Vì không còn sự lựa chọn nên nhiều người vẫn phải chấp nhận, bấm bụng chi trả cước phí.
Điều đáng nói, một số hãng xe công nghệ như Grab, Gojet thông báo sẽ phụ thu thêm từ 10.000-15.000 đồng trên mỗi chuyến xe từ ngày 28-1 đến 3-2, và được cộng trực tiếp vào giá của chuyến đi. Tuy nhiên, theo một số người dân, có thời điểm giá cước dịch vụ tăng gấp 2-3 lần so với ngày bình thường, ngay cả ở thời điểm sau Tết Nguyên đán.
Sáng sớm ngày 7-2, tôi thử đặt một chuyến xe ôm công nghệ của hãng Gojet từ Bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh) về đường Quang Trung (quận Gò Vấp), hệ thống báo cước phí lên tới 85.000 đồng; trong khi đó, ngày bình thường cước phí cho chặng đường tương tự chỉ rơi vào khoảng 30.000-35.000 đồng.
Trước đây, sự xuất hiện các ứng dụng gọi xe công nghệ kỳ vọng đem lại sự tiện lợi cho người dân, giá thành phải chăng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, lợi dụng sự độc quyền, nhiều hãng xe bắt đầu tìm mọi lý do như giờ cao điểm, ngày lễ tết, trời mưa… để dễ tăng giá, và đổ lỗi cho thuật toán, khiến người tiêu dùng dần mất niềm tin. Việc các hãng xe lập luận cung vượt cầu nên phải tăng giá cước cũng là một cách lập luận khó chấp nhận, và đây là cách “làm giá” trắng trợn.
Tăng giá cước xe công nghệ một mặt để cải thiện thu nhập cho tài xế, tạo động lực cho tài xế làm việc trong dịp tết là chuyện bình thường; nhưng mặt khác các hãng xe lại đang tranh thủ thời điểm này để trục lợi, tận thu từ khách hàng. Bởi đa phần các hãng xe công nghệ đều lấy lợi nhuận theo phần trăm doanh thu mỗi chuyến xe, trung bình từ 15-30%, và chính khách hàng là người gián tiếp bị ảnh hưởng.
Do vậy, để đảm bảo quyền lợi cho người dân và sự minh bạch trong các hoạt động kinh doanh, cơ quan chức năng liên quan cần vào cuộc kiểm tra, kiểm soát mức giá của các hãng xe công nghệ theo đúng quy định.