Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái; Bộ trưởng, Thủ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo một số ban, cơ quan của Đảng, ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo một số ngân hàng, tập đoàn kinh tế, tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế và lãnh đạo TP Hà Nội, TPHCM.
Ổn định và phát triển thị trường vốn lành mạnh
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, sau hơn 35 năm thực hiện chủ trương đổi mới, mở cửa và hội nhập của Đảng, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Trong đó, có sự đóng góp quan trọng của thị trường vốn - kênh dẫn vốn trung và dài hạn; cùng thị trường tiền tệ - kênh dẫn vốn ngắn hạn để cấu thành nên thị trường tài chính – đóng vai trò rất quan trọng, là huyết mạch của nền kinh tế.
Thời gian qua, thị trường vốn của Việt Nam phát triển nhanh cả về chiều rộng và chiều sâu. Quy mô, sản phẩm, thanh khoản tăng nhanh, góp phần huy động được nguồn lực tài chính rất quan trọng cho nền kinh tế, hỗ trợ và bổ sung cho kênh cung ứng vốn truyền thống là tín dụng ngân hàng.
Thị trường vốn đã hình thành và vận hành đầy đủ các cấu phần bao gồm: Thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh.
"Quy mô tăng trưởng bình quân 28,5%/năm giai đoạn 2016-2021, năm 2021 đạt 134,5% GDP, gấp 3,5 lần năm 2015. Giá trị giao dịch hàng ngày tăng mạnh, bình quân từ đầu năm đến nay đạt 30,8 nghìn tỷ đồng, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2021. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới vượt trước 3 năm so với mục tiêu đề ra", Thủ tướng dẫn chứng.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, thị trường vốn còn những hạn chế, bất cập về cấu trúc thị trường, hạ tầng, công nghệ, nguồn nhân lực, hệ thống thông tin thị trường... Cá biệt còn một số tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật khi tham gia thị trường.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Những sai phạm chỉ là thiểu số. Việc xử lý là cần thiết, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đại đa số các nhà đầu tư, doanh nghiệp chân chính, hoạt động lành mạnh, tuân thủ pháp luật. Đây cũng là bước đi cần thiết làm trong sạch thị trường, để thị trường tốt hơn, lành mạnh hơn, an toàn, bền vững hơn.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, xuyên suốt, nhất quán về phát triển thị trường vốn. Thứ nhất, khuyến khích, tạo mọi thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia thị trường, hoạt động lành mạnh, hiệu quả, tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Thứ hai, kiên quyết xử lý những cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm quy định, lợi ích nhóm, trục lợi bất hợp pháp và bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư, doanh nghiệp tôn trọng và tuân thủ pháp luật.
Thứ ba, thực hiện mọi biện pháp cần thiết để ổn định và phát triển thị trường công khai, minh bạch, an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.
Thông điệp mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra là: Làm trong sạch, lành mạnh thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp, đưa thị trường vào quỹ đạo phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Vươn lên thị trường mới nổi thành công của khu vực và thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng tin tưởng vào sự phát triển của thị trường. Theo đó, xuất phát từ thực tiễn tình hình, triển vọng phát triển của nền kinh tế Việt Nam, cũng như quan điểm mà nhiều tổ chức tài chính, tiền tệ, chuyên gia quốc tế, trong nước có uy tín, có thể khẳng định thị trường vốn, thị trường chứng khoán Việt Nam có những yếu tố nền tảng vững chắc từ tiềm lực, triển vọng của nền kinh tế và sự năng động, hiệu quả của khu vực sản xuất kinh doanh và có sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế.
Với những điều kiện đó thị trường vốn Việt Nam có thể vươn lên trở thành một trong những thị trường mới nổi thành công của khu vực và thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi ý 6 vấn đề cần làm để thị trường phát triển ổn định, an toàn, bền vững.
Một là, đánh giá thực trạng tình hình và xu thế vận động, phát triển của thị trường. Nhận diện những vấn đề chính sách chủ yếu đặt ra là gì? Các biện pháp cụ thể khắc phục trong ngắn hạn và định hướng chiến lược, giải pháp trong trung hạn và dài hạn? Môi trường vĩ mô cần làm gì? Thể chế cần làm gì? Hạ tầng, công nghệ cần làm gì?... Để thị trường phát triển ổn định, an toàn, hiệu quả và bền vững chúng ta cần phải làm gì?
Thứ hai, về cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát thị trường, cần trả lời những câu hỏi: Tại sao vẫn còn và vẫn để xảy ra các trường hợp thao túng thị trường, vi phạm quy định pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp? Phải chăng do công tác kiểm tra, giám sát hay sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng hay do hành vi vi phạm quá tinh vi, phức tạp khó phát hiện? Giải pháp cụ thể nào, thuộc trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân nào để thị trường phát triển lành mạnh, bền vững, hiệu quả?
Ba là, về thông tin thị trường, tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Vì sao các chủ thể tham gia thị trường vẫn chưa tuân thủ tốt các quy định về công bố, bảo đảm tính chính xác của thông tin? Trách nhiệm của cơ quan quản lý, kiểm tra, giám sát, kiểm toán ở đâu? Cần giải pháp cụ thể là gì để sớm khắc phục được tình trạng này?
Bốn là, cần có cơ chế, chính sách, biện pháp gì để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể, nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia thị trường?
Năm là, về công tác thông tin, truyền thông. Chúng ta đã thực sự làm tốt công tác này chưa? Còn yếu kém ở khâu nào? Cấp nào? Ngành nào? Cân đối hàm lượng thông tin tốt chưa? Tại sao vẫn còn tình trạng tràn lan tin đồn sai sự thật, gây hoang mang dư luận làm giảm lòng tin của nhà đầu tư? Phương pháp tiếp cận, cách giải quyết vấn đề và giải pháp truyền thông hiệu quả là gì?
Sáu là, ngay sau hội nghị này, Chính phủ cần ban hành văn bản gì để triển khai các nhiệm vụ và giải pháp để ổn định và phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đảm bảo xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập sâu rộng.