Xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường

Từ 15-10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mở cửa cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mua bán nợ theo cơ chế thị trường. Động thái này được kỳ vọng giải quyết tận gốc vấn đề nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng. Trao đổi với ĐTTC, TS. CẤN VĂN LỰC, Giám đốc Trường Đào tạo BIDV, cho rằng nợ xấu sẽ được xử lý triệt để trong năm 2016 và những năm tiếp theo.

Từ 15-10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mở cửa cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mua bán nợ theo cơ chế thị trường. Động thái này được kỳ vọng giải quyết tận gốc vấn đề nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng. Trao đổi với ĐTTC, TS. CẤN VĂN LỰC, Giám đốc Trường Đào tạo BIDV, cho rằng nợ xấu sẽ được xử lý triệt để trong năm 2016 và những năm tiếp theo.

PHÓNG VIÊN: - TS. đánh giá thế nào về mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu xuống 3% của NHNN?

Lẽ ra VAMC phải tiến hành sớm hơn việc mua bán nợ xấu theo cơ chế thị trường, bởi điều này đã được giới chuyên gia NH khuyến nghị ngay từ đầu. Tất nhiên có khó khăn do chúng ta ít vốn, ngân sách hạn hẹp, nhưng chỉ làm theo cơ chế thị trường mới xử lý nợ xấu triệt để. Lúc đó mới có được thị trường, có người mua, người bán nợ thực sự.

TS. CẤN VĂN LỰC: - Tính đến thời điểm 30-6 nợ xấu  của hệ thống NH khoảng 3,72%. Khi NHNN yêu cầu đưa về 3% vào thời điểm 30-9, các NHTM đã rốt ráo bán nợ xấu cho VAMC.

3 giải pháp để hoàn thành mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về 3% NHTM áp dụng là bán trực tiếp nợ xấu cho VAMC; tích cực trích lập dự phòng rủi ro; tận thu nợ xấu của doanh nghiệp đã phục hồi sản xuất.

Đến nay mục tiêu này đã khả thi. Tuy nhiên, xử lý triệt để nợ xấu là câu chuyện của năm 2016 và những năm tiếp theo khi chúng ta đã hình thành được thị trường mua bán nợ hoàn chỉnh.

Việc xử lý nợ xấu không thể nóng vội. Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng mất 7-10 năm, Việt Nam cũng không thể nhanh hơn được.

- Những khoản nợ xấu đảm bảo bằng bất động sản (BĐS) hiện rất khó xử lý, theo ông cần những giải pháp gì?

- Tín dụng cho vay BĐS trong 3 năm qua tăng trưởng tích cực. Theo đó, dư nợ cho vay BĐS tăng trung bình 10-12%/năm, cao hơn mức bình quân toàn hệ thống NH khoảng 1-2%.

Tín dụng cho vay BĐS đang ở mức độ chấp nhận được, chưa phải quá lo lắng vì hiện dư nợ cho vay BĐS của hệ thống NH đang chiếm khoảng 8,5-9% tổng dư nợ. Tỷ trọng này thấp hơn nhiều so với thời kỳ cao điểm 15-17%.

Vấn đề xử lý nợ xấu có tài sản đảm bảo bằng BĐS trong thời gian tới cần thực hiện quyết liệt hơn nữa. Chúng ta đã có Nghị định 34/2015/NĐ-CP về quản lý tài sản các tổ chức tín dụng, thông tư liên tịch hỗ trợ thúc đẩy quá trình xử lý tài sản đảm bảo nhanh hơn.

Đặc biệt, việc cho phép VAMC, các tổ chức tín dụng nhiều quyền hơn trong xử lý tài sản đảm bảo. Tuy nhiên cần có thêm 3 điều kiện để xử lý những khoản nợ xấu này Thứ nhất, thị trường BĐS phải ấm lên để có thể bán tài sản đảm bảo đó với giá hợp lý cho cả 3 bên: người vay, NH và Nhà nước.

Thứ hai, thiện chí của bên đi vay rất quan trọng. Thứ ba, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn từ các lực lượng công an, tòa án, chính quyền địa phương trong việc xác định pháp lý và giá trị tài sản đảm bảo, thậm chí thực hiện cưỡng chế khi xử lý tài sản đảm bảo.

- Trong xử lý nợ xấu cần cơ chế chia sẻ rủi ro, vậy NH nên gánh bao nhiêu %,  thưa ông?

- Thực tế VAMC mua nợ xấu 70 đồng chỉ bán lại được 50 đồng, tức mất 20 đồng. Phần chênh lệch 20 đồng này cần cơ chế chia sẻ rủi ro phù hợp. Theo đó, VAMC gánh một phần, lấy các khoản lợi nhuận thu được từ bán các khoản nợ xấu khác để bù đắp, hoặc lấy trái phiếu để quay vòng. Các tổ chức tín dụng gánh chịu theo tỷ lệ rủi ro nhất định.

Phần rủi ro còn lại được bù đắp từ việc tận thu tài sản từ doanh nghiệp. Tỷ trọng chia sẻ rủi ro 3 bên theo tỷ lệ tương ứng còn tùy vào từng dự án, từng khoản vay, có thể là 30-30-40% hoặc 20-40-40%.

- Từ 15-10, VAMC sẽ tiến hành mua nợ xấu theo giá thị trường bằng trái phiếu trực tiếp. Vậy theo ông cần có những điều kiện gì giúp việc mua bán nợ xấu được tiến hành thuận lợi, hiệu quả?

- Có 4 điều kiện quan trọng trong hoạt động mua bán nợ xấu. (1) Để biết được giá mua bán nợ xấu là bao nhiêu phải có những tổ chức độc lập định giá. (2) Bán cho ai? Theo tôi có thể bán cho bất kỳ nhà đầu tư nào có tiền mua.

Có thể là nhà đầu tư tư nhân trong nước, có thể là nhà đầu tư nước ngoài. Hiện có nhiều tổ chức tài chính, tín dụng nước ngoài muốn mua nợ xấu tại Việt Nam với tỷ suất chiết khấu phù hợp. (3) Hành lang pháp lý về mua bán nợ xấu phải được xác lập như hợp đồng mua bán, tức phải được chuẩn hóa cho cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Rồi trường hợp nhà đầu tư muốn chuyển nhượng, muốn bán lại nợ cũng phải có cơ chế bán. Bởi thông thường nhà đầu tư mua đi bán lại để thu lời. (4) Sự phối hợp chặt chẽ của 4 bên gồm NH, chính quyền địa phương, tòa án, công an và các cơ quan quản lý trực thuộc NHNN trong xử lý nợ xấu.

- Có ý kiến cho rằng nên chuyển khoản nợ xấu tại các NH thành vốn góp doanh nghiệp. Quan điểm của ông về vấn đề này?

- Đó chỉ là giải pháp tạm thời, có thể hoán chuyển nợ xấu NH thành vốn góp doanh nghiệp. Tại nhiều nước cho phép chuyển đổi như vậy nhưng không phải giải pháp lâu dài, vì NH không được phép đầu tư ngoài ngành, nên phải thoái vốn ngay.

Vì vậy việc chuyển nợ xấu thành vốn góp doanh nghiệp chỉ là giải pháp tạm thời, trong thời hạn nhất định. Thông thường các nước quy định thời hạn chuyển đổi từ 3-5 năm. Khi doanh nghiệp đã phục hồi, NH phải bán ngay khoản vốn góp đó để thoái vốn.

Để thực hiện chuyển đổi nợ xấu thành vốn góp, NHNN cần cho phép NHTM được vượt tỷ lệ đầu tư ngoài ngành ở những thời điểm nhất định. Đây cũng là một giải pháp hỗ trợ xử lý nợ xấu, nhưng có lẽ là giải pháp cuối cùng vì nó không dễ làm.

- Xin cảm ơn TS.

Các tin khác