Thời gian qua, dù các ngân hàng thương mại (NHTM) đã đẩy mạnh cho vay tín dụng xanh (khoản vay mà các tổ chức tín dụng cho vay đối với nhu cầu kinh doanh sản xuất, đầu tư, tiêu dùng không gây rủi ro đến môi trường và hệ sinh thái) nhưng vẫn còn nhiều trăn trở về tiêu chí phân loại dự án xanh.
Đạt chưa đến 5%
Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là xu thế tất yếu, là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới, trong đó có Việt Nam - một trong những quốc gia đang đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường và chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, tính đến đầu năm 2024, dư nợ tín dụng xanh ước đạt 500.000 tỷ đồng, chỉ chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ tín dụng ngân hàng. So với kỳ vọng đặt ra thì con số này vẫn còn khá khiêm tốn.
Dây chuyền sản xuất tại nhà máy của CTCP Dược phẩm OPC - một doanh nghiệp xanh tại TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Mặc dù được sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ ngành, nhưng trong 7 năm qua (2017-2023), dư nợ cấp tín dụng xanh của hệ thống ngân hàng tăng trưởng bình quân khoảng 22%/năm. Nhiều tổ chức tín dụng đã xây dựng các gói tín dụng xanh, chương trình tín dụng xanh phù hợp với đặc thù hoạt động kinh doanh, chuyển đổi xanh... nhưng hoạt động cấp tín dụng xanh và phát triển xanh vẫn còn một số rào cản.
Cụ thể, chưa có danh mục phân loại xanh - căn cứ để NHNN đánh giá được hiệu quả của các giải pháp trong chính sách tín dụng góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia.
Đây cũng là cơ sở quan trọng để các tổ chức tín dụng xác định định mức, quy mô đầu tư, xây dựng và triển khai các chính sách, sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp. Đặc biệt, việc triển khai tín dụng xanh còn nhiều vướng mắc như: chưa có khung pháp lý, chính sách liên quan đến việc triển khai tài chính xanh, tài chính bền vững.
Để gỡ các rào cản nói trên, đầu tháng 8-2024, NHNN ban hành Quyết định 1663/2024 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 1604/2018 của Thống đốc NHNN phê duyệt Đề án Phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam. Trong đó, NHNN đã bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung liên quan đến phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh và nhiệm vụ cụ thể của các tổ chức, đơn vị có liên quan.
Chia sẻ về việc này, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho rằng, việc chỉnh sửa, bổ sung liên quan đến tổ chức tín dụng và định hướng tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn xanh để phát triển dự án xanh là những chỉnh sửa bổ sung cần thiết và ý nghĩa.
“Sửa đổi lần này khiến nội hàm Quyết định 1663/2024 mang tính toàn diện về mặt chính sách và định hướng chính sách. Theo đó, yêu cầu phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh không chỉ là nhiệm vụ của các NHTM mà là nhiệm vụ của tất cả tổ chức tín dụng, bao gồm cả các tổ chức tín dụng phi ngân hàng như công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và các quỹ tín dụng nhân dân.
Việc này giúp nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động của toàn hệ thống tổ chức tín dụng trong việc phát triển tín dụng xanh. Đây chính là cơ sở và điểm khởi đầu để thực hiện hoạt động tín dụng xanh, mở rộng và tăng trưởng tín dụng xanh của mỗi tổ chức tín dụng”, ông Nguyễn Đức Lệnh nhấn mạnh.
Thực tế, hiện nay ngày càng nhiều tổ chức tín dụng thực hiện quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng và dần tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế trong hoạt động này. Vì thế, việc NHNN sửa đổi, bổ sung các quy định cụ thể và toàn diện đối với Đề án Phát triển ngân hàng xanh là bước đi cần thiết để cả hệ thống cùng vào cuộc thúc đẩy các hoạt động tài trợ vốn bền vững.
Sớm hoàn thiện khung pháp lý
Lãnh đạo nhiều NHTM cho biết, các ngân hàng hiện nay đang sẵn sàng cho vay các dự án xanh và rất muốn tìm kiếm khách hàng phù hợp. Nhưng để mở rộng cho vay thì các tổ chức tín dụng cũng đang rất trăn trở về tiêu chí phân loại xanh và nguồn vốn để cho vay.
Ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc Ngân hàng MB, cho biết, tỷ trọng tín dụng xanh trên quy mô tín dụng của Ngân hàng MB ở mức cao, khoảng 11% trong năm 2023. Ngân hàng cũng chú trọng xây dựng chính sách cho các sản phẩm xanh đa dạng, phù hợp tiêu chí các nhóm ngành xanh quốc gia và dễ dàng tiếp cận cho doanh nghiệp.
“Hiện lãi suất ưu đãi tín dụng xanh đang thấp hơn từ 0,5-2% so với mức lãi suất thông thường nhưng vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp tiếp cận được nguồn tín dụng này. Do chưa có khung pháp lý rõ ràng về danh mục phân loại xanh quốc gia để cấp tín dụng xanh nên MB đang tạm lấy tiêu chuẩn ESG là cắt giảm khí phát thải nhà kính từ 20% trở lên. Đồng thời, áp dụng tiêu chuẩn trong các ngành nghề, lĩnh vực hoạt động nhằm đánh giá doanh nghiệp xanh để cấp tín dụng xanh”, ông Ánh cho hay.
Tương tự, danh mục tài trợ thương mại xanh của Ngân hàng UOB (Singapore) khắp khu vực đã lên đến 44,5 tỷ SGD (gần 33 tỷ USD). Trong đó, Việt Nam có 24 dự án được ngân hàng này cấp tín dụng xanh. Trong tháng 4, UOB Việt Nam ký kết thỏa thuận tài trợ thương mại xanh với một doanh nghiệp về lĩnh vực nông nghiệp là Công ty Betrimex. Để đi đến thỏa thuận hợp tác này, Betrimex đã vượt qua quy trình xét duyệt tín dụng xanh rất nghiêm ngặt của UOB Việt Nam.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty cổ phần Sữa Vinamilk - một doanh nghiệp xanh ở Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Ông Lim Dyi Chang, Giám đốc cấp cao Khối khách hàng doanh nghiệp UOB Việt Nam, cho biết, một trong những tiêu chí khi xem xét hồ sơ cho vay là bên vay có các biện pháp nhằm giảm phát thải carbon từ 14-16%.
“Việc tìm đúng dự án tốt để tài trợ vốn phát triển xanh cũng không dễ dàng. Ngoài doanh nghiệp thực hành ESG phải theo tiêu chuẩn thế giới, chúng tôi sẽ căn cứ vào yếu tố con người, kinh doanh tác động lên môi trường ra sao và có mang lại lợi ích cho các chủ thể trực tiếp và gián tiếp hay không, mới quyết định cấp tín dụng”, Ông Lim Dyi Chang cho biết.
Có thể thấy, xây dựng và cập nhật danh mục dự án xanh là một trong những khúc mắc lớn nhất của các tổ chức tín dụng hiện nay trong triển khai cấp tín dụng xanh. Hầu hết các đơn vị khi cung ứng vốn tín dụng xanh đều căn cứ theo yêu cầu của tổ chức tài chính quốc tế đã tài trợ cho ngân hàng vốn tín dụng xanh và những quy định của chính ngân hàng đặt ra.
Vì thế, việc Quyết định 1663/2024 bổ sung quy định “NHNN định kỳ cập nhật danh mục dự án xanh” đồng thời đặt ra các trách nhiệm cụ thể đối với cơ quan quản lý, như: ban hành hướng dẫn về tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường; ban hành hướng dẫn xây dựng báo cáo về tín dụng xanh sau khi các báo cáo có liên quan của Chính phủ, các bộ ngành được ban hành; xây dựng các tài liệu tham khảo cho các tổ chức tín dụng về tín dụng xanh; quản lý rủi ro môi trường và xã hội… tạo cơ sở pháp lý thống nhất để các tổ chức tín dụng triển khai trên thực tế.
* TS CẤN VĂN LỰC, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV:
Để có nguồn vốn đầu tư cho các lĩnh vực phát triển xanh, từ nay đến năm 2040, Việt Nam cần huy động khoảng 368-380 tỷ USD, tương đương 20 tỷ USD/năm. Vì thế, pháp lý hoàn thiện sẽ mở ra cơ hội để hệ thống tổ chức tín dụng khai thác hết tiềm năng trong lĩnh vực xanh.
Trong đó, tạo ra sự chủ động trong việc đa dạng hóa nguồn vốn huy động cho lĩnh vực xanh, đồng thời đầu tư sâu hơn cho việc thiết kế các sản phẩm tín dụng xanh, trái phiếu xanh đặc thù, thay vì chỉ căn cứ vào mục đích sử dụng vốn và ngành nghề theo hướng dẫn của NHNN để phân loại.
* TS NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính ngân hàng:
Để tháo gỡ vướng mắc trong việc cung cấp tín dụng cho các dự án xanh, NHNN cần đưa ra quy định rõ ràng về tỷ lệ tín dụng xanh trong danh mục tín dụng của các ngân hàng. Cụ thể, mỗi ngân hàng nên dành từ 10-20% danh mục tín dụng của mình để hỗ trợ các dự án môi trường, đạt tiêu chí tín dụng xanh. Quy định này sẽ buộc các ngân hàng phải thu xếp nguồn vốn và tìm các dự án đáp ứng tiêu chí.
Bên cạnh đó, cần phát triển thị trường trái phiếu xanh. Các ngân hàng và doanh nghiệp lớn có thể tham gia vào việc phát hành và giao dịch trái phiếu xanh. Sự bảo lãnh của Chính phủ cũng rất quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của loại hình này. Cuối cùng, các ngân hàng cần tuân theo quy định của NHNN và tham gia tích cực vào việc thúc đẩy tín dụng xanh. Việc này đòi hỏi một lộ trình cụ thể và cam kết từ các bên liên quan.