
Tại hội thảo “Xử lý nợ xấu: Đâu là giải pháp hài hoà” do báo Tiền Phong tổ chức sáng nay tại TPHCM, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) bày tỏ, tình trạng nợ xấu bất động sản đang ngày càng phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sự ổn định của thị trường tài chính và sức khỏe doanh nghiệp. Nếu không có giải pháp tổng thể và mang tính đột phá, hàng loạt dự án dở dang sẽ tiếp tục “đắp chiếu”, kéo theo hệ lụy dây chuyền đến ngân hàng, nhà đầu tư và người lao động.
Theo ông Châu, xử lý nợ xấu không chỉ là thu hồi nợ mà còn là cơ hội để phục hồi thị trường. “Chúng tôi đề xuất thành lập tổ công tác liên ngành cấp trung ương để rà soát, phân loại các dự án bất động sản đang bị ngưng trệ, từ đó có chính sách xử lý phù hợp từng nhóm nợ xấu, không nên dùng một cơ chế cứng nhắc cho tất cả”, ông Châu chia sẻ.
Cũng tại hội thảo, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, nhìn nhận tài sản bảo đảm giúp ngân hàng yên tâm cấp vốn, đồng thời kiểm soát rủi ro. Một cơ chế xử lý tài sản hiệu quả không chỉ bảo vệ tổ chức tín dụng trước nguy cơ nợ xấu mà còn thúc đẩy mở rộng tín dụng và củng cố niềm tin vào hệ thống tài chính. Tuy nhiên, giá trị thực sự của tài sản bảo đảm chỉ phát huy khi có thể được thu giữ và xử lý nhanh chóng, minh bạch, hợp pháp nếu người vay mất khả năng trả nợ.
Ông Tuấn cho biết, các quốc gia xử lý tài sản bảo đảm theo hai truyền thống pháp lý chính: Thông luật (Common Law - như Mỹ, Anh, Singapore) và Dân luật (Civil Law - như Đức, Nhật, Việt Nam). Các quốc gia theo Dân luật như Việt Nam thường yêu cầu việc xử lý tài sản bảo đảm phải thông qua tòa án hoặc cơ quan thi hành án, ngay cả khi hợp đồng có điều khoản rõ ràng về quyền xử lý. Cách tiếp cận này nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người vay và bên thứ ba, đảm bảo sự công bằng và minh bạch trong toàn bộ quá trình. Tuy nhiên, chính quy trình tư pháp phức tạp lại khiến thời gian xử lý kéo dài.
Cũng theo ông Tuấn, cần luật hóa những cái gì thành công từ Nghị quyết 42 để đảm bảo quyền thu giữ tài sản hợp pháp của ngân hàng và cũng đảm bảo quyền tài sản của bên đi vay cũng phải được bảo vệ. Cuối cùng, phải cân bằng quan điểm khi hoàn thiện Luật Các tổ chức tín dụng, theo hướng cân bằng giữa quyền thu giữ tài sản của ngân hàng và quyền tài sản của bên đi vay.
Dưới góc nhìn của mình, Luật sư Lê Trung Phát, Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát, Đoàn luật sư TPHCM, cho biết việc xử lý tài sản nhằm đảm bảo cho việc thu hồi nợ, nhìn tưởng rất đơn giản nhưng quả thật có rất nhiều vấn đề đặt ra, bởi nó là vấn đề về luật pháp mà khi gặp phải thì không thể không thực hiện.
Thoạt đầu, nhìn các ngân hàng cho vay và nhận thế chấp bằng bất động sản, cứ ngỡ là đơn giản và không mấy rủi ro, nhưng thực tế cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro mà để lấy lại được quyền lợi chính đáng của mình. Chính các ngân hàng cũng phải tốn nhiều thời gian, công sức nếu gặp phải các khách hàng không thiện chí khi bản thân họ không trả được nợ, bàn giao tài sản.
Luật sư Phát cho rằng để xử lý nợ xấu, cần đảm bảo quyền tài sản của người thế chấp, xây dựng quyền lợi bên nhận thế chấp tài sản và sự minh bạch hợp đồng thế chấp tài sản, hợp đồng tín dụng. "Chúng ta không xây dựng hợp đồng như xây dựng bộ luật mà phải phân loại rõ quyền, nghĩa vụ của các bên. Khi thực hiện hợp đồng thế chấp tài sản, hợp đồng tín dụng và phía ngân hàng phải thông báo rõ với khách hàng rằng khi không trả nợ đúng hạn thì sẽ thu hồi tài sản để tránh các phát sinh về sau khi xảy ra tranh chấp", Luật sư Phát phân tích.