Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong tháng 8, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 60,92 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước và giảm 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 435,23 tỷ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 10%; nhập khẩu giảm 16,2%.
30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD
Cụ thể, về xuất khẩu tháng 8 ước đạt 32,37 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,43 tỷ USD, tăng 8,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,94 tỷ USD, tăng 7,3%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2023 giảm 7,6%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 2,5%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 9,3%.
Tính chung 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 227,71 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 59,92 tỷ USD, giảm 9,2%, chiếm 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 167,79 tỷ USD, giảm 10,3%, chiếm 73,7%. Đáng chú ý, trong 8 tháng qua có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 58,4%).
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 8 tháng năm 2023, nhóm hàng nhiên liệu và̀ khoáng sản ước đạt 2,82 tỷ USD, chiếm 1,2%; nhóm hà̀ng công nghiệp chế biến ước đạt 201,31 tỷ USD, chiếm 88,4%; nhóm hà̀ng nông sản, lâm sản ước đạt 17,87 tỷ USD, chiếm 7,9%; nhóm hà̀ng thủy sản ước đạt 5,71 tỷ USD, chiếm 2,5%.
Từ chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8 ước đạt 28,55 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng trước, nhưng giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 207,52 tỷ USD, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong 8 tháng, có 37 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 89,9% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 2 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 38,8%).
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 62,3 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 68,1 tỷ USD. Trong 8 tháng qua, xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 53 tỷ USD giảm 21% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 19,6 tỷ USD, giảm 9,7%; xuất siêu sang Nhật Bản 1,5 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 146 triệu USD); nhập siêu từ Trung Quốc 32,3 tỷ USD, giảm 30,2%; nhập siêu từ Hàn Quốc 17,3 tỷ USD, giảm 34,5%; nhập siêu từ ASEAN 5,2 tỷ USD, giảm 38,4%.
Với kết quả trên, cán cân thương mại hàng hóa tháng 8 ước tính xuất siêu 3,82 tỷ USD. Tính chung 8 tháng, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 20,19 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 5,26 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 14,02 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 34,21 tỷ USD.
Dấu ấn nông nghiệp
Nhìn tổng thể, xuất khẩu 8 tháng vẫn giảm 10% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên tính riêng từng tháng đang cho thấy những tín hiệu tích cực. Nếu như từ tháng 1 đến tháng 4 liên tục suy giảm, thì sang đến tháng 5 cho tới tháng 8, xuất khẩu đã lấy lại được đà tăng dương.
Sự phục hồi này là kết quả của những nỗ lực trong việc xây dựng thể chế, chính sách nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu; đồng thời tận dụng hiệu quả những cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA), như Hiệp định Ðối tác toàn diện và Tiến bộ XuyênThái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu.
Đáng chú ý, trong kết quả chung của 8 tháng, ngành nông nghiệp đã có những đóng góp “ấn tượng”, đặc biệt là các nhóm hàng nông sản, như gạo, rau quả, cà phê, hạt điều.
Xuất khẩu rau quả tăng trưởng ấn tượng trong 8 tháng năm 2023.
Theo báo cáo từ Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 8 tháng qua, xuất khẩu nhóm hàng rau quả đạt 3,45 tỷ USD, tăng 57,5% so với cùng kỳ và vượt kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2022 (3,16 tỷ USD). Tiếp theo là gạo, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,17 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù không tăng kỷ lục như rau quả và gạo, ngành điều cũng thu về 2,3 tỷ USD, tăng 9%, cà phê đạt xấp xỉ 3 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ. Dự báo, với tốc độ tăng trưởng này, cả năm 2023, rau quả và gạo sẽ có thể mang về trên 9 tỷ USD, còn cà phê và hạt điều sẽ đóng góp trên 7,5 tỷ USD.
Cơ hội tăng tốc
Nhận định về triển vọng xuất khẩu những tháng cuối năm, tại hội nghị giao ban với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết các nước EU, Hoa Kỳ đã có nhiều biện pháp để kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Các chính sách này đã bước đầu phát huy hiệu lực, lạm phát ở các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Anh đều có chiều hướng giảm xuống.
Thời gian tới, với nhiều điều kiện và yếu tố thuận lợi, xuất khẩu có thể khôi phục tăng trưởng vào quý IV. Bên cạnh đó, việc Anh gia nhập CPTPP sẽ mở ra cơ hội mới cho xuất khẩu Việt Nam.
Thông tin về thị trường Hoa Kỳ, ông Trần Minh Thắng, Trưởng chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco (Hoa Kỳ), cho biết thị trường này đang có dấu hiệu phục hồi và sẽ tiếp tục tăng trưởng cao hơn. Đáng chú ý, một lượng lớn hàng tồn kho được giải phóng, việc làm được cải thiện, sức mua tại Hoa Kỳ sẽ dần phục hồi, nhất là phục vụ cho mua sắm dịp cuối năm 2023, dẫn đến dự báo nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ sẽ phục hồi nhẹ vào quý IV.