh hưởng đã được duyệt giá đền bù.

Các tin khác