Xu hướng quỹ tiền tệ khu vực

Cùng với những cuộc khủng hoảng tài chính ở khu vực và thế giới, ý tưởng về việc thành lập các quỹ tiền tệ riêng cho từng khu vực theo mô hình của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã xuất hiện và đang ngày càng phát triển.

Cùng với những cuộc khủng hoảng tài chính ở khu vực và thế giới, ý tưởng về việc thành lập các quỹ tiền tệ riêng cho từng khu vực theo mô hình của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã xuất hiện và đang ngày càng phát triển.

Quỹ Tiền tệ châu Á

Cho đến nay, các nước Arab và Mỹ Latin đều có những quỹ tiền tệ riêng. Mới đây nhất, giới quan sát cho rằng việc thành lập Cơ quan Nghiên cứu kinh tế vĩ mô (AMRO) của các nước ASEAN+3 là một bước tiến gần đến việc thành lập Quỹ Tiền tệ châu Á (AMF). AMRO sẽ có vai trò như đơn vị giám sát Sáng kiến Chiang Mai đa phương (CMIM), triển khai năm 2010 và thay thế Sáng kiến Chiang Mai (CMI).

Việc thành lập EMF sẽ giúp ứng cứu các nước thành viên trong cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay.

Việc thành lập EMF sẽ giúp ứng cứu các nước
thành viên trong cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á năm 1997-1998, các nước ASEAN+3 đã triển khai Sáng kiến Chiang Mai (CMI) bao gồm một mạng lưới các quỹ hoán đổi tiền tệ song phương, sau đó phát triển thành đa phương. Điều đó hình thành quỹ chống khủng hoảng trị giá 120 tỷ USD của CMIM.

Trung Quốc, Nhật Bản đồng ý sẽ đóng góp 64% vào quỹ này, trong khi Hàn Quốc đóng góp 16% và các nước ASEAN đóng góp 20%. Tuy nhiên, trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, khi nhiều nước trong khu vực đối mặt thiếu hụt thanh khoản, quỹ hoán đổi của CMI không thể dùng vì thiếu đơn vị giám sát.

Vì vậy, Hàn Quốc và Singapore phải dựa vào dự trữ quốc gia hoặc kích hoạt những thỏa thuận hoán đổi với các nước ở bên ngoài CMI. Hàn Quốc thỏa thuận với Hoa Kỳ và Trung Quốc, trong khi Singapore thỏa thuận với Hoa Kỳ và Nhật Bản. Một AMRO hoạt động hiệu quả sẽ trám vào lỗ hổng này. AMRO cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc theo dõi và phân tích dữ liệu kinh tế khu vực, như phát hiện sớm những nguy cơ, đề ra những hành động kịp thời.

Ý tưởng thành lập AMF được đề cao trong cuộc khủng hoảng năm 1997-1998, nhưng nhanh chóng bị dìm xuống do sự phản đối từ IMF và Hoa Kỳ. Nhưng cùng với sự khó khăn trong việc tái cấu trúc và phân quyền tại IMF, như đặc quyền, hạn ngạch, quyền bỏ phiếu... đã khiến ý tưởng thành lập những quỹ tiền tệ khu vực có khả năng hoạt động linh hoạt hơn ngày một phát triển.

“Trạm xá và bệnh viện”

Đầu năm 2010, cùng với sự bùng phát khủng hoảng nợ công châu Âu, các nhà lãnh đạo lục địa già đã tính đến việc thành lập Quỹ Tiền tệ châu Âu (EMF) để có thể ứng cứu kịp thời các nước thành viên gặp khó khăn. Lúc đó, giới lãnh đạo châu Âu cho rằng một cơ quan như vậy sẽ là nhà cho vay sau cùng và giữ các chính phủ đang gặp khó khăn về tài chính không làm tổn hại đến EUR và các thị trường toàn cầu như cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp đã gây ra.

Việc thành lập một định chế ở châu Âu tương tự IMF được ủng hộ mạnh mẽ. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble là người trình bày đề xuất này và được Thủ tướng Đức Angela Merkel công khai ủng hộ. “Đó là một ý tưởng hay. Châu Âu cần có những công cụ hiệu quả để đối phó, giải quyết vấn đề của mình trong tương lai mà không cần sự can thiệp của IMF” - bà Merkel nói.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng một EMF có thể ứng cứu những chính phủ nguy khốn rồi dùng ảnh hưởng tài chính để buộc các chính phủ đó đưa chi tiêu ngân sách vào đúng guồng. EMF cũng thiết lập khả năng vỡ nợ có trình tự của một quốc gia nặng nợ, trong đó có thể phát hành trái phiếu giảm giá cho các chủ nợ, giảm thiểu tác động xấu của một cuộc vỡ nợ.

Trong nhiều thế hệ, IMF bị cáo buộc là một cánh tay nối dài của Chính phủ Hoa Kỳ, dù giám đốc định chế này luôn là một người châu Âu kể từ khi nó được thành lập. Nhưng cựu kinh tế trưởng IMF Simon Johnson cho rằng không có lý do gì để nói một EMF hay AMF không thể làm việc chung với IMF.

“Chúng sẽ như những “trạm xá” cung cấp tư vấn ngân sách cho các nước và thuốc phòng ngừa các căn bệnh tài chính cho họ, trong khi IMF như một “bệnh viện” dùng trong trường hợp cấp cứu. Ý tưởng thành lập AMF ngày càng mạnh hơn cùng với những khó khăn trong việc phân quyền tại IMF. Việc thành lập AMRO mới đây và CMIM năm ngoái đã rút ngắn con đường đến AMF” - tạp chí Á-Âu nhận định.

Các tin khác