Xuất bản điện tử: Thời vẫn chưa tới?

(ĐTTCO) - Từng được dự báo sẽ mang đến nhiều khởi sắc cho ngành xuất bản trong nước, tuy nhiên đến lúc này, căn cứ vào những số liệu hiện có dường như xuất bản điện tử vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực. 

SGGP 

Các ấn phẩm xuất bản điện tử cho phép độc giả chủ động hơn trong việc đọc

Các ấn phẩm xuất bản điện tử cho phép độc giả chủ động hơn trong việc đọc

Không như kỳ vọng

Số liệu từ Cục Xuất bản, In và Phát hành (Cục Xuất bản) cho thấy, đến tháng 7-2021, cục cấp phép thêm 3 nhà phát hành điện tử, đưa tổng số NXB và phát hành điện tử lên con số 15 (gồm 11 NXB và 4 đơn vị phát hành điện tử). Con số này vẫn còn ít ỏi nếu so với 59 NXB cùng gần 300 đơn vị tham gia vào hoạt động liên kết xuất bản trên cả nước. 

Theo quy hoạch phát triển xuất bản in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (theo Quyết định 115/QĐ-TTg ngày 16-1-2014), Chính phủ đặt ra mục tiêu “Duy trì nhịp độ tăng trưởng về số lượng xuất bản phẩm, trong đó 20-30% là xuất bản phẩm điện tử, phấn đấu đến năm 2020 đạt khoảng 450 triệu bản, tương đương 5 bản/người/năm”. Tuy nhiên, thực tế lại không được như vậy. Theo số liệu năm 2020, trong khi sách giấy đạt 32.158 cuốn thì sách điện tử chỉ đạt 2.050 cuốn (giảm 14,6% so với năm 2019). 

Trong số 11 NXB tham gia vào xuất bản điện tử, hiện NXB Trẻ và NXB Kim Đồng đã tạm ngưng sản xuất Ebook (sách điện tử). Nếu lấy mốc năm 2012, khi một số đơn vị chính thức bước chân vào lĩnh vực xuất bản điện tử, đến nay cũng đã gần 10 năm. Với chừng đó thời gian nhưng số đơn vị tham gia cũng không phải là nhiều. Chưa kể, có đơn vị được kỳ vọng rất nhiều nhưng rồi cũng phải “đứt gánh giữa đường” như Alezaa, Tiki.

Cá biệt có trường hợp của Phương Nam Books, sau 5 năm tham gia vào lĩnh vực xuất bản điện tử, vào năm 2017, đơn vị này đã tạm ngưng mảng kinh doanh Ebook. Phải đến tháng 10-2020, đơn vị này mới trở lại thị trường thông qua ứng dụng (app) KOMO+, được phát triển và nâng cấp thêm từ app KOMO cũ.

Ngoài Ebook, Phương Nam Books cũng tập trung đầu tư trở lại cho Audiobook. “Văn hóa nghe nhìn đang chiếm ưu thế so với văn hóa đọc, thói quen của bạn đọc có nhiều thay đổi. Nhận thấy xu hướng phát triển của thị trường, thị hiếu của bạn đọc và muốn tiếp cận đến các đối tượng đọc khác nữa, chúng tôi muốn dấn thân vào lĩnh vực Audiobook. Ứng dụng này vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, dự kiến sẽ cho ra mắt vào đầu năm sau”, bà Trần Nhật Hoàng Phương, Trưởng phòng Marketing Phương Nam Books, cho biết. 

Cần cách làm đột phá 

Chính thức hợp tác cùng Ứng dụng sách nói có bản quyền Fonos vào đầu năm 2020, hiện tại, Thái Hà Books đang có 72 tựa sách được chuyển thể thành Audiobook.

Theo ông Lưu Sĩ Dương, Giám đốc kinh doanh của Thái Hà Books, do năm 2020 là năm bản lề nên chưa có nhiều doanh thu. Nhưng sang năm 2021, doanh thu từ Audiobook lại có sự tăng trưởng đáng kể. Cụ thể, quý 2-2021 doanh thu Audiobook mà đơn vị này nhận về tăng 192% so với quý 1-2021. Mặc dù Audiobook đang trên đà phát triển, tuy nhiên, theo đánh giá của ông Lưu Sĩ Dương, đến thời điểm này nó vẫn đang ở mức tiềm năng. Thị trường của Audiobook có thể sẽ rõ ràng hơn trong 3 năm tới.

Bà Trần Nhật Hoàng Phương cũng cho rằng, Việt Nam là một thị trường trẻ và năng động, tiếp cận các xu hướng lẫn công nghệ rất nhanh. Việt Nam nằm trong tốp 10 các quốc gia có lượng người sử dụng smartphone nhiều nhất thế giới (70% dân số). Nền kinh tế kỹ thuật số ở Việt Nam đang bùng nổ, với mức tăng trưởng thuộc hàng nhất nhì trong khu vực.

“Rõ ràng với các thế mạnh này, việc tiếp cận và tiếp nhận các xuất bản điện tử sẽ trở nên dễ dàng và thuận lợi”, bà Phương bày tỏ. 

Trong bức tranh chung có vẻ vẫn còn bình lặng của xuất bản điện tử, Waka hiện đang được xem là nền tảng xuất bản điện tử thành công nhất tại Việt Nam. Sau 7 năm tham gia, đơn vị này đã có trên 5 triệu lượt tải ứng dụng trên 2 chợ ứng dụng Apple Store và Google Play, với hơn 3 triệu tài khoản đăng ký, gần 30% trong số đó có hoạt động tương tác hàng tháng. Hiện tại, Waka là đối tác của hầu hết NXB, các công ty phát hành trong nước, cũng như các công ty khai thác nội dung nổi trội ở Trung Quốc. 

Từ thực tế sau 7 năm hoạt động, ông Đinh Quang Hoàng, Giám đốc điều hành của Waka, cho rằng, không phải chúng ta không có người đọc mà các NXB, các công ty phát hành đã không hoặc chưa xuất bản đúng lĩnh vực nội dung mà một lượng rất lớn người dùng đang muốn đọc. Chính cách làm cần ra phiên bản sách in trước rồi mới làm bản điện tử đã cản trở quá trình phát triển này. Bởi khi ra bản sách in, các công ty khai thác kinh doanh sách sẽ bận rộn với việc phân phối, bán các bản in để thu hồi tiền giấy in nên sẽ không có thời gian dành cho sách điện tử. Trong khi thực tế phát hành điện tử không tốn chi phí giấy in, phát hành 1.000 bản hay 1 triệu bản cũng như nhau và hầu như không mất chi phí vận chuyển. 

“Nơi nào có internet, nơi đó có sách điện tử, không phụ thuộc vào vận tải hàng hóa. Tôi cho rằng, muốn có đột phá về kết quả cần có đột phá về cách làm”, ông Đinh Quang Hoàng cho biết.

Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT-TT), cho rằng ứng dụng, phát triển xuất bản điện tử phải được coi là định hướng chiến lược lâu dài, vừa là giải pháp đột phá gỡ bỏ khó khăn trước mắt. Đặc biệt, theo chia sẻ của ông Nguyễn Nguyên, hiện cục đã hoàn thành nền tảng xuất bản, phát hành điện tử dùng chung với mức đầu tư ban đầu từ 300-500 triệu đồng. “Với nền tảng dùng chung này, sẽ đáp ứng được tất cả các điều kiện để nhiều đơn vị có thể tham gia xuất bản điện tử”,ông Nguyễn Nguyên cho biết.

Các tin khác