Dù yêu dù ghét cũng phải thừa nhận, mạng xã hội đã trở thành một cái chợ. Chức năng chia sẻ video của Youtube đã biến chất, câu khuyến dụ “bạn đang nghĩ gì” của Facebook cũng không còn duy trì được mong muốn kết nối các tình cảm tốt đẹp.
Chính hai quyền lực Youtube và Facebook cũng không còn giấu giếm mục đích thương mại, mua bán tràn lan, biến chất, ảnh hưởng thuần phong mỹ tục… nên mạng xã hội đã biến thành nơi thi thố những tham vọng kiếm tiền được ngộ nhận là nhanh nhất và dễ nhất.
Chính đạo ít tà đạo thì nhiều
Để kiếm được tiền trên mạng xã hội, có hai con đường khác biệt: chính đạo hoặc tà đạo. Chính đạo thì cần tài năng độc đáo, hoặc có những nội dung mang giá trị lan tỏa năng lượng tích cực cho cộng đồng. Chính đạo quá khó, còn tà đạo muôn hình vạn trạng, miễn sao độc và lạ là thu hút lượt xem và có tiền chảy vào túi. Sự cạnh tranh khốc liệt đã khiến sự nhảm nhí tăng vọt theo cấp số nhân.
Sự nhảm nhí ban đầu trên Youtube là những phim về đề tài giang hồ. Nghệ sĩ nghiệp dư lẫn nghệ sĩ tên tuổi đều đầu tư vào phân khúc giải trí béo bở này. Hàng loạt phim giang hồ đã xuất hiện như “Chết thì chịu”, “Ông trùm”, “Thập tam muội”, “Người của giang hồ”, “Đại ca đi học”…
Thế nhưng, phim ảnh mang tính hư cấu thì vẫn kém hấp dẫn hơn người thật việc thật. Vậy là sản sinh ra một loại “ngôi sao” khủng khiếp được mệnh danh “giang hồ mạng” như Dương Minh Tuyền, Huấn Hoa Hồng, Khá Bảnh, Quang Rambo, Đường Nhuệ…
Không chỉ phô diễn những hình xăm trổ và những hành vi ngổ ngáo, mà “giang hồ mạng” còn lãng mạn nghệ thuật như các tài tử và các ca sĩ thời thượng. Ví dụ tiêu biểu nhất là Phú Lê. Trước khi bị bắt vì tổ chức hành hung người khác, kênh Youtube của Phú Lê có những ca khúc như “Đời là thế thôi” hoặc “Con xin lỗi mẹ” đạt con số 100 triệu lượt xem, khiến nhiều danh ca ngỡ ngàng đến mức ganh tỵ.
Sau khi cơ quan chức năng kiên quyết trấn áp “giang hồ mạng”, thì các màn bạo lực nhường chỗ cho các màn nhố nhăng. Một kênh chuyên làm các trò troll (chơi khăm) cũng nhanh chóng có hơn 500.000 người theo dõi thường xuyên.
Hết chơi khăm “Troll lấy cắp tiền, đập bể heo đất của em gái, em trai đi ăn chơi và cái kết", rồi “Troll trộm gà nhà em hàng xóm nướng siêu cay mời em hàng xóm mời team", lại đến chơi khăm “Troll em gái, em trai ăn nồi cháo gà nguyên lông và cái kết”.
Bên cạnh đó, những loại kỷ lục vớ vẩn được dịp ganh đua, kênh thì khoe ngực khủng mông khủng, kênh thì khoe món ăn siêu khủng. Món ăn càng to càng thu hút sự chú ý, dù sau khi hoàn thành thì sản phẩm ẩm thực có bộ dạng đáng kinh tởm và không có tác dụng gì.
Mạng xã hội chia đều cơ hội cho mọi người, dù ở bất cứ không gian sinh sống nào. Do đó, tại những vùng nông thôn yên bình, bỗng dưng bùng nổ những “ngôi sao” Youtube. Cá biệt, có trường hợp cả nhà cùng làm Youtuber.
Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là liệu những người dân quê có thể tung tẩy những ý tưởng lố lăng để kiếm tiền không? Câu trả lời rất đơn giản, nhiều công ty quảng cáo đã đứng sau lưng để tư vấn và chia chác lợi nhuận với các kênh như Bà Tân Vlog hoặc Hưng Vlog.
Nhảm nhí ngoài tầm kiểm soát
Sự nhảm nhí trên Youtube đang biến tướng cực kỳ khó lường. Bởi lẽ, kênh ra sau buộc lòng phải nhảm nhí hơn kênh ra trước thì mới mong thu hút được người xem. Những video đạt con số chục triệu lượt xem đều có nội dung rất phản cảm, như hành hạ thú cưng hoặc giết mổ động vật hoang dã.
Nói chung, càng quái dị thì càng sôi động. Video ăn một ký ớt thì thua video nhai cả rổ khoai lang sống. Thậm chí, video cô gái chọc cho con chó rượt cắn nóng bỏng tương đương video chàng trai vừa nuốt cơm vừa hít đất vừa hát “Đắp mộ cuộc tình”. Nói chung, sự nhảm nhí đi kèm sự vô bổ chỉ nhằm mục đích chiều chuộng thị hiếu rẻ tiền của đám đông.
Kiếm tiền trên Youtube luôn chịu sự khống chế của nhà điều hành nền tảng số này. Còn kiếm tiền trên Facebook thì tinh ranh bán hàng nhái, hàng giả. Dù thỏa hiệp với Facebook về giao dịch “được tài trợ”, nhưng tài khoản ấy kinh doanh thế nào thì Facebook hoàn toàn đứng ngoài cuộc.
Trên các diễn đàn đã có không ít lời tố cáo những người nổi tiếng bán hàng kém chất lượng trên Facebook, nhưng tệ nạn ấy vẫn không thể khắc phục. Hầu hết các mặt hàng đều được mua bán trên Facebook thông qua hình thức livestream, từ mắt kính, quần áo cho đến mật ong, đông trùng hạ thảo…
Người bán cứ rao vung vít, còn người mua thì ngậm đắng nuốt cay khi bỏ tiền thật nhận hàng đểu. Tất cả loại hàng tồn kho, hàng giá rẻ đều được rao bán trên Facebook với cam đoan chắc nịch là hàng nhập ngoại.
Tuy nhiên, điều kinh khủng nhất trên Facebook là chuyện hở hang để bán hàng. Bán đồ lót thì chủ tài khoản chỉ mặc đồ lót, đã khó chấp nhận. Quái gở hơn, bán gạo sạch mà chủ tài khoản cũng mặc bikini. Có nhiều show livestream bán hàng mà cô gái đứng trước ống kính lăn, trườn, lê, lết trong trang phục thiếu vải không khác gì phim 18+.
Sự nhảm nhí trên mạng xã hội gần như nằm ngoài tầm kiểm soát của Youtube và Facebook. Những phản hồi của người dùng mạng xã hội cũng không được Youtube và Facebook xử lý thỏa đáng. Vì sao? Vì Youtube và Facebook đều được chia lợi nhuận từ hiệu quả kinh tế mà các nội dung nhảm nhí mang lại.
Youtube và Facebook luôn tranh thủ những tài khoản có lượng theo dõi cao để chèn quảng cáo cho khách hàng của họ. Chưa kể, những tài khoản phản cảm còn được ưu tiên khi đưa vào “xu hướng” tìm kiếm cho người dùng mạng xã hội.
Sự nhảm nhí trên mạng xã hội đang làm lệch lạc thẩm mỹ cho giới trẻ và tạo ra tâm lý bất an cho đời sống cộng đồng. Sự nổi tiếng (hoặc nổi tiếng kiểu tai tiếng) trên mạng xã hội luôn song hành với thu nhập thực tế, nên không gian ảo giống như mảnh đất màu mỡ cho mọi biểu hiện kệch cỡm.
Cá nhân nào cũng nhân danh “nhà sản xuất nội dung” nhưng thực chất lại dùng mọi toan tính thấp hèn để kiếm tiền. Một kênh nhạc chế tào lao có lượng theo dõi gấp 10, gấp 100 một kênh nhạc Việt chính thống, có nghĩa là chúng ta đang đối diện với sự tuột dốc của văn hóa.
Kêu gọi sự thức tỉnh của những “nhà sản xuất nội dung” trên mạng xã hội, không khác gì nhiệm vụ bất khả thi. Bởi lẽ, nhiều người nổi tiếng cũng đang nhúng chân vào thị trường bát nháo này, thì không thể trách móc những kẻ vô công rỗi nghề khác.
Ngoài ra, chính những công ty quảng cáo đang cổ súy cho sự nhảm nhí nhằm trục lợi gián tiếp. Chẳng hạn, một game show phát sóng trên truyền hình đã được biên tập hợp lý, thì đơn vị giữ bản quyền lại tung lên mạng một game show chưa được gọt giũa với những hình ảnh khiêu khích và ngôn từ tục tĩu nhằm câu view.
Truyền hình và mạng xã hội bỗng dưng trở thành hai phiên bản đối nghịch nhau, nửa ngọt ngào nửa man trá. Và khi sự nhảm nhí lan tràn, thì không ai cảm thấy có lỗi. Mọi hệ lụy đều trút hết vào công chúng, mọi nhức nhối đều dồn hết vào người dùng mạng xã hội.