Xuất khẩu thủy sản vượt ngưỡng 8-10 tỷ USD bằng cách nào?

(ĐTTCO) - Một trong những vấn đề của ngành thủy sản trong những năm gần đây là kim ngạch xuất khẩu cũng chỉ cầm chừng quanh mốc từ 8-10 tỷ USD/năm.

Tại hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 của Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP đã có những chia sẻ về ngành thủy sản.

Theo ông Nam, mặc dù kết quả xuất khẩu năm 2024 là ấn tượng, nhưng ngành thủy sản vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức lớn trong bối cảnh toàn cầu thay đổi nhanh chóng và bất định.

Một trong những vấn đề nổi bật cần xem xét đó là 5-6 năm qua, kết quả xuất khẩu thủy sản cũng chỉ cầm chừng 8-10 tỷ USD/năm (ngoại trừ 2022), trong khi chiến lược phát triển ngành đến 2030 đặt mục tiêu mong muốn là 14-16 tỷ USD. Tức là phải giữ được tốc độ tăng trưởng 2 con số (10-15%/năm).

"Dự báo tăng trưởng tiêu thụ thủy sản toàn cầu chỉ đạt mức 5-6%/năm trong khi ngành thủy sản Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 2 con số trong thời gian tới. Để đạt được mục tiêu này, ngành không chỉ cố gắng giữ vững thị phần, tăng hàm lượng chế biến giá trị gia tăng mà ngành cần nghiên cứu để có một mô hình tăng trưởng mới phù hợp", ông Nam cho hay.

Đại diện cho tiếng nói của ngành, ông Nam đưa ra một số đề xuất: tạo động lực cho nông - ngư dân nuôi trồng và khai thác thủy sản bằng giải pháp xây chợ đấu giá để bán được giá tốt nhất cho ngư dân và tập trung được dữ liệu truy xuất nguồn gốc.

Cần rà soát, sửa đổi phù hợp các quy định liên quan đến kích thước khai thác tối thiểu của một số loài, đặc biệt là cá ngừ vằn, ngừ vây vàng và các loài di cư.

Có chiến lược xây dựng mô hình các tập đoàn/DN lớn về khai thác biển để hợp tác khai thác với các quốc gia có biển, không chỉ mở rộng phạm vi hoạt động mà còn tạo động lực mới cho ngư dân khai thác biển, cho nguồn nguyên liệu dồi dào bền vững hơn.

VASEP kiến nghị Chính phủ, Bộ Ngoại giao và Bộ Công Thương thúc đẩy việc đàm phán với Hàn Quốc để bãi bỏ hạn ngạch đối với tôm Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc trong khuôn khổ Hiệp định VKFTA nhằm điều chỉnh thuế suất về 0% cho tôm Việt Nam.

Theo VASEP nên tổ chức ngày thủy sản Việt Nam (Vietnam Seafood day) trong khối ASEAN, đây là cách Thái Lan đã & đang làm tốt thời gian qua về ngày hàng Thái Lan tại nhiều nước ở khu vực ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản. Hay như Hàn Quốc đã đẩy mạnh chương trình “K-Food” trên toàn thế giới, và Việt Nam với mạng lưới ngoại giao tốt có thể thí điểm tổ chức chương trình “V-Food”.

VASEP cũng kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Kiến nghị NHNN tiếp tục chỉ đạo ưu đãi lãi vay USD dưới 4% cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Các tin khác