Hiện nay, trong bối cảnh Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu rau quả lớn của Việt Nam, việc một số thị trường khó tính chấp nhận nhiều mặt hàng rau quả của nước ta, điển hình như Nhật Bản được coi như một tín hiệu đáng mừng để dần thoát khỏi “anh bạn láng giềng” với nhiều kiểu buôn bán khó hiểu, không ổn định.
Đầu tháng 11 vừa qua, những trái xoài tươi Cát Chu (tỉnh Đồng Tháp) của Việt Nam đã chính thức được bày bán lần đầu tiên tại siêu thị Aeon ở tỉnh Chiba, Nhật Bản. Cùng với trái Thanh Long, đây là loại trái cây thứ 2 của Việt Nam được tiêu thụ tại thị trường Nhật Bản vốn được đánh giá là một trong những thị trường xuất khẩu khó tính. Tại buổi lễ ra mắt, đại diện bộ phận Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết trong đợt xuất khẩu đầu tiên này, tổng cộng có 3 tấn rưỡi xoài Cát Chu đã được nhập vào thị trường Nhật Bản.
Theo kế hoạch, xoài tươi Việt Nam sẽ được bày bán tại 209 điểm bán hàng của Aeon trên toàn Nhật Bản với 2 mức giá sau thuế là 429 yen/quả (khoảng 77.000 đồng) và 645 yen/quả (116.000 đồng).
Từ kết quả trên, thời gian tới hoạt động xuất khẩu xoài tươi sang Nhật Bản sẽ tiếp tục đẩy mạnh, với kế hoạch từ nay đến cuối năm 2015 xuất khẩu thêm 80 tấn xoài tươi sang thị trường Nhật Bản qua cả đường hàng không và đường biển. Thực tế, để đưa trái xoài Cát Chu vào thị trường Nhật Bản, các cơ quan chức năng nước ta đã phải mất 5 năm để chuẩn bị hồ sơ, xây dựng quy trình xử lý dịch hại, từ đó phía Nhật Bản mới chấp thuận. Theo Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT), ngoài trái xoài, thanh long, Việt Nam đang đàm phán để xuất khẩu thêm các mặt hàng vải, nhãn, chôm chôm, vú sữa…
Nhu cầu thị trường lúc nào cũng rộng mở, từ bình dân đến cao cấp, từ dễ tính đến khắt khe, điều quan trọng là chúng ta đáp ứng được yêu cầu ở mức độ nào. Muốn làm được điều đó, không còn cách nào khác, phải thay đổi cách tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Theo đó, cần ưu tiên đầu tư công nghệ sơ chế bảo quản rau quả tươi với các quy mô khác nhau, đặc biệt chú trọng quy mô vừa và nhỏ. Kết hợp công nghệ bảo quản truyền thống với tiên tiến hiện đại. Hình thành hệ thống các xưởng sơ chế đóng gói ngay tại các vùng sản xuất chuyên canh tập trung. Áp dụng nhanh tiến bộ kỹ thuật bảo quản rau quả như IQF, sấy chân không, CA, CAS.
Bên cạnh đó, cần nâng cấp công nghệ và thiết bị chế biến thủ công quy mô nhỏ theo hướng công nghệ tiên tiến, suất đầu tư thấp, các mặt hàng khác như rau, dưa chuột, ngô ngọt, nấm, măng tre trúc, chuối sấy, vải thiều đóng lọ, vải thiều sấy khô… Với những thị trường khó tính, doanh nghiệp cần lưu ý phải đảm bảo đúng các điều kiện khắt khe, nhất là về an toàn thực phẩm của nhà nhập khẩu đặt ra. Muốn vậy, doanh nghiệp phải có vùng nguyên liệu được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng và sản xuất theo quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm.
Theo Bộ NN-PTNT, kim ngạch xuất khẩu rau quả 10 tháng năm 2015 đạt 1,52 tỷ USD, tăng 20,89% so với cùng kỳ 2014. Nhiều chuyên gia đã dự báo trong cả năm nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả có thể sẽ lần đầu tiên chạm mốc 2 tỷ USD do thời gian qua nước ta có nhiều diện tích rau quả đạt tiêu chuẩn VietGAP. Trong tháng 9 vừa qua đã có trên 20ha nhãn lồng Hưng Yên đạt tiêu chuẩn VietGAP được cấp mã vùng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.
Hiện nay, các mặt hàng rau quả của Việt Nam đã có mặt trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, sau Trung Quốc, Nhật Bản là thị trường lớn thứ 2 với kim ngạch đạt gần 50 triệu USD, chiếm 4,1% và tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Thực tế này chỉ ra rằng, có thêm thị trường mới cũng đồng nghĩa với việc giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nhiều rủi ro. Bởi lẽ, thời gian dài qua, những biến động của thị trường này đã gây nên những bấp bênh khó lường, khiến các nhà vườn và nông dân nước ta điêu đứng.