Xuất khẩu nông sản, kỷ lục mới đan xen nỗi lo cũ

(ĐTTCO) - Trong khi nhiều ngành hàng xuất khẩu được dự báo khó hoàn thành kế hoạch cả năm, rau quả và gạo lại liên tục ghi nhận những kỷ lục bất ngờ. Thế nhưng đằng sau niềm vui mới, không ít những nỗi lo cũ vẫn hiện hữu.
Chỉ trong 10 tháng của năm 2023 xuất khẩu gạo của Việt Nam lập kỷ lục 4 tỷ USD.
Chỉ trong 10 tháng của năm 2023 xuất khẩu gạo của Việt Nam lập kỷ lục 4 tỷ USD.

Vá lỗ hổng chuỗi liên kết gạo

Giá gạo xuất khẩu lập đỉnh mới, giá gạo tăng cao kỷ lục, giá gạo Việt Nam bỏ xa các nước… là những cụm từ được báo chí sử dụng rất nhiều khi nói đến ngành lúa gạo thời gian gần đây. Chưa hết, chỉ trong 10 tháng xuất khẩu gạo của Việt Nam lập kỷ lục 4 tỷ USD, mức cao nhất sau 34 năm gạo Việt Nam tham gia vào thị trường thế giới. Dự báo cả năm 2023 ngành gạo sẽ mang về 4,5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Nếu chỉ dừng lại ở những thông tin như vậy ai cũng cảm thấy vui cho ngành gạo Việt Nam, khi chúng ta đang chứng minh được chất lượng và thương hiệu của mình trên thị trường thế giới. Thế nhưng, phía sau bức tranh sáng của toàn ngành lại ẩn chứa nhiều âu lo. Trong đó phải kể đến nỗi lo của doanh nghiệp (DN) xuất khẩu.

Những tưởng giá xuất khẩu tăng cao DN sẽ nắm được cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, mang về lợi nhuận không nhỏ. Nhưng tại hội thảo về chuỗi giá trị lúa gạo diễn ra hồi đầu tháng 11, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho biết giá gạo tăng nóng nhưng một số DN thua lỗ, thậm chí có DN không đủ tiềm lực phải hủy hợp đồng xuất khẩu đã ký trước đó.

Nguyên nhân giá gạo tăng quá nhanh trong khi hợp đồng đã ký trước đó giá thấp, kho của DN không có sẵn hoặc có nhưng không đủ, buộc DN phải gom mua với giá cao để giao hàng, hoàn thành hợp đồng, giữ chữ tín với đối tác. Lúc này nhiều khuyến cáo được đưa ra cho DN nên cẩn trọng khi ký hợp đồng, áp dụng những điều khoản phù hợp để tránh rủi ro. Nhưng đã đến lúc phải nhìn thẳng vào nguyên nhân thực sự của việc thua lỗ này là bởi chuỗi liên kết trong ngành gạo quá lỏng lẻo.

Đó là việc có DN đã ký kết với nông dân từ trước, có tạm ứng, nhưng khi giá gạo tăng quá nhanh, nông dân sẵn sàng hủy kèo để bán cho thương lái với giá cao hơn, khiến chuỗi liên kết đứt gãy, DN bị dồn vào thế khó.

Tất nhiên không thể đổ lỗi hết cho người nông dân, cũng có DN khi ký được hợp đồng mới thông qua thương lái đi thu gom nguyên liệu. Nếu ngay từ đầu DN xây dựng được niềm tin, cùng nông dân phát triển vùng nguyên liệu, sẽ không xảy ra việc mạnh ai nấy làm.

Thực tế câu chuyện chuỗi liên kết nông nghiệp nói chung và trong ngành gạo nói riêng lỏng lẻo không phải mới. Nhưng cú ngã đau lần này hẳn sẽ là bài học cho nhiều DN. DN phải giữ vai trò chủ đạo để hình thành những mắt xích bền chặt. Có như vậy, khi giá lên đôi bên cùng hưởng, hay khi giá xuống cùng ngồi lại để chia sẻ.

Cần phải nhìn nhận giá gạo Việt Nam tăng cao phần lớn vì Ấn Độ đưa ra lệnh cấm xuất khẩu gạo. Chỉ cần quốc gia này dỡ bỏ lệnh cấm, quay lại đường đua xuất khẩu, giá gạo chắc chắn không thể neo cao như hiện nay, thậm chí có thể giảm sâu. Lúc này nếu mạnh ai đó trữ hàng, ghim hàng, rủi ro sẽ rất lớn.

Đó là câu chuyện gần, còn xa hơn khi có những mắt xích chặt chẽ, cùng nông dân phát triển vùng nguyên liệu, sẽ đáp ứng được những yêu cầu ngày càng khắt khe của nhà nhập khẩu, gạo sẽ xuất đi được với giá cao hơn bằng thương hiệu của chính DN. Thực tế của Lộc Trời hay Trung An là những thí dụ dễ thấy nhất về thành công sau những gắn bó trong chuỗi liên kết. Nhưng những điển hình ấy lại chưa được nhân rộng.

Rau quả đừng vui quá

Cùng với gạo, rau quả là ngành đang đón nhận tin vui lớn. Theo đó hết tháng 10 xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt 4,9 tỷ USD tăng gần 79% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo cả năm nay toàn ngành rau quả mang về khoảng 5,5 tỷ USD. Với kết quả này ngành rau quả đã về đích sớm 2 năm so với mục tiêu Bộ NN-PTNT đặt ra cho toàn ngành.

Đóng góp vào kết quả tích cực này không thể không nhắc đến trái sầu riêng. Trong 10 tháng năm nay, sầu riêng mang về khoảng 1,82 tỷ USD, dự báo cả năm xuất khẩu sầu riêng vượt mức 2 tỷ USD và thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc. Theo đánh giá cơ hội ở thị trường 1,4 tỷ dân này còn rất lớn với trái sầu riêng. Nhưng thách thức cũng không ít.

Hiện sầu riêng Việt Nam chủ yếu cạnh tranh với sầu riêng Thái Lan, nhưng sắp tới sẽ có thêm không ít đối thủ trong khu vực muốn tiến sâu hơn vào thị trường này, và Philippines là một thí dụ. Trung Quốc bắt đầu nhập sầu riêng của Philippines từ đầu năm 2023 và hồi đầu tháng 11 nước này lại đạt được thỏa thuận tại hội chợ nhập khẩu lớn nhất Trung Quốc.

Cuộc đua thêm nóng khi Malaysia cho biết đang đẩy nhanh đàm phán để Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng tươi của nước này. Hiện Trung Quốc chỉ nhập sầu riêng đông lạnh của Malaysia.

Khi có nhiều nhà xuất khẩu cùng tham gia thị trường, chất lượng sẽ được đặt lên bàn cân. Trong một chia sẻ với báo chí, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết mới đây Thái Lan đã nâng tiêu chuẩn sầu riêng xuất khẩu, cụ thể là tăng độ khô của cơm sầu riêng từ 32% lên 35%, đồng thời thực hiện giám sát từng lô hàng để đảm bảo đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu đề ra. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho nông dân trồng sầu riêng và DN Việt Nam.

Trở lại câu chuyện với sầu riêng Việt Nam, khi xuất khẩu tăng nóng cũng không thoát khỏi cảnh diện tích vùng trồng tăng nhanh, tranh mua, tranh bán, gian lận thương mại, nhất là trong việc mua bán mã số vùng trồng.

Lúc này câu chuyện liên kết lỏng lẻo của ngành lúa gạo lại được nhắc đến trong sầu riêng. Làm sao tăng cường liên kết giữa nông dân và người trồng nhằm phát triển bền vững cho toàn ngành là bài toán đang được đặt ra lúc này. Không tính sớm, tính nhanh hậu quả cũng phần nào có thể nhìn thấy được. Niềm vui hôm nay nhưng ngày mai rất có thể nhuốm nỗi buồn.

Nông nghiệp nói chung đang được xem là trụ đỡ cho nền kinh tế nhưng động đến đâu dường như cũng thấy sự liên kết còn quá lỏng lẻo. Thực tế đã được chỉ ra, người trong cuộc cũng nhìn thấy rõ nhưng hành động để cải thiện lại không đáng kể, khiến những vấn đề tưởng cũ nhưng vẫn luôn hiện hữu.

Các tin khác