Xuất khẩu chinh phục mục tiêu 1.000 tỷ USD

(ĐTTCO)- Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, theo đà phát triển như hiện nay, mục tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 1.000 tỷ USD không còn xa.

Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia xuất nhập khẩu hàng đầu thế giới. Ảnh: TL
Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia xuất nhập khẩu hàng đầu thế giới. Ảnh: TL

Những bước tiến thần kỳ

Trao đổi với phóng viên VTV Times, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đánh giá, nhìn lại chặng đường đã qua cho thấy, kim ngạch xuất - nhập khẩu liên tục đạt được những kỳ tích mới và luôn là điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế Việt Nam.

Trong 17 năm qua, từ 2007 - 2024, xuất nhập khẩu bước lên cao từng nấc thang với mốc kim ngạch đạt con số 100 tỷ USD (năm 2007), vươn lên 786,29 tỷ USD (năm 2024).

Cụ thể, năm 2011, tổng trị giá xuất nhập khẩu đã tăng gấp đôi năm 2007, đạt con số 200 tỷ USD. Trong thời gian 4 năm tiếp theo là năm 2015, xuất nhập khẩu Việt Nam đã cán mốc trị giá 300 tỷ USD. Đặc biệt, chỉ 2 năm sau đó, năm 2017, tổng trị giá xuất nhập khẩu đã đạt mức 400 tỷ USD. Kế tiếp các năm sau đó, cứ 2 năm, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng thêm 100 tỷ USD. Năm 2019, trị giá xuất nhập khẩu đã cán mốc hơn 500 tỷ USD. Năm 2021, cán mốc 600 tỷ USD. Năm 2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt mốc 730,28 tỷ USD.

Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: TBTCVN

Đến năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu do ảnh hưởng rất mạnh của dịch Covid-19 bị sụt giảm, chỉ đạt 683 tỷ USD. Tuy nhiên, ngay sau đó, năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta đã quay lại đà tăng, đạt gần 786,3 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,3%, nhập khẩu tăng 16,7%. Xuất siêu đạt mức kỷ lục 24,77 tỷ USD. Năm 2024 cũng đánh dấu năm xuất siêu thứ 9 của Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, ngay từ những ngày đầu năm 2025, hoạt động xuất nhập khẩu đã nhộn nhịp. Nhất là xuất khẩu, nhiều ngành hàng chủ lực đã và đang đón "mưa" đơn hàng, hứa hẹn một năm tiếp tục ghi dấu những con số kỷ lục mới. "Xuất khẩu được nhận định có nhiều thuận lợi và tích cực hơn - tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam", ông Tân nhấn mạnh.

Đơn cử, trao đổi với phóng viên, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết doanh nghiệp trực thuộc tập đoàn đã có đơn hàng đến quý III của năm và đang tiếp tục đàm phán đơn hàng cho cả năm 2025.

Với tình hình khởi sắc như vậy, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, mục tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2025 tăng trưởng khoảng 12% so với năm 2024 là hoàn toàn khả thi. Còn theo Thứ trưởng Bộ Công thương, "mục tiêu tăng trưởng từ 10 - 12% vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu năm sau phải cao hơn năm trước nên chúng ta vẫn phải nỗ lực hết sức để đạt con số cao hơn nữa”.

Vượt qua "chướng ngại vật" để thành công

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, nước ta đang tiệm cận con số 800 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu và theo đà phát triển như vậy, mỗi năm, xuất nhập khẩu đạt được 2 con số thì mục tiêu 1.000 tỷ USD không còn xa.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, để đạt được con số đó cần sự nỗ lực rất lớn từ phía nhà nước và doanh nghiệp. Chúng ta cần đưa ra các mục tiêu và giải pháp trong hoạt động của cả hai chiều xuất - nhập khẩu để tạo nền tảng, nguồn lực phát triển sản xuất, xuất khẩu.

Trong đó, Thứ trưởng cho biết, để hỗ trợ tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công thương sẽ đẩy mạnh ứng dụng đổi mới công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, khuyến khích triển khai các kênh thương mại điện tử; tăng cường cơ chế kiểm soát rủi ro và hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp, địa phương mở rộng hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa cũng như hợp tác chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng qua biên giới.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng nhấn mạnh, hiện chúng ta đã và đang tham gia thực hiện nhiều FTA và các đơn vị chức năng, ngành hàng cần hỗ trợ tối đa để doanh nghiệp có thể tận dụng hiệu quả các cam kết, ưu đãi về thuế quan.

Cũng theo Thứ trưởng ngành Công thương, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng của quốc tế trong thời gian gần đây tạo cơ hội rất lớn cho hoạt động xuất khẩu của nước ta và nếu tận dụng tốt lợi thế này sẽ là cơ hội "vàng" để tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ đột phá.

Hơn thế nữa, doanh nghiệp cần hướng đến chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để đáp ứng sự dịch chuyển chuỗi cung ứng cũng như đảm bảo các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế. Phát triển bền vững, tăng trưởng xanh đã trở thành điều kiện tiên quyết để duy trì năng lực cạnh tranh và bảo đảm sự phát triển lâu dài của các nền kinh tế. Đây là thách thức lớn mà doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt và phải vượt qua trong năm 2025 nếu như muốn giữ vững đà tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh thêm, thời gian tới có sự dịch chuyển từ các nước lớn, khiến hàng Việt sẽ đối diện với các vụ việc cũng như bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Do vậy, công tác phòng vệ thương mại cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp để bảo vệ lợi ích cho doanh nghiệp, hàng hoá xuất khẩu. Các đơn vị ngành Công thương cần chú ý về cơ chế cảnh báo sớm, cần phân tầng về mặt thông tin...

Ngoài ra, bàn về "bài toán" tăng trưởng xuất nhập khẩu, theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải, xuất khẩu Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn khi vẫn tập trung đa phần vào một số thị trường lớn, các thị trường này có khả năng thay đổi chính sách hoặc ảnh hưởng biến động kinh tế. Do đó, một trong những đòi hỏi cấp bách là doanh nghiệp cần phải có chiến lược đa dạng hóa thị trường hiệu quả hơn để duy trì kim ngạch cao trong thời gian tới.

Các tin khác