Xuất khẩu hải sản giảm mạnh vì thẻ vàng chống khai thác IUU

(ĐTTCO) – Sau 2 năm EU cảnh báo thẻ vàng, xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang thị trường EU đã bị tác động rõ rệt, giảm 6,5% còn gần 390 triệu USD trong năm 2018 và tiếp tục chững lại trong 8 tháng đầu năm 2019. Từ vị trí thứ 2 trong các thị trường nhập khẩu hải sản, sau thẻ vàng EU tụt xuống đứng thứ 5. 
Xuất khẩu hải sản giảm mạnh vì thẻ vàng chống khai thác IUU
Đó là các thông tin được Uỷ ban hải sản VASEP đưa ra tại hội nghị đánh giá 2 năm triển khai chương trình Doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU diễn ra sáng nay tại TPHCM. 
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP, qua 2 năm kiên định với mục tiêu tháo gỡ thẻ vàng và sự phát triển bền vững của ngành khai thác, chế biến xuất khẩu hải sản Việt Nam, các DN hải sản Việt Nam đã rất tích cực với các hoạt động của chương trình như: đồng loạt treo biển chống khai thác IUU; thực hiện nghiêm túc cam kết chống khai thác IUU; chỉ thu mua nguyên liệu hải sản từ những tàu cá khai thác hợp pháp; chỉ nhập khẩu hải sản khai thác có nguồn gốc khai thác hợp pháp, tuân thủ quy định của Mỹ, EU và Việt Nam chống khai thác IUU, tham gia các chương trình hội thảo, tập huấn, tuyên truyền và truyền thông về chống khai thác IUU. 
Cũng theo chia sẻ của ông Nam, phía hiệp hội cũng đã gửi các văn bản lên Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT báo cáo và kiến nghị các nội dung hành động chống khai thác IUU, góp ý đề xuất kế hoạch hành động khắc phục thẻ vàng IUU. 
Ngoài ra, hiệp hội cũng phối hợp chặt chẽ với các bên như Bộ Tư lệnh cảnh sát biển, các Bộ ngành liên quan và tổ chức quốc tế trong việc truyền thông, tập huấn về IUU cho DN, ngư dân. Đặc biệt duy trì mối quan hệ hợp tác tốt với EC báo cáo chia sẻ thông tin về sự nỗ lực của Việt Nam trong hoạt động chống khai thác IUU. 
Cũng tại hội nghị lần này, bà Nguyễn Thu Sắc, Chủ tịch Uỷ ban Hải sản VASEP, TGĐ Công ty Hải Nam khẳng định Việt Nam cần nỗ lực hết sức trong quá trình này vì nếu từ thẻ vàng chuyển qua thẻ đỏ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành thuỷ sản Việt Nam nói chung. 
Theo đó trước mắt cần giải quyết những vấn đề cấp thiết là máy định vị trên tàu và hệ thống truyền thông tin dữ liệu minh bạch. Song song đó trong chiến lược dài hạn, phát triển nghề cá bền vững cần tính đến chợ đấu giá tại cảng cá, nâng cấp cơ sở hạ tầng cho cảng cá, tính đến phương án nuôi trồng trên biển… “Thời gian này chúng ta cố gắng duy trì thẻ vàng để củng cố, hoàn chỉnh hệ thống đánh bắt hải sản của Việt Nam, cố gắng nói không với IUU và cố gắng lấy lại thẻ xanh trong thời gian ngắn nhất”- bà Sắc chia sẻ. 
Tại hội nghị lần này, bên cạnh những thông tin từ các DN về khó khăn khi bị thẻ vàng IUU, thông tin từ VASEP về những hành động mà DN, hiệp hội và các Bộ ngành Việt Nam đang thực hiện thì Ban quản lý các cảng cá, chi cục thuỷ sản các tỉnh thành cũng chia sẻ một số khó khăn, vướng mắc trong khi thực hiện các quy định mới nhằm hướng đến việc chống khai thác IUU tại nhiều địa phương. 
Lắng nghe ý kiến của các DN, hiệp hội và các đơn vị liên quan, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến hoan nghênh những nỗ lực của VASEP cũng như các đơn vị liên quan trong nỗ lực chống khai thác IUU. Thứ trưởng cũng khẳng định ngay từ khi EC rút thẻ vàng với hải sản Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã có 2 Chỉ thị và một loạt văn bản chỉ đạo liên quan. Gần đây nhất Thủ tướng cũng đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về IUU do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm trưởng ban. 
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng khẳng định với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, cách làm việc hiệu quả của VASEP, sự vào cuộc các Bộ ngành, các chi cục, cảng cá thì nghề cá của chúng ta sẽ chuyển thành nghề cá có trách nhiệm và đưa lại hiệu quả cho toàn ngành. Chúng ta siết tay nhau để sớm lấy lại thẻ xanh cho ngành hải sản của Việt Nam. 

Các tin khác