Xuất khẩu sầu riêng đạt kỷ lục

(ĐTTCO) - Sầu riêng là sản phẩm hút hàng khi tiếp tục đạt kỷ lục xuất khẩu.
Sầu riêng là mặt hàng quan trọng giúp tạo nên kim ngạch ấn tượng của ngành rau quả nói chung. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Sầu riêng là mặt hàng quan trọng giúp tạo nên kim ngạch ấn tượng của ngành rau quả nói chung. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Theo số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt hơn 190 triệu USD, tăng gần 6 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Kỷ lục xuất khẩu sầu riêng có được bởi nhu cầu rất lớn từ thị trường Trung Quốc và cũng là một trong những thành tố quan trọng đóng góp vào tăng trưởng 39% của ngành hàng rau quả từ đầu năm đến nay.

So với giai đoạn giá sầu riêng đạt đỉnh vào đầu năm nay, với mức 150.000 - 190.000 đồng mỗi kg, hiện giá đã giảm còn 60.000 đồng/kg. Sự giảm giá này được lý giải bởi sầu riêng hiện đang bước vào giai đoạn chính vụ nên giá đã hạ nhiệt rất nhiều.

Tuy vậy tại thị trường Trung Quốc, nơi chiếm đến 84% kim ngạch xuất khẩu, sầu riêng vẫn đang là sản phẩm hút hàng liên tục khi được bán với giá khoảng 50 Nhân dân tệ mỗi kg, khoảng 160.000 đồng/kg trên các trang thương mại điện tử của nước này.

Từ sau khi được ký nghị định thư, loại trái cây này cũng liên tục đạt được các kỷ lục. Kết thúc năm 2022, sầu riêng đem về 421 triệu USD, tăng gần 137% so với năm trước đó.

Trong những tháng đầu năm nay, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng nhận định sầu riêng là mặt hàng quan trọng giúp tạo nên kim ngạch ấn tượng của ngành rau quả nói chung.

"Trong quý II, tình hình xuất khẩu biên giới thuận lợi, kim ngạch cả năm có thể tăng 20% so với năm 2022, khoảng 4 tỷ USD, nhờ kim ngạch của mặt hàng sầu riêng, chuối và mít", ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết.

Việc trồng sầu riêng ở các vùng của Trung Quốc hiện chưa mang lại năng suất tốt, trong khi đó nhu cầu từ thị trường tỷ dân này lại rất lớn. Đó cũng chính là lý do cho nhận định rằng nếu tận dụng tốt các lợi thế thị trường, trái sầu riêng Việt Nam có thể tiếp tục đạt được các kỷ lục xuất khẩu mới.

"Nếu chúng ta xây dựng thương hiệu, đảm bảo sản phẩm sản xuất sạch, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm thì tôi nghĩ xuất khẩu trái sầu riêng sang thị trường Trung Quốc sẽ rất thuận lợi", ông Lưu Văn Phi, Giám đốc Sở Công thương Tiền Giang, đánh giá.

"Xây dựng các chuỗi kết nối nông nghiệp hai nước, từ đó kể cả xuất, nhập, trên cơ sở các chuỗi cung ứng nông sản này, cơ quan chức năng hai nước sẽ tạo điều kiện, vướng gì gỡ đó. Ngay cả yến, sầu riêng, các bạn rất là cần", ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thông tin.

Thị trường thuận lợi đang là điều kiện tốt nhất để sầu riêng có thể lần đầu đạt kim ngạch 1 tỷ USD trong năm nay. Tuy nhiên, đây sẽ là cuộc canh tranh của các quốc gia Đông Nam Á khi sầu riêng Thái Lan đã có chỗ đứng rất tốt, sầu riêng Malaysia liên tục cháy hàng hay "tân binh" Phillipines với mục tiêu thu về hàng trăm triệu USD kim ngạch từ thị trường Trung Quốc.

Các tin khác