Rau, gia vị tiềm năng xuất khẩu bị lãng quên
Ông Phú cho rằng, với lợi thế địa lý trải dài trên nhiều vùng khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau nên Việt Nam có sự đa dạng sinh học rất khác biệt để tạo ra được những sản phẩm nông sản gồm rau gia vị và các loại gia vị có những hương vị cũng như chất lượng rất đặc trưng khác biệt với lại những sản phẩm cùng loại trên thế giới.
Trong khi đó, nhu cầu của các thị trường về nhóm mặt hàng rau, gia vị này thời gian qua và tương lai là rất lớn như tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Bắc Âu, Mỹ… Đặc biệt, khi xu hướng tiêu dùng những sản phẩm rau gia vị cũng như gia vị từ có nguồn gốc từ tự nhiên, thân thiện môi trường và được nuôi trồng canh tác theo lối hữu cơ tại các thị trường này luôn được coi trọng.
“Đối chiếu lại với những cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do thì nhóm sản phẩm rau, gia vị được cắt giảm thuế về 0%. Nhóm sản phẩm này còn rất nhiều tiềm năng để xuất khẩu, nên trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ cùng với Bộ NN&PTNT và các hiệp hội bàn kế hoạch cụ thể kế hoạch để làm sao để thực hiện việc XTTM có hiệu quả”, ông Phú cho biết.
Để làm được điều này, ông Phú cho rằng, trước mắt Cục Xúc tiến thương mại sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan như các Hiệp hội, các đơn vị liên quan của Bộ NN&PTNT hướng dẫn cho các trang trại, các nhà sản xuất, nuôi trồng rau gia vị canh tác theo đúng quy trình, tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để đạt được những chứng chỉ quốc tế liên quan, như sản phẩm hữu cơ, sản phẩm sạch theo đúng tiêu chuẩn về vệ sinh ATTP của thị trường nhập khẩu.
Cục XTTM cũng trao đổi và hợp tác với các tổ chức quốc tế, để có những hoạt động hướng dẫn cụ thể cho các DN, những trang trại nuôi trồng rau gia vị hoặc chế biến sản phẩm gia vị để các sản phẩm này đạt được những chứng nhận quốc tế uy tín trên thế giới.
“Với sự vào cuộc của các tổ chức xúc tiến thương mại quốc tế cùng các cơ quan hữu quan trong nước, sẽ hỗ trợ ngành rau gia vị trở thành một thương hiệu và hình ảnh để quảng bá trong nước và ra nước ngoài một cách hiệu quả nhất tại các thị trường trọng điểm nhất như Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Hi vọng rằng kế hoạch này thì sẽ triển khai trong vòng 5 năm tới”, ông Phú mong muốn.
Chú trọng vài trò của tư vấn quảng bá sản phẩm
Chia sẻ kinh nghiệm của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) trong việc tổ chức hoạt động tuyên truyền, quảng bá năng lực sản xuất và xúc tiến xuất khẩu có ứng dụng công nghệ thông tin, bà Tô Tường Lan, Phó Tổng thư ký VASEP cho biết, đối với các triển lãm truyền thống, nếu các Hiệp hội ngành hàng chỉ đưa các đoàn DN tới và tổ chức hoạt động giao dịch với khách hàng thì chỉ là bước XTTM đầu tiên.
Đối với VASEP, Hiệp hội đã cố gắng tổ chức truyền thông ngay tại các gian hàng triển lãm, để các đối tác nhận diện sản phẩm thủy, hải sản của Việt Nam được rõ nét hơn. Trong trường hợp có nhiều kinh phí, Hiệp hội sẽ mời 1 công ty tư vấn để họ quảng bá đến những nhóm khách hàng có nhu cầu đến làm việc với các DN Việt Nam tại các gian hàng triển lãm.
“Trong các kỳ hội chợ triển lãm toàn cầu và tại châu Âu, công ty tư vấn đã đưa ra những đối tác quan tâm đến các sản phẩm cá ngừ. Các đối tác này đã đến gian hàng để tìm hiểu về tiềm năng của Việt Nam khi cần đáp ứng nhu cầu của họ”, bà Lan dẫn chứng.
Cũng theo bà Lan, hiện nay các DN làm xuất khẩu vẫn chưa chú ý đến cách tiếp cận người tiêu dùng cuối cùng, đặc biệt là người tiêu dùng nước ngoài nên thường họ không hiểu nhiều về sản phẩm của Việt Na. Khi người tiêu dùng không biết xuất xứ của sản phẩm đó ra sao; không có sự tin tưởng vào sản phẩm đương nhiên sẽ dẫn đến chuyện họ không mua sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam.
Chính vì thế, bà Lan cho rằng các DN xuất khẩu cần phải có sự chuẩn bị tốt cho quá trình phát triển bền vững, sẵn sàng đáp ứng những tiêu chuẩn của các hệ thống cung cấp và hệ thống siêu thị trong nước và nước ngoài. Chỉ khi có đầy đủ những điều kiện như vậy, các hiệp hội, ngành hàng mới thực hiện các chương trình marketing online có hiệu quả.
Đánh giá về Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2020, ông Đỗ Thắng Hải cho rằng, các ý kiến đã tập trung trao đổi về việc đổi mới các hình thức xúc tiến thương mại theo hướng đa dạng, linh hoạt, hiệu quả. Huy động và lồng ghép các nguồn lực trong nước và quốc tế để đẩy mạnh hoạt động, tăng cường quảng bá năng lực sản xuất, thế mạnh của sản phẩm Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu có năng lực, đáng tin cậy và có uy tín.
“Những thông tin trao đổi tại Diễn đàn không chỉ hữu ích cho các DN Việt Nam khi phát triển chiến lược kinh doanh, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu mà còn gợi mở nhiều định hướng, giải pháp cho chính quyền các địa phương, hiệp hội ngành hàng trong việc nâng cao khả năng cung cấp hoạt động hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển xuất khẩu bền vững”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá.