Năm 2019 nhiều biến động
Năm 2019 có nhiều biến động và kỷ lục với việc thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ liên tục lập đỉnh lịch sử, cùng hàng loạt bất ngờ lớn trên thị trường tài chính, như lãi lợi suất trái phiếu bị đảo ngược và làn sóng đảo chiều từ thắt chặt tiền tệ sang nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung trương (NHTW) xảy ra trên phạm vi toàn thế giới. Kinh tế và TTCK của Mỹ có chuỗi hơn 3.900 ngày trong thị trường “con bò tót” dài nhiều thứ nhì lịch sử.
Tuy nhiên, ngoại trừ Mỹ, phần còn lại của thế giới như Trung Quốc tăng trưởng giảm liên tục 11 năm và đang có mức tăng trưởng thấp nhất 30 năm. Điều này chưa dừng lại khi hàng loạt tổ chức như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định nền kinh tế số 2 thế giới thậm chí còn tiếp tục suy giảm tới năm 2030. Một số nước châu Á phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng không khá hơn. Nhiều nước châu Âu cũng trong tình trạng tiệm cận suy thoái, khi hàng loạt số liệu kinh tế xấu đi, như chỉ số PMI nhiều khu vực đang nằm dưới 50 điểm hoặc quanh mức đó, dấu hiệu cho thấy kinh tế đang bị thu hẹp.
Ảnh minh họa.
Ngoài ra, mục tiêu lạm phát cũng không đạt được đã khiến các NHTW phải thay đổi quan điểm. Cụ thể, sau thời gian dài bơm tiền hỗ trợ kinh tế giải quyết khủng hoảng 2008, các NHTW đã phải thắt chặt dần từ năm 2016 đến cuối năm 2018. Nhưng ngay sau đó xu hướng này đã hoàn toàn đảo ngược, khi làn sóng nới lỏng tiền tệ lan rộng với hơn 140 đợt giảm lãi suất của các NHTW từ đầu năm 2019 đến nay. Trong đó, có một số NHTW giảm tới 3-4 lần như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và lãi suất tại một số quốc gia như Hàn Quốc, Thái Lan đang ở mức thấp kỷ lục trong lịch sử, thậm chí âm.
Số liệu từ nhà môi giới tài chính hàng đầu thế giới có trụ sở tại châu Âu là XTB, cũng cho thấy TTCK Mỹ và các kênh an toàn như vàng, USD, yen Nhật (JPY), Franc Thụy Sĩ (CHF) hút được dòng tiền rất mạnh khi các sản phẩm này tăng giá dữ dội. Thậm chỉ, cả đồng bath Thái Lan (THB) cũng ghi nhận mức tăng mạnh hơn cả các đồng tiền trên. Việc dòng tiền đổ dồn vào các kênh đầu tư an toàn như vàng, trái phiếu chính phủ… đã khiến những sản phẩm này sau nhiều năm “im hơi lặng tiếng” trở thành “ngôi sao sáng rực” hút dòng tiền.
Xu hướng dòng tiền 2020
Xu hướng dòng tiền 2020
Dù TTCK Mỹ đã có chuỗi 11 năm tăng giá chung với nền kinh tế mạnh nhất thế giới, nhưng điều này lại gây ra nhiều lo ngại với giới đầu tư. Bởi không thể có cái gì tăng mãi mà không có điều chỉnh. Chính vì vậy dòng tiền trong thời gian qua có sự chuyển đổi sang các kênh đầu tư an toàn. Ngoài trái phiếu, vàng cũng nhận được dòng tiền lớn.
Số liệu từ Hội đồng Vàng thế giới (WGC) và Capital Economics, cho biết trong nửa đầu năm 2019 các NHTW đã mua khoảng 375 tấn vàng, dự kiến cả năm sẽ mua 675-725 tấn, mức cao nhất 60 năm. Ngoài ra các quỹ đầu tư, đặc biệt là ETFs, tính đến hết quý III-2019 đang nắm giữ hơn 2.800 tấn vàng, mức cao nhất mọi thời đại. Nhóm này cũng mua tới gần 370 tấn trong 3 quý đầu năm. Theo Capital Economics, tất cả đều “không hề có ý định bán ra”.
Trong 11 tháng (từ tháng 12-2018 đến tháng 10-2019), đã có 277 tỷ USD rút khỏi các quỹ đầu tư cổ phiếu trên toàn cầu. Đây là đợt rút vốn mạnh nhất và kéo dài nhất của cổ phiếu trong vòng 4 năm trở lại đây. Cùng thời gian này, các quỹ đầu tư trái phiếu cũng nhận thêm 372 tỷ USD. Riêng chỉ trong 1 tuần giữa tháng 12, các quỹ trái phiếu đã thu hút được 9,1 tỷ USD, trong khi chứng kiến 1,7 tỷ USD chảy ra khỏi các quỹ đầu tư. Điều này cho thấy các kênh đầu tư an toàn vẫn mạnh và hút dòng tiền.
Rủi ro rõ ràng đứng về phía thị trường cổ phiếu (CP) dù thị trường này trong năm qua tăng tốt. Tuy vậy thanh khoản trên TTCK Mỹ thấp dù các chỉ số vẫn tăng. Như S&P500 bao gồm nhiều CP của các công ty hàng đầu thế giới cũng không thoát khỏi rủi ro thanh khoản. Tính đến quý III-2019, chỉ số này có hơn 50% số CP giao dịch dưới 150 triệu USD/ngày. Quy mô thanh khoản này nghe có vẻ lớn, nhưng thực tế rất nhỏ do các quỹ đầu tư ETFs đang có hàng ngàn tỷ USD bám theo S&P 500 rất dễ xảy ra hiện tượng bán tháo khi thị trường xấu đi do lượng hấp thu không đủ sẽ gây tâm lý hoảng sợ.
Điều đáng ngại hơn là TTCK Mỹ có mức thanh khoản kém, thị trường khác rủi ro sẽ cao hơn. Đặc biệt, nhiều thống kê cho thấy các giao dịch tự động dựa trên máy tính cũng ngày càng chiếm ưu thế, thậm chí có thể lên tới 80% giao dịch hàng ngày. Chính vì thế làm gia tăng biến động của TTCK, đẩy rủi ro tăng cao khi giá giảm sẽ kích hoạt mạnh các giao dịch này.
Từ thực tế trên, việc tập trung quản lý tài chính, quản trị rủi ro tốt, đồng thời nắm bắt được xu hướng dòng tiền sẽ là yếu tố hàng đầu mang lại giá trị cho các nhà đầu tư.
Các kênh đầu tư an toàn như vàng, trái phiếu hút tiền mạnh hơn các kênh khác như chứng khoán, bất động sản trong năm 2019 và có thể tiếp tục duy trì trong năm 2020. Theo chuyên gia của XTB |