Tuần qua, một lần nữa tin đồn lại gây náo loạn thị trường tài chính - NH. Những thông tin như Chủ tịch BIDV bị bắt, phá giá VNĐ, tăng giá xăng… đã khiến TTCK “bốc hơi” gần 34.000 tỷ đồng chỉ sau 1 ngày. Tỷ giá trên thị trường chợ đen biến động mạnh sau thời gian dài ổn định, tâm lý người dân và nhất là các nhà đầu tư vô cùng hoang mang. Chỉ đến khi người trong cuộc chính thức lên tiếng, cơ quan quản lý vào cuộc làm rõ chỉ là “tin vịt”, tình hình mới phần nào được vãn hồi.
Tung tin trục lợi
Trên thực tế, điều này không phải diễn ra lần đầu. Năm 2012, người ta đã được truyền tụng hàng loạt tin đồn các nhân sự cao cấp NH bị bắt, khởi tố, điều tra nhưng thực tế đến nay họ vẫn đang điều hành nhà băng của mình.
Mỗi lần xuất hiện tin đồn như vậy, thị trường lại dậy sóng - trở thành cơ hội cho kẻ xấu trục lợi, đồng thời gây hoang mang trong dư luận, dẫn tới nhiều hệ quả xấu. Còn nhớ hồi năm 2003, tin đồn Tổng giám đốc ACB Phạm Văn Thiệt bỏ trốn khiến người dân đổ xô tới rút tiền.
Cuối năm 2009, dư luận lại xôn xao với thông tin phát hành tiền mệnh giá 1 triệu đồng và mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ, sẽ đổi tiền... cho dù thị trường tiền tệ vẫn hoạt động ổn định.
Lãnh đạo NHNN lúc đó đã phải đứng ra bác thông tin thất thiệt nhưng thị trường cũng một phen chao đảo, lãi suất liên NH tăng vọt, chứng khoán rớt thê thảm.
Có ý kiến cho rằng thị trường tài chính - NH Việt Nam quá “nhạy cảm” với tin đồn. Tin đồn dù chưa được kiểm chứng nhưng vẫn nhanh chóng khiến các nhà đầu tư hành động theo cảm tính, thiếu sự phân tích, tìm hiểu.
Thực tế cho thấy TTCK là một trong những nơi chịu nhiều ảnh hưởng nhất của những tin đồn thất thiệt, có thể mất tới hàng tỷ USD chỉ sau một phiên giao dịch. Các chuyên gia tài chính cho rằng, đối với lĩnh vực đầu tư chứng khoán, thông tin chính xác, thời sự chiếm tới 80% yếu tố thành công của việc đầu tư.
Chính vì lẽ đó, sự đa chiều của các luồng thông tin luôn tiềm ẩn những tin đồn thất thiệt. Và trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, chuyện phải “sống chung” với tin đồn là điều không tránh khỏi, vấn đề là phải ứng xử thế nào với chúng?
Xử lý tin đồn chưa chặt chẽ
Có thể thấy tin đồn thường nhằm vào những lĩnh vực và mặt hàng nhạy cảm hay thiết yếu và xuất hiện ở những thời điểm nhạy cảm - gắn với những biến động lớn nền kinh tế trong nước hoặc thế giới.
Ngoài ra, nó cũng xuất hiện khi chính sách không đồng bộ, hiệu quả, có sự thay đổi bất ngờ, người dân thiếu hoặc nhận được thông tin không chính xác. Còn ở góc độ doanh nghiệp, phần lớn các cuộc khủng hoảng gần đây đều do các đối thủ cạnh tranh đạo diễn hoặc một số kẻ cố tình dựng tin đồn để trả thù riêng.
Để xử lý khủng hoảng do tin đồn thất thiệt, các doanh nghiệp cần dự báo những phương án rủi ro có thể xảy ra với đơn vị mình và chuẩn bị phương án đối phó. Xử lý khủng hoảng phải được xem xét và giải quyết trong thời hạn sớm nhất với duy nhất một nguyên tắc: đó là chữ tín với khách hàng.
NH rất nhạy cảm với tin đồn. Ảnh: CAO THĂNG |
Ở góc độ quản lý nhà nước, để xử lý tốt các tin đồn thất thiệt cần tạo sự minh bạch và nhất quán trong việc ban hành chủ trương và thực thi chính sách, cập nhật kịp thời những bổ sung, điều chỉnh chính sách và phải tạo niềm tin với người dân.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế tiếp cận, phản ứng hiệu quả khi có tin đồn thất thiệt với nhiều hình thức đa dạng đến công chúng. Khi đó, các tin đồn thất thiệt sẽ không dễ lan truyền, gây tác động tiêu cực đến xã hội.
Thực tế cho thấy cần phải có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn và xử lý những kẻ phao tin đồn thất thiệt. Hiện nay xử lý tin đồn ở góc độ thực thi pháp luật còn chưa chặt chẽ.
Nhiều lần cơ quan chức năng tuyên bố vào cuộc xử lý tin đồn, nhưng kết quả thế nào hầu như không được công bố. Trong vụ tin đồn Chủ tịch BIDV bị bắt và phá giá VNĐ vừa qua, Cục trưởng Cục An ninh tài chính tiền tệ (Bộ Công an) cho biết đã chính thức lập chuyên án để điều tra.
Mong rằng, lực lượng chức năng sớm tìm ra những kẻ phao tin đồn nhảm để trục lợi, phải được xử lý nghiêm minh và công khai, tạo niềm tin cho người dân.