“Không thiết bị ghi hình nào có thể lột tả hết vẻ đẹp huyền ảo của Cửu Trại Câu” - đó là lời nhận xét của nhiều du khách khi đặt chân đến “Thung lũng chín làng” ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Cửu Trại Câu hiện lên đẹp như bức tranh sơn thủy hữu tình cùng hệ động thực vật phong phú khiến bất kỳ du khách nào ghé thăm đều muốn “quên” lối về.
Vùng đất từng bị “lãng quên”
Cửu Trại Câu là một khu du lịch thu hút khách hàng đầu của Trung Quốc, được xếp hạng Công viên quốc gia 5A và được gắn với nhiều mỹ từ như “Vùng đất thần tiên”, “Cảnh quan dưới nước đẹp nhất Trung Hoa”, "Thiên đường cho các nhiếp ảnh gia”. Tuy nhiên, ít người biết rằng trước kia Cửu Trại Câu vốn là vùng đất khó tiếp cận và gần như tách biệt với thế giới bên ngoài.
Cửu Trại Câu có nghĩa là Thung lũng chín làng để chỉ 9 ngôi làng của người Tây Tạng và người Khương sinh sống dọc theo chiều dài của nó hàng ngàn năm nay. Đến năm 1975, Cửu Trại Câu mới được nhiều người biết đến do các hoạt động khai thác gỗ. Năm 1979, khi nhận ra giá trị thiên nhiên và sinh thái của Cửu Trại Câu, chính quyền Trung Quốc mới cấm hoạt động khai thác gỗ và tiến hành bảo vệ, đưa Cửu Trại Câu thành vườn quốc gia vào năm 1982.
Hiện nay Cửu Trại Câu là một huyện thuộc châu tự trị A Bá nằm ở phía Bắc tỉnh Tứ Xuyên, đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1992. Năm 1997, Cửu Trại Câu tiếp tục được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Hiện nay, ngành du lịch của huyện Cửu Trại Câu đóng góp trên 60% doanh thu cho nền kinh tế địa phương. Bình quân, mỗi năm Cửu Trại Câu thu hút gần 8 triệu lượt khách du lịch, mang lại khoảng 1,5 tỷ USD.
Cửu Trại Câu vốn là một phần của dãy núi đá vôi hùng vĩ Dân Sơn, thuộc rìa cao nguyên Tây Tạng, trải dài hơn 72.000ha, độ cao từ 2.000-4.500m so với mực nước biển. Nơi đây gồm 3 thung lũng được xếp theo hình chữ Y, gồm thung lũng Nhật Tắc Câu, Tra Oa Câu và Thụ Chính Câu.
Với nhiều địa điểm nổi tiếng như hồ nước trong vắt Ngũ Hải, hồ Kính Hải, thác Nặc Nhật Lãng hay hồ Tiễn Trúc từng làm bối cảnh trong bộ phim Anh hùng sản xuất năm 2002 của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, cùng dàn diễn viên nổi tiếng như Lý Liên Kiệt, Lương Triều Vỹ, Trương Mạn Ngọc, Chân Tử Đan, Chương Tử Di và Trần Đạo Minh.
Với các hồ nước như bức tranh thủy mặc, những thác nước nhiều tầng ào ạt, các khu rừng nguyên sinh (rừng lá rộng ôn đới và rừng hỗn giao) và những đỉnh núi phủ đầy tuyết trắng, Cửu Trại Câu đẹp quanh năm nhưng nổi bật hơn cả vào mùa thu khi những ngọn núi, thung lũng, hồ nước được phủ lên một tấm áo vàng nâu rực rỡ đầy sắc màu và khí hậu khô.
Đẹp như tranh họa đồ
Nhiều du khách đến đây ví von Cửu Trại Câu còn đẹp hơn cả những bức tranh vẽ, bởi màu sắc tươi sáng, sắc nét từ lá cây, dòng nước cho đến từng loại cỏ đủ 7 sắc cầu vồng. Các khu rừng có bộ lá thay đổi màu sắc theo từng mùa như màu vàng, màu nâu của mùa thu, màu xanh non của mùa xuân. Đến mùa đông tuyết bao phủ hầu hết Cửu Trại Câu tạo nên một khung cảnh trắng xóa.
Cửu Trại Câu sở hữu khí hậu tuyệt vời, chiều lòng bất kỳ du khách nào khó tính nhất. Chỉ riêng vào tháng 1 nhiệt độ hơi lạnh (có thể xuống âm) còn hầu hết trong năm đều mát mẻ hoặc se lạnh mang đậm bản chất khí hậu ôn đới gió mùa. Những khu rừng nguyên sinh đan xen với các cao nguyên xếp tầng tạo ra một khung cảnh bậc thang dẫn lên bầu trời.
Cửu Trại Câu còn là nhà của một số loài thực vật đặc hữu, trong đó bao gồm cả tre và đỗ quyên. Các loài động vật quý hiếm như gấu trúc, vọoc mũi hếch… vẫn còn tồn tại ở đây. Ngoài ra, Cửu Trại Câu cũng là nhà của khoảng 140 loài chim, cò.
Các địa điểm du khách khi đã “lạc trôi” vào xứ sở thần tiên Cửu Trại Câu không thể bỏ qua chính là các hồ nước như hồ Ngũ Hải, hồ Trường Hải, hồ Ngọa Long.... Hồ Ngũ Hải hay Ngũ Sắc Trì là một hồ nước lớn với chiều rộng khoảng 3.000m, chiều sâu 6,6m. Hồ mang vẻ đẹp mộng mơ biến ảo theo 5 màu sắc, hòa quyện cùng nét đẹp độc đáo của núi rừng, nước xanh biếc như ngọc có thể nhìn thấy các lớp đá, cây cổ đại trong làn nước sâu đến vài mét.
Đặc biệt, du khách sẽ vô cùng ấn tượng trước vẻ đẹp của thác Trân Châu. Đây là một thác nước hùng vĩ, là nơi tập trung của những hồ nước và các con suối đổ về. Thác Trân Châu mang vẻ đẹp hoang sơ như một bản nhạc phát ra âm thanh nước đổ hàng ngày hàng giờ. Thác nằm ngay cạnh rừng nguyên sinh và sở hữu một không gian thoáng mát, tràn trề sức sống. Thác Trân Châu cao 28m, rộng 310m cũng từng là một bối cảnh trong bộ phim kinh điển Tây Du Ký 1986 của đạo diễn Dương Khiết.
Một số đồ lưu niệm phổ biến ở Cửu Trại Câu thường được du khách chọn mua làm quà như: tranh thêu Shu, đây là loại tranh thêu tỉ mỉ từng mũi kim sợi chỉ rất nổi tiếng. Ngoài ra còn có thổ cẩm Shu, đây là loại thổ cẩm đặc trưng của các làng nghề địa phương. Thổ cẩm có đường nét sắc sảo, màu sắc rực rỡ và thích hợp để làm quà tặng lưu niệm.
Ẩm thực cũng là một điểm nhấn khó quên tại Cửu Trại Câu bởi các món ăn của người Tây Tạng. Các món ngon cổ truyền như như thịt bò yak, kẹo đường thắng, kẹo hồ lô, lẩu cay Tứ Xuyên… rất hợp để thưởng thức trong tiết trời se se lạnh.