Xuân ấm áp, tết nghĩa tình

(ĐTTCO)-Hàng ngàn chương trình chăm lo tết đã và đang diễn ra trên khắp TPHCM. Trẻ mồ côi do dịch Covid-19, trẻ khuyết tật có quần áo mới, quà tết, được xem ca nhạc, múa lân sư rồng và nhận được vô vàn lời thăm hỏi, động viên, tình yêu thương; người lao động bệnh nan y, hiểm nghèo, công nhân khó khăn, bị mất việc làm cũng có bữa cơm sum vầy ấm áp với gia đình.
Đồng chí Trương Hòa Bình và đồng chí Nguyễn Văn Hiếu tặng quà người khuyết tật, trẻ em mồ côi. Ảnh: NGÔ BÌNH
Đồng chí Trương Hòa Bình và đồng chí Nguyễn Văn Hiếu tặng quà người khuyết tật, trẻ em mồ côi. Ảnh: NGÔ BÌNH

Chính sự chung tay của toàn Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể đã giúp người người, nhà nhà có mùa xuân trọn vẹn.

Trẻ khoe áo mới đón xuân về

Trong 500 trẻ mồ côi được nhận phần quà chăm lo tết do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TPHCM trao tặng, em Đặng Nguyễn Hoài Phúc, ngụ quận Bình Tân, xúc động cho biết, phần quà tết chăm lo cùng những tình cảm dành cho 2 anh em Phúc là vô cùng quý giá. Từ khi mẹ mất vì Covid-19, cha lại đi làm xa ở tỉnh Bình Dương thỉnh thoảng mới về thăm thì chính vòng tay yêu thương của các cô, dì trong Hội Phụ nữ phường là niềm động viên cho 2 anh em Phúc trong thời gian qua. “Hồi mẹ chưa đi xa, tết con thích nhất là được ăn món thịt kho trứng mẹ làm. Phần quà chúng con nhận hôm nay, con sẽ mua cho em bộ quần áo mới, phần tiền còn lại, con sẽ để dành mua tập sách cho em để đỡ gánh nặng cho cha”, Phúc ngậm ngùi.

Chương trình Mùa xuân cho em do Sở LĐTB-XH TPHCM tổ chức, 200 trẻ mồ côi do Covid-19, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được tham gia các hoạt động vui chơi, thưởng thức nghệ thuật, dự tiệc tất niên và được nhận lì xì mỗi em 2,5 triệu đồng. Tiếng cười giòn tan, vui vẻ của trẻ vang lên khắp nơi trong khuôn viên tổ chức chương trình. Vừa làm xong tấm thiệp gửi mẹ, em Lý Hoàng Mai (10 tuổi) chia sẻ, từ ngày ba mất vì Covid-19, mẹ là chỗ dựa duy nhất cho em. Thương mẹ phải vất vả, Mai cho biết em cố gắng học tập, phụ mẹ việc nhà. Mong muốn của em là mẹ luôn vui khỏe để sống bên em.

Những ngày giáp tết, những người con xa quê lại nôn nao chờ đến ngày được về đoàn tụ cùng gia đình. Chị Nguyễn Ngọc Phụng (khuyết tật hai chân, quê Bến Tre), học viên Trung tâm giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật và trẻ mồ côi huyện Hóc Môn, cũng vậy. Hoàn cảnh kinh tế khó khăn, chị muốn mua ít đồ về làm quà cho người thân nhưng cứ đắn đo nghĩ mãi. Đang không biết làm thế nào thì chị Phụng nhận được phần quà tết từ chương trình “Cây mùa xuân thắp sáng lòng nhân ái”, do Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi TPHCM tổ chức. Chị Phụng nói sẽ đem hết quà về cho gia đình ở quê. “Tôi rất vui và cảm thấy ấm áp khi được mọi người quan tâm, giúp đỡ để những người khó khăn có điều kiện đón tết”, chị Phụng chia sẻ.

Đồng chí NGUYỄN HỒ HẢI, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM:

"Năm 2022, TPHCM phục hồi và phát triển kinh tế với nhiều điểm sáng rất đáng trân trọng. Đó là kết quả của sự chung sức đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Để thành phố phát triển, một phần nhờ có sự chung tay, chung sức của nhân dân thành phố và các tỉnh bạn. Vì vậy, đã trở thành truyền thống, hàng năm thành phố đều chung tay chăm lo cho bà con nghèo, khó khăn ở các tỉnh. Qua đó, thể hiện tấm lòng tri ân của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố với các tỉnh, đặc biệt là bà con khó khăn. Mong muốn của lãnh đạo TPHCM là mọi người đều có một cái tết an lành, ấm áp, không ai vì quá khó khăn mà không có tết"

Niềm vui đong đầy

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi TPHCM, cho biết, chương trình “Cây mùa xuân thắp sáng lòng nhân ái” năm nay trao tặng quà tết cho khoảng 1.600 người khuyết tật, trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt, với tổng giá trị gần 4 tỷ đồng. Những phần quà được trao, tuy giá trị vật chất không lớn nhưng là tình cảm, gửi gắm niềm tin yêu đến với người khuyết tật và trẻ mồ côi. Chương trình là một trong những hoạt động trọng tâm được hội duy trì tổ chức hơn 20 năm qua.

Trong chương trình “Xuân yêu thương - Tết nghĩa tình” mừng Xuân Quý Mão năm 2023, tặng quà cho nữ công nhân môi trường đô thị khó khăn, chúng tôi bắt gặp chị Huỳnh Thị Thanh trong bộ quần áo công nhân vệ sinh, ngồi một góc lặng lẽ. “Cuộc sống khó khăn, tôi đã nghĩ mình và các con sẽ không có tết đủ đầy. Nay nhận được sự chăm lo này, tôi thấy mình hạnh phúc”, chị Thanh thở phào. Ngoài phần quà tết, chị Thanh còn nhận được chiếc áo dài và tham gia cắt dưa hấu mừng xuân cùng lãnh đạo thành phố. Với mẹ con chị Thanh, đây là cái tết đong đầy niềm vui.

Năm nay 71 tuổi, không còn sức lao động, vợ bị tai biến đã hơn 15 năm, con trai 40 tuổi cũng bị tâm thần suốt 15 năm qua sau 1 trận bạo bệnh nên ông Lư Xú Há, dân tộc Hoa (ngụ phường 5, quận Phú Nhuận) cho biết đã nhiều năm gia đình không dám mơ đến ngày tết. Năm nay, từ sự chăm lo chu đáo của địa phương, ông thấy ấm lòng khi những ngày xuân gia đình cũng đủ đầy quà bánh như bao gia đình khác.

Hòa cùng không khí ngày xuân, gia đình chị Trần Ngọc Tuyết đã có một ngày vui cười thỏa thích cùng nhau tại Công viên Văn hóa Đầm Sen. Chồng chị Tuyết làm phụ hồ, chị làm công nhân may tại quận 12. Một năm nhiều khó khăn, vợ chồng chị phải chắt chiu từng đồng lương ít ỏi để lo cho 2 con ăn học. Cuối năm, công ty gặp khó phải giảm giờ làm, tiền thưởng ít nên vợ chồng chị quyết định ở lại thành phố đón tết để tiết kiệm chi phí đi lại. “Cả năm bận rộn, vợ chồng tôi không có thời gian đưa con đi chơi. Nay được tổ chức công đoàn chăm lo cho cả nhà vui chơi trọn gói và ăn tiệc tất niên, với tôi như vậy là trọn vẹn ân tình”, chị Tuyết bày tỏ.

Năm nay, chương trình “Gia đình công nhân lao động vui tết cùng thành phố” tạo điều kiện cho 5.000 gia đình công nhân không có điều kiện về quê đón tết (khoảng 20.000 người) được tham quan, ăn uống miễn phí tại Công viên Văn hóa Đầm Sen trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán (từ ngày 12-1 đến 19-2). Qua đó, chương trình tạo sự gắn kết, chia sẻ đầm ấm, vui tươi, lành mạnh dành cho người lao động.

Các tin khác