Sầu theo cước tàu
Hồi cuối tháng 12-2023, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã có những khuyến cáo liên quan đến tình hình phát sinh tại khu vực Biển Đỏ. Theo đó, tại khu vực Vịnh Aden và Biển Đỏ nhiều tàu biển chuyên chở hàng hóa bị tấn công, một số hãng vận tải biển dừng vận chuyển hàng hóa qua khu vực Biển Đỏ, chuyển hướng đi vòng qua Mũi Hảo Vọng của châu Phi.
Điều này khiến hàng hóa vận chuyển bằng đường biển giữa châu Á với châu Âu và Bờ Đông Bắc Mỹ mất nhiều thời gian hơn. Cước phí vận chuyển và phí bảo hiểm hàng hóa trao đổi giữa các khu vực này tăng thêm. Hiện tượng thiếu container rỗng có thể xảy ra cục bộ.
Ngày 8-1-2024, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã tổng hợp nhanh ý kiến của DN về tình hình cước vận chuyển tàu biển trên một số tuyến chính.
Một số DN cho biết từ đầu tháng 1-2024 hàng loạt hãng vận tải lớn như Yang Ming Line, One, Evergreen Line, HMM, Maersk… đã gửi thông báo tăng giá cước 1,5-2,5 lần do phải thay đổi hải trình các tuyến châu Á - châu Âu, tránh đi qua kênh đào Suez và khu vực Biển Đỏ.
VASEP nhận định đây là thách thức mới cho DN thủy sản trong năm 2024. Đồng thời đưa ra khuyến cáo DN cần theo dõi sát tình hình, chủ động lên các phương án thích hợp, bao gồm cả việc mua bảo hiểm đầy đủ để phòng ngừa rủi ro và tổn thất khi hàng hóa phải kéo dài thời gian vận chuyển, hoặc gặp sự cố khi đi qua tuyến đường này, hay tìm kiếm thêm các phương thức vận chuyển khác để đảm bảo chuỗi cung ứng…
Cước vận chuyển đường biển tăng mạnh, đơn hàng có thể đứt bất cứ lúc nào… đang khiến tình hình xuất khẩu đầu năm mới 2024 “chới với”.
Tương tự, nhiều DN thuộc các nhóm ngành như gỗ, nông sản, dệt may… cũng sẽ chịu tác động từ việc tăng giá cước tàu biển.
Chia sẻ cùng ĐTTC, bà Ngô Tường Vy, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, cho biết DN đang chịu tác động không nhỏ khi giá cước tàu biển tăng nhanh. Điều DN lo nhất là thời gian giao hàng bị kéo dài có thể làm ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm trái cây tươi. Thực tế, đến thời điểm này giá cước tàu biển mới chỉ tăng ở một số tuyến, nhưng do hiệu ứng domino khiến giá cước ở các tuyến khác cũng sẽ tăng theo, DN khó càng thêm khó.
Thấp thỏm đứt đơn hàng
Tình hình đơn hàng đang ấm dần lên trong những tháng cuối năm 2023, nay nhiều DN lại lo đơn hàng có thể đứt bất cứ lúc nào. Nguyên nhân đầu tiên là thiếu sức cầu. Thời điểm này đã qua giai đoạn cao điểm mua sắm cuối năm của người tiêu dùng ở các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu.
Lại thêm những bất ổn địa chính trị liên tiếp diễn ra có thể khiến người tiêu dùng tiếp tục thắt chặt chi tiêu trong năm 2024. Khảo sát nhanh với một số DN, năm nay đơn hàng tính theo tháng không phải theo quý hay năm như trước. Nguyên nhân thứ hai, giá cước tàu biển tăng nhanh, thời gian giao hàng dài có thể khiến giá bán đến tay người tiêu dùng tăng cao, ảnh hưởng đến quyết định mua hàng.
Chưa hết, vấn đề cước tàu cũng có thể là nguyên nhân khiến nhiều nhà nhập khẩu chuyển hướng sang nhập từ các nước ít chịu ảnh hưởng từ biến động của khu vực Biển Đỏ, hoặc một số nhà nhập khẩu có thể yêu cầu tạm ngừng xuất hàng với những nhóm ngành không thiết yếu như đồ gỗ. Theo một số nguồn tin thực tế này đã diễn ra với một vài DN.
Song hành với nỗi lo chung, mỗi nhóm ngành lại có thêm những thách thức khác từ các thị trường nhập khẩu. Như ngành may năm nay bắt đầu phải đối mặt với những quy định khắt khe từ nhà nhập khẩu.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết năm 2024 ngành dệt may sẽ đối diện với hàng loạt thách thức, khó khăn lớn do việc áp dụng cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon), cũng như chiến lược “thời trang bền vững” thay cho “thời trang nhanh”; chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của OECD của EU; Luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức; Đạo luật chống lao động cưỡng bức của Mỹ (UFLPA) cho ngành sợi…
Trong khi đó, với ngành thủy sản, cụ thể là ngành hàng tôm, vụ kiện chống trợ cấp ngành tôm Việt từ nguyên đơn Mỹ sẽ là rủi ro không nhỏ cho năm 2024. Bởi nếu bị áp thuế, sản phẩm tôm Việt sẽ rất khó cạnh tranh ở thị trường Mỹ. Còn với ngành hàng hải sản, Việt Nam hiện vẫn còn phải chịu thách thức không ít khi chưa gỡ được thẻ vàng IUU của châu Âu.
Với ngành gỗ, chia sẻ trong một chương trình đối thoại gần đây, ông Ngô Sĩ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sảm Việt Nam, nhận định những vấn đề như xung đột chính trị, lãi suất cao, hội chứng sợ chi tiêu… sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến lực cầu hàng hóa. 2 quý đầu năm 2024 các ngành hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam được dự báo tiếp tục gặp khó.
“Chúng tôi hy vọng tình hình thị trường sẽ tốt hơn từ quý III trở đi. Cùng với các giải pháp Chính phủ đang thực hiện, khó khăn của ngành gỗ sẽ giảm đi phần nào” - ông Hoài cho biết.
Có thể thấy khó khăn của năm 2023 đã khiến nhiều DN cạn kiệt sức lực, nay bước qua năm mới 2024 lại thêm những khó khăn mới. Song thách thức không chỉ nằm ở các yếu tố ngoại lai, mà ngay trong nội tại khi tiếp cận chính sách hỗ trợ, không phải DN nào cũng vui.
Mới đây trong báo cáo về tình hình DN dựa trên khảo sát thực hiện hồi tháng 12-2023 của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban VI), cho thấy với chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, doanh thu của các DN càng lớn, đánh giá chính sách càng cao. DNNN đánh giá chính sách hỗ trợ này đạt hiệu quả cao nhất, trong khi DN tư nhân đánh giá thấp nhất.
Cũng liên quan đến vốn vay, DN đề xuất Chính phủ có nguồn vốn lãi suất thấp, điều kiện vay không quá khó khăn (nhìn vào khả năng trả nợ trong tương lai hoặc đánh giá thương hiệu, hay các số liệu về người lao động, hoặc bằng cách chứng minh hiệu quả mô hình kinh doanh) để giúp các DN nhỏ có vốn sản xuất.
"Năm nay được xem là thời điểm cấp thiết cần tiếp tục khoan thư sức dân, sức DN nhằm nuôi dưỡng niềm tin, năng lực phục hồi" - Ban IV cho biết.