Còn trong thời buổi bùng nổ thông tin hiện nay, những tác hại do ô nhiễm môi trường gây ra luôn được cập nhật thường xuyên… nên không thể cho rằng đại đa số người dân và doanh nghiệp không hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường.
Thế nhưng, tại sao rác vẫn vứt bừa bãi khắp thành thị và nông thôn? Nhà máy vẫn cứ xả chất thải chưa xử lý ra môi trường? Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân cốt lõi là chúng ta chưa có chế tài đủ mạnh để răn đe, để xử lý rốt ráo. Minh chứng cho nhận định, chính là câu chuyện: “người Việt qua Singapore không dám xả rác nhưng về nước thì…vô tư”.
Đảo quốc Singapore phạt rất nặng hành vi vứt rác bừa bãi, xả thải chưa qua xử lý ra môi trường. Người xả rác bừa bãi lần đầu sẽ bị phạt tối đa 1000 đôla Singapore, tái phạm thì mức phạt sẽ tăng lên 2000-5000 đôla và phải lao động công ích. Thậm chí, người bị phạt còn có thể bị mặc quần áo sáng màu đặc trưng và phải làm sạch nơi công cộng như nhặt rác tại công viên, đôi khi phương tiện truyền thông địa phương được mời đến để ghi lại sự kiện.
Tại Việt Nam, trong những năm gần đây cũng đã tăng mạnh các chế tài xử lý hành vi vứt rác bừa bãi, xả chất thải khi chưa xử lý ra môi trường. Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường có mức phạt đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường được nâng lên cao, thậm chí có hành vi có mức phạt tăng gấp 10 lần so với trước.
Thế nhưng khâu triển khai thực hiện vẫn cứ thiếu, yếu và bất cập. Đầu tiên là thiếu lực lượng thực thi việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường. Ngay tại TPHCM, đô thị lớn nhất nước, lực lượng này cũng rất mỏng.
Cùng với đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính và một số văn bản luật liên quan khác chưa quy định cụ thể các biện pháp cưỡng chế trong trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Lỗ hổng này kéo theo khó khăn trong việc ban hành quyết định cưỡng chế của cơ quan có thẩm quyền, vì trong quyết định cưỡng chế phải ghi rõ biện pháp cưỡng chế được áp dụng. Đã vậy, hiện chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan liên quan trong việc cưỡng chế cá nhân, tổ chức vi phạm.
Để cưỡng chế doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nhưng cố tình không đóng phạt, cơ quan lập biên bản vi phạm phải liên hệ với cơ quan thuế, ngân hàng, nơi doanh nghiệp đăng ký tài khoản, phong tỏa tài khoản rồi tiến hành truy thu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, ngân hàng không cung cấp tài khoản doanh nghiệp với lý do phải bảo mật thông tin khách hàng; thậm chí có trường hợp, cơ quan chức năng chưa tiếp cận được tài khoản thì doanh nghiệp đã tẩu tán hết tiền.
Trong khi đó, nhiều chính sách về khuyến khích thực hiện các hành động bảo vệ môi trường vẫn được thực hiện… nửa vời. Như việc khuyến khích doanh nghiệp sản xuất túi nylon thân thiện với môi trường, một dạo ầm ĩ, thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia, nay lại im lìm. Tác hại của túi nylon đối với môi trường là rất lớn và Việt Nam đã được nhiều chuyên gia cảnh bảo về những nguy cơ sẽ phải đối mặt khi để cho đất, nước bị ô nhiễm bởi chất thải nhựa.
Ngày Môi trường thế giới là sự kiện thường niên lớn nhất về bảo vệ môi trường, được tổ chức vào ngày 5- 6 hàng năm. Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm nay, những ngày qua, các địa phương trên cả nước đã tổ chức nhiều hoạt động như: tăng cường sử dụng xe đạp, hạn chế các phương tiện giao thông gây ô nhiễm không khí; giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa, túi nylon, khuyến khích các hoạt động tái chế, tái sản xuất và tái sử dụng chất thải nhựa, thu gom xử lý chất thải, rác thải; trồng cây xanh; hạn chế đốt chất thải nông nghiệp sau thu hoạch.
Đây là những hoạt động rất thiết thực, tạo sức lan tỏa và ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của cộng đồng. Tuy nhiên, việc bảo vệ môi trường không chỉ thực hiện bằng các hoạt động như trên, mà còn phải cấp thiết giải quyết những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường, để xử lý thích đáng những kẻ gây ô nhiễm môi trường.