Khi thuế không còn là lợi thế
Thuế tối thiểu toàn cầu (GMT – viết tắt từ Global Minimum Tax) là loại thuế đánh vào các doanh nghiệp lớn, công ty đa quốc gia có doanh thu lớn, nhưng lại đầu tư vào những nước có mức thuế suất thấp nhằm trốn thuế, tiềm ẩn nguy hại về cạnh tranh không lành mạnh.
Để ngăn chặn việc này mà không mất đi tính cạnh tranh toàn cầu, các nước đã thống nhất đưa thuế tối thiểu toàn cầu vào các doanh nghiệp đầu tư lớn bằng cách đặt ra giới hạn về đóng thuế tại nước sở tại hoặc chính quốc, tạo sự công bằng, tránh trốn thuế.
Các nước đã thống nhất Thuế tối thiểu toàn cầu là mức thuế áp dụng cho các doanh nghiệp đa quốc gia có doanh thu toàn cầu trên 750 triệu Euro và có mức lợi nhuận trên 10% doanh thu; sẽ bị áp dụng mức thuế suất tối thiểu 15% trên mức lợi nhuận.
Các nước đã thống nhất Thuế tối thiểu toàn cầu là mức thuế áp dụng cho các doanh nghiệp đa quốc gia có doanh thu toàn cầu trên 750 triệu Euro và có mức lợi nhuận trên 10% doanh thu; sẽ bị áp dụng mức thuế suất tối thiểu 15% trên mức lợi nhuận (Ảnh minh hoạ)
Ngày 15/12/2022 Liên minh Châu Âu (EU) đã thông qua kế hoạch áp thuế suất tối thiểu 15%. Ngày 23/12/2022, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua Đạo luật Điều chỉnh Thuế quốc tế, áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu từ ngày 01/01/2024.
Nếu áp dụng, Việt Nam có thể kiểm soát được các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài an toàn hơn, tránh thất thu thuế khi những doanh nghiệp này trốn thuế tại các nước không bị truy thu thuế. Tuy nhiên việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu cũng được cho sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chính sách thu hút đầu tư nước ngoài khi mà thuế không còn là lợi thế.
Việt Nam đang sử dụng ưu đãi thuế như một công cụ đòn bẩy tài chính để tác động đến xu hướng đầu tư. Các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn so với các nước trong khu vực.
Hiện thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam là 20%, cao hơn mức thuế tối thiểu đề xuất. Tuy nhiên, chúng ta đang dành thuế suất ưu đãi cho các dự án đầu tư nước ngoài ở mức: 10%, 15% và 17% tùy theo lĩnh vực, ngành nghề, quy mô và địa bàn đầu tư. Thậm chí có dự án được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt ở các mức 5%, 7% và 9%. Cùng với ưu đãi về thuế suất, pháp luật hiện hành có quy định về việc miễn thuế, giảm 50% thuế suất trong thời gian được miễn, giảm.
Khi GMT được áp dụng, các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp được đánh giá không còn đem lại lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam trong thu hút đầu tư.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, Việt Nam mở cửa thu hút vốn đầu tư nước ngoài năm 1987. Một trong những giải pháp quan trọng để vn thu hút đầu tư đó là các biện pháp ưu đãi hỗ trợ đầu tư. Trong đó ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp là một trong những biện pháp quan trọng.
"Khi GMT được áp dụng, chúng ta hiểu rằng tất cả những ưu đãi trước đây và hiện nay mà Việt Nam dành cho các doanh nghiệp, ví dụ như: miễn thuế, thuế suất ưu đãi dưới 15% không còn tác dụng. Điều này ảnh hưởng đáng kể đến chính sách, phương tiện, công cụ thu hút vốn đầu tư nước ngoài không còn hấp dẫn như ban đầu", bà Ngọc cho biết.
Vấn đề đặt ra, nếu Việt Nam không thu thêm thuế thì các doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dung thuế tối thiểu toàn cầu sẽ phải bổ sung tại các nước khác. Do vậy, việc Việt Nam cần điều chỉnh chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư thế nào phải tương thích với thuế tối thiểu toàn cầu, cũng như gây ít tác động nhất đến các doanh nghiệp đang đầu tư, cũng như là công cụ để thu hút nguồn lực đầu tư mới.
Khi thuế không phải là yếu tố quan trọng nhất
Ông Nakajima Takeo - Trưởng đại diện JETRO Hà Nội cho biết, việc áp dụng GMT sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, cần có những giải pháp nào đó để bổ sung, hỗ trợ cho các nhà đầu tư. Hoặc tiếp tục những chính sách ưu đãi hiện hành thì vận dụng như thế nào? Đây là các vấn đề mà doanh nghiệp đầu từ tại Việt Nam rất quan tâm.
Song theo ông Nakajima Takeo, khi quyết định đầu tư, doanh nghiệp sẽ tham khảo nhiều yếu tố khác nhau. Tại đây, một trong các yếu tố là thuế suất cao hay thấp. Tuy nhiên đại diện JETRO cho rằng đây không phải là yếu tố quyết định. Theo khảo sát của JETRO, bên cạnh thuế suất còn nhiều yếu tố quan trọng khác cho quyết định đầu tư.
"Theo khảo sát của chúng tôi, sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam thì yếu tố tiềm năng tăng trưởng đứng ở vị trí thứ nhất. Thứ hai là quy mô của thị trường Việt Nam. Và chỉ có khoảng 24% doanh nghiệp được khảo sát cho biết mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam đến từ các chính sách ưu đãi thuế", ông Nakajima Takeo thông tin.
Ông Nakajima Takeo cho rằng, các chính sách ưu đãi thuế rất là tốt nhưng vận dụng như thế nào cũng là điều rất quan trọng. Cần phải đẩy nhanh tốc độ, thuận tiện trong việc thực hiện ưu đãi là các yếu tố mà các doanh nghiệp thực sự quan tâm.
Trong khi đó ông Hong Sun - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, ngày 31/12/2022, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành Luật sửa đổi liên quan đến Thuế quốc tế bao gồm quy định về Thuế tối thiểu toàn cầu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và dự định áp dụng chính thức từ 1/1/2024.
Việt Nam đang áp dụng ưu đãi về Thuế doanh nghiệp như miễn/giảm thuế nhằm thu hút đầu tư. Nếu căn cứ vào các thay đổi gần đây về Quy định Luật của Chính phủ Hàn Quốc cũng như những chính sách ưu đãi về Thuế Doanh nghiệp hiện đang được Chính phủ Việt Nam áp dụng, thì từ năm 2024, các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam sẽ phải nộp phần thuế được giảm ở Việt Nam về Hàn Quốc do các quy định về Thuế tối thiểu toàn cầu.
Do đó theo ông Hong Sun, các nỗ lực mà Chính phủ Việt Nam đang thực hiện nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Hàn Quốc sẽ bị vô hiệu hóa, do Thuế doanh nghiệp tăng cao sẽ tác động xấu đến năng lực cạnh tranh thu hút đầu tư của Việt Nam do các chi phí đầu tư bị tăng lên.
"Chính phủ Việt Nam cần giảm thiểu tối đa các tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, cũng như cần thay đổi đối với chế độ ưu đãi đối với thuế doanh nghiệp hiện tại. Qua đó duy trì năng lực cạnh tranh, duy trì thu hút đầu tư nước ngoài mà Chính phủ Việt Nam đã đề ra vào thời gian đầu", ông Hong Sun đề xuất.
Về phía doanh nghiệp, bà Đào Thị Thu Huyền - Phó Tổng giám đốc Canon Việt Nam cho biết công ty đang có khoảng 130 nhà cung cấp đang hoạt động tại Việt Nam, cung cấp một sản lượng lớn cho tập đoàn. Theo bà Huyền, Việt Nam đang chiếm trên 50% tổng sản lượng của Canon trên thế giới. Nên việc áp dụng GMT ảnh hưởng lớn đến các quyết định đầu tư cũng như giao sản lượng sản xuất của Canon ở những quốc gia có chi phí và lợi ích cao hơn.
"Chính phủ Việt Nam nên duy trì các chính sách ưu đãi đầu tư như hiện tại song cần bổ sung thêm những hỗ trợ về chi phí cho các doanh nghiệp chịu tác động bởi GMT để các doanh nghiệp có thể duy trì tính cạnh tranh", đại diện Canon kiến nghị.
Quyền được đánh thuế
Ghi nhận các đóng góp của các hiệp hội và doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng vấn đề quan trọng là bàn xem giải pháp để áp dụng quy chế về thuế xuất tối thiểu toàn cầu nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu của các nước đang phát triển đó là thu hút đầu tư.
Bà Ngọc đánh giá đây là câu chuyện không dễ giải quyết bởi nó mang tính "giằng co". Song Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định quyền được đánh thuế để có thể có dư địa đầu tư ngược lại cho phần hạ tầng hỗ trợ cho nhà đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh.
"Trên thế giới hiện nay, một số nước phát triển đã áp dụng việc ưu đãi trên cơ sở trách nhiệm của doanh nghiệp", bà Ngọc nhấn mạnh.
Về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khi áp dụng GMT, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh quan điểm hài hoà lợi ích. Các doanh nghiệp đến đầu tư, và Việt Nam sẽ có phần trách nhiệm để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư có hiệu quả.