Tác động toàn cầu
Theo các chuyên gia của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cuộc chiến Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt sẽ tác động nặng nề đến nền kinh tế toàn cầu. IMF cho biết sẽ tư vấn các nước thành viên về cách điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô để quản lý phạm vi tác động lan tỏa, bao gồm thông qua gián đoạn thương mại, giá thực phẩm và hàng hóa khác và thị trường tài chính.
Tổ chức nghiên cứu độc lập có trụ sở tại London là Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Quốc gia (NIESR), đã định lượng mức độ ảnh hưởng dự kiến đối với nền kinh tế toàn cầu nếu xung đột kéo dài. NIESR cho biết cuộc chiến này gây ra các vấn đề về nguồn cung có thể làm giảm 1% mức GDP toàn cầu, tương đương 1.000 tỷ USD vào năm 2023. NIESR cũng dự báo các vấn đề về nguồn cung sẽ khiến giá cả tăng, gây ra lạm phát toàn cầu thêm khoảng 3% vào năm 2022 và 2% vào năm 2023.
Các thông tin chính thức cho thấy, kể từ khi xung đột Nga -Ukraine bùng phát, Brent, tiêu chuẩn toàn cầu cho dầu thô trong giao dịch thương mại châu Á, lần đầu tiên chạm mức cao 139USD/thùng (ngày 7-3) kể từ năm 2008. Giá lúa mì kỳ hạn tăng lên 12,94USD/giạ, cũng là mức cao nhất kể từ năm 2008. Các kim loại công nghiệp chủ chốt như đồng ở mức 10.835USD/tấn và nhôm ở mức 4.000USD/tấn, giao dịch ở mức cao nhất mọi thời đại.
Theo ước tính của bà Sonal Verma, Kinh tế trưởng Viện nghiên cứu Nomura, có trụ sở tại Singapore phụ trách khu vực Ấn Độ và châu Á ngoài Nhật Bản, cứ 10% giá dầu tăng có thể làm giảm 0,03 điểm phần trăm tăng trưởng GDP của Singapore và thêm 0,2 điểm vào lạm phát.
Theo đánh giá từ các chuyên gia của A.P. Moller-Maersk, một trong những hãng vận tải container lớn nhất thế giới gần đây, đã tham gia danh sách mở rộng các chủ hàng tạm dừng đặt hàng đối với hàng hóa của Nga, các lệnh trừng phạt đối với Nga đang làm tăng chi phí vận tải bằng cách làm phức tạp thêm việc di chuyển hàng hóa. Trong một báo cáo ngày 4-3, Maersk cho biết các cơ quan hải quan ở Liên minh châu Âu (EU) và Anh đang kiểm tra tất cả đơn vị đến và đi từ Nga quá cảnh các nhà ga và cảng của họ, để xác định các lô hàng bị xử phạt và hạn chế, chủ yếu tập trung vào các bên và hàng hóa bị xử phạt.
Báo cáo viết: “Đây là hậu quả trực tiếp của các lệnh trừng phạt, nhưng cũng có những tác động gián tiếp do tất cả hàng hóa đang bị trì hoãn, các trung tâm trung chuyển của chúng tôi đang bị tắc nghẽn, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của khách hàng. Đây là tác động toàn cầu, không chỉ giới hạn trong thương mại với Nga”.
Theo bà Verma, xung đột đang diễn ra đang đè nặng lên chuỗi cung ứng mới bắt đầu được cải thiện sau cú sốc biến thể Delta năm ngoái. Tỷ lệ hàng tồn kho công nghiệp của Đông Bắc Á, một thước đo chính để đo lường hạn chế nguồn cung, đã tăng từ 0,99 vào tháng 6-2021 lên 1,07, gần với mức thịnh hành vào năm 2019 trước đại dịch. Bà lưu ý tỷ lệ này phản ánh lượng hàng tồn kho dự trữ nhanh hơn. Bà cảnh báo xung đột Nga - Ukraine có thể đe dọa chuỗi cung ứng một lần nữa, với chi phí vận chuyển và hậu cần sẽ tăng lên.
Trật tự thế giới mới
Trật tự thế giới mới
Trước khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, nhiều nhà phân tích chiến lược coi sự xuất hiện của trật tự thế giới mới sau Chiến tranh Lạnh là “sự giằng co hữu cơ và kéo theo sự cạnh tranh có tổng bằng 0 giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo GS. Chan Heng Chee từng là Đại sứ Singapore tại Mỹ trong 16 năm, hiện đang giảng dạy tại Trung tâm Lý Quang Diệu và Đại học Công nghệ - Thiết kế Singapore, những gì chúng ta đang thấy là sự chia rẽ ngày càng gia tăng giữa Mỹ và châu Âu và các đồng minh như Australia, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc - một bên chống lại Nga, bên kia là tiềm năng lôi kéo Trung Quốc. Nhưng nó không chỉ đơn giản là cuộc chiến tranh lạnh sắp xếp lại quá khứ mà sẽ phức tạp hơn nhiều. Đây là một bộ phận sẽ không chỉ dựa trên các vấn đề an ninh và quân sự, mà sẽ ảnh hưởng đến dòng đầu tư, thương mại và công nghệ.
Theo GS. Chan, trật tự thế giới mới sẽ là sự lặp lại phức tạp hơn của trật tự Chiến tranh Lạnh cũ vì một số lý do, trong đó có việc Trung Quốc đang tìm kiếm lập trường có thể cân bằng quan hệ đối tác “không có giới hạn” với Nga, duy trì nguyên tắc của Liên hợp quốc về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước và bảo vệ các lợi ích kinh tế quan trọng của nước này. Bà Chan cho rằng có một nhóm quốc gia ở các khu vực khác sẽ chia rẽ sự liên kết về an ninh và kinh tế. Họ không coi điều này là mâu thuẫn và cũng không phải là sự liên kết độc quyền. Họ muốn chiếm không gian thứ 3, nhưng chuyển sang hợp tác với Mỹ hoặc với Trung Quốc tùy vấn đề. Họ có lập trường về các vấn đề quan trọng. Trong 3 thập niên qua kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nhiều nước châu Á đã phát triển kinh tế và hệ thống chính trị, đồng thời đưa ra các sáng kiến nhằm nâng cao lợi ích của chính mình.
Có nhiều khả năng Singapore sẽ không nằm trong nhóm các nước bà Chan vừa nói, vì đảo quốc Sư tử có lập trường mạnh mẽ hơn chống lại Nga. Nguyên nhân có thể do Singapore ít liên kết với Nga cả về kinh tế và quân sự, thương mại với Nga cũng chiếm tỷ trọng không đáng kể trong tổng kinh ngạch thương mại. Vì thế, nền kinh tế Singapore có thể ít bị ảnh hưởng trực tiếp hơn bởi cuộc chiến ở Ukraine hoặc các lệnh trừng phạt đối với Nga, nhưng tác động tiềm tàng đối với tăng trưởng toàn cầu và lạm phát gia tăng có thể gây ảnh hưởng xấu đến triển vọng kinh tế của nước này.
Ông Gan Kim Yong, Bộ trưởng Bộ Thương mại - Công nghiệp Singapore, cho biết dù bị tác động gián tiếp và lâu dài từ xung đột Nga-Ukraine, nhưng Singapore vẫn duy trì các dự báo cho năm 2022, bao gồm tăng trưởng GDP 3-5%, lạm phát tiêu dùng 2,5-3,5% và lạm phát cơ bản 2-3%, nhưng cũng cảnh báo những tỷ lệ này sẽ tăng.
------------------
(*)
------------------
(*)