Mỗi năm Việt Nam thu hàng tỷ USD từ việc xuất khẩu các mặt hàng nông lâm sản, song với tiêu chuẩn ngày càng cao từ các thị trường nhập khẩu đòi hỏi các doanh nghiệp phải có chiến lược đầu tư bài bản từ công nghệ đến quy trình sản xuất, từ đó giúp xuất khẩu bền vững.
Nhiều quy định khắt khe hơn
Mới đây, Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu đã thông qua dự luật ngăn chặn việc nhập khẩu các mặt hàng gây mất rừng và suy thoái rừng. Dự luật có tên chính thức là Quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR - EU Deforestation-free Regulation) nhằm cấm nhập khẩu những mặt hàng nông lâm sản có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020.
Với quy định này, một số sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là càphê, khi nhập khẩu vào thị trường EU cần có thông tin định vị (GPS) đến từng vườn… Như vậy, quy định khi có hiệu lực (dự kiến từ cuối năm 2024 đến đầu năm 2025) sẽ tác động trực tiếp đến các tác nhân trong các chuỗi cung ứng ngành hàng trên.
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Càphê-Ca cao Việt Nam, thông tin việc truy xuất nguồn gốc khó khăn nhất là đối với các nông hộ. Thực tế, nhiều nông hộ có diện tích manh mún, phần lớn chỉ từ 0,5 ha trở xuống. Số diện tích này thực tế là hợp pháp nhưng việc chứng minh nguồn gốc không phải dễ, hơn nữa là vấn đề chi phí để thực hiện truy xuất nguồn gốc. Song, với các doanh nghiệp đã đầu tư bài bản thì việc đáp ứng các tiêu chuẩn xanh và bền vững cũng là cơ hội rất lớn để nâng cao giá trị và thương hiệu.
Hiện Liên minh châu Âu (EU) là thị trường tiêu thụ càphê lớn nhất của Việt Nam, với thị phần khoảng trên 40% khối lượng xuất khẩu. Xuất khẩu càphê của Việt Nam sang thị trường này trong năm 2022 đạt 689.049 tấn, trị giá gần 1,5 tỷ USD, tăng 25,8% về lượng và tăng 45,4% về trị giá so với năm 2021.
Chia sẻ thêm vấn đề này, ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Simexco Đắk Lắk, cho rằng doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị từ trước đó nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn mà EU đưa ra.
Cụ thể, năm 2012, doanh nghiệp hợp tác cùng với Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững IDH của Hà Lan trong thực hiện dự án phát triển nông nghiệp bền vững trên địa bàn Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Lâm Đồng.
“Không cạnh tranh với rừng mà còn mang rừng về cho vùng nguyên liệu, cách chúng tôi làm đó là trồng những cây che bóng, những cây chắn gió, những cây ăn trái để có được các vùng cảnh quan bền vững và khi cây càphê được sống trong môi trường cảnh quan tốt thì trái sẽ ngon hơn, ngọt hơn và sẽ nhiều hàm đường trong trái, hương vị cũng thơm hơn,” ông Huy nói đồng thời nhấn mạnh quy định EUDR sẽ giúp càphê Việt Nam có thể tăng được khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới so với các nước cũng trồng càphê nhưng chưa có sự chuẩn bị về vấn đề này.
Xây dựng chuỗi giá trị bền vững
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (gọi tắt là EVFTA) được thực thi trong gần 3 năm qua (1/8/2020) đã tạo đà cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam nói chung và mặt hàng nông lâm sản nói riêng.
Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ để truy suất vùng trồng cho trái cây, nông sản. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Đặc biệt, Hiệp định EVFTA giúp rau quả Việt Nam được xóa bỏ đến 94% các dòng thuế khi vào EU, tạo lợi thế cạnh tranh so với hàng từ một số quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn đối với mặt hàng này.
Số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho thấy Việt Nam là thị trường cung cấp hàng rau quả lớn thứ 59 cho EU trong 11 tháng năm 2022, đạt 74.000 tấn, trị giá 215 triệu USD. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang EU vào khoảng 235 triệu USD.
Xuất khẩu rau quả Việt Nam đang gặp một số thuận lợi khi nhu cầu rau quả thế giới gia tăng và Việt Nam có thể sản xuất quanh năm. Ngoài ra, việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng giúp hầu hết các dòng thuế xuất khẩu rau quả và sản phẩm chế biến từ rau quả được xóa bỏ.
Đánh giá từ Bộ Công Thương cho thấy cơ hội cho trái cây và rau Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) là rất lớn vì quy mô thị trường lên đến 62 tỷ Euro, tương đương với 43% giá trị thương mại trái cây và rau toàn cầu.
Tuy nhiên, để thích ứng với yêu cầu từ thị trường xuất khẩu, sản xuất và thương mại nông sản phải được định hướng phát triển bền vững theo chuỗi giá trị.
Theo ông Thái Vĩnh Hiệp, Chủ tịch thành viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Hiệp, hiện các doanh nghiệp càphê Việt Nam đã bắt đầu xây dựng nền tảng chuyển đổi số và số hóa toàn bộ sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, từ đó giúp cho người tiêu dùng Việt Nam và quốc tế biết được họ uống một ly càphê của Việt Nam có nguồn gốc ở đâu, sản xuất, chế biến như thế nào.
“Đây là con đường tiến tới tương lai của doanh nghiệp, vì vậy bên cạnh việc rà soát, hoàn thiện mình thì cần minh bạch để đi xa hơn,” ông chia sẻ.
Xuất khẩu trái cây của Việt Nam đã có mặt tại hầu hết các thị trường khó tính. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Về phía Bộ Công Thương cũng lưu ý các doanh nghiệp khi xuất khẩu các sản phẩm rau quả sang EU cần chú ý đáp ứng đầy đủ các quy định nhập khẩu khác, đặc biệt là các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, ghi nhãn…
Các quy định nhập khẩu của EU đối với rau quả rất khắt khe và thay đổi thường xuyên nên doanh nghiệp xuất khẩu phải liên tục cập nhật và kết nối chặt chẽ với nhà nhập khẩu để đáp ứng các quy định đưa ra.
"Tất cả các cơ sở nông nghiệp của EU đang phải chuyển đổi theo hướng xanh hóa. Vì vậy, không có lý do doanh nghiệp của Việt Nam đứng ngoài những quy định này, đây là xu thế tất yếu trong tương lai," ông Trần Ngọc Quân, Tham tán thương mại tại Bỉ và EU khuyến cáo các doanh nghiệp.