Tháo gỡ 92 dự án gặp khó khăn, vướng mắc
Ông Lê Hoà Bình, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết Tổ công tác về đầu tư được thành lập theo Quyết định 6742/QĐ-UBND ngày 29-12-2017 của UBND TP. Trải qua hơn 3 năm hoạt động, Tổ công tác được xem là mô hình sáng tạo, đột phá mang lại hiệu quả thiết thực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, xây dựng các chính sách kiến tạo và phát triển của TP.
Tổ công tác do Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, làm tổ trưởng cùng các thành viên là các Phó Chủ tịch UBND TP và thủ trưởng các sở ngành chủ chốt.
Trong hơn 3 năm qua, 18 nội dung liên quan đến 4 nhóm vấn đề chính đã được Tổ công tác kết luận chỉ đạo chung về mặt chủ trương, định hướng. Tổ công tác cũng đã kết luận hướng xử lý vướng mắc đối với 92 dự án. Ngoài ra, 108 đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng được Tổ công tác tiếp nhận, phân loại, xử lý.
Đáng chú ý, nhiều giải pháp liên quan đến huy động và phát huy nguồn lực trong xã hội để thực hiện các dự án đầu tư đã được Tổ công tác đưa ra như: Phát triển đô thị xung quanh nhà ga, tạo nguồn thu từ quỹ đất các tuyến metro; áp dụng phương thức BLT trong đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của thành phố (đối với các dự án đầu tư nhóm A)…
Trong 92 dự án được Tổ công tác kết luận hướng xử lý vướng mắc nêu trên, hiện có 35 dự án, với tổng mức đầu tư hơn 320.000 tỷ đồng, cơ bản thực hiện xong nội dung chỉ đạo, các khó khăn đã được tháo gỡ, đang triển khai thực hiện các bước đầu tư tiếp theo. 57 dự án cần đánh giá lại pháp lý, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn lấy ý kiến hướng dẫn của các Bộ ngành hoặc xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để củng cố hồ sơ pháp lý, làm cơ sở để tiếp tục triển khai thực hiện dự án.
Bước qua năm 2021, năm chủ đề thực hiện “Xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư” theo Quyết định 40/QĐ-UBND ngày 6-1-2021 của UBND TP, Chính quyền TP cũng đề ra các nhiệm vụ, chỉ tiêu phải đạt được, đảm bảo thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ là vừa kiểm soát tốt dịch Covid-19 song song với phục hồi và phát triển kinh tế.
Để đạt được những mục tiêu đó, TPHCM đã xây dựng Dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 1-1-2021 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với 10 nhóm giải pháp: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan trên địa bàn TP. Tiếp cận nguồn lực đất đai. Chuyển đổi số và khoa học công nghệ. Nhóm giải pháp về đầu tư công. Nhóm giải pháp về quy hoạch và xây dựng. Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Tiếp cận nguồn lực tài chính. Hoàn thiện thể chế pháp lý, nâng cao ý thức thực thi pháp luật đảm bảo an ninh trật tự, giữ vững ổn định chính trị xã hội. Khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh.
Chia sẻ từ doanh nghiệp, nhà đầu tư
Xung quanh 10 nhóm giải pháp được đưa ra nhằm cải thiện môi trường đầu tư của TP, các hiệp hội trong và ngoài nước, các doanh nghiệp đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực với mong muốn môi trường đầu tư của TP ngày càng hoàn thiện hơn nữa, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư.
Chủ tịch Phòng thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) ông Nicolas Audier khẳng định các doanh nghiệp Châu Âu đánh giá cao các nỗ lực của TP trong việc cải thiện môi trường đầu tư. Ông Nicolas rất ủng hộ nhóm giải pháp cải cách thủ tục hành chính đặc biệt là việc đôn đốc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên địa bàn. Tuy nhiên ông cũng bày tỏ băn khoăn về quá trình xin giấy phép đầu tư, tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp Châu Âu khi đến TPHCM. Bên cạnh đó các doanh nghiệp Châu Âu cũng lo ngại vấn đề gia hạn giấy phép lao động cho người nước ngoài ở Việt Nam.
Đồng tình với một số góc nhìn của EuroCham, đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham Việt Nam) cũng cho rằng một số thành viên của Amcham gặp khó khi xin gia hạn giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài. Vị này còn đề xuất Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng có thể xem xét việc rút ngắn thời gian cách ly với các doanh nhân nước ngoài đã tiêm vaccine phòng Covid -19.
Chia sẻ góc nhìn của mình về kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư của TP năm 2021, Trưởng đại diện tổ chức xúc tiến và ngoại thương Nhật Bản (Jetro) cho rằng dự thảo kế hoach đã rất tốt nhưng sẽ tốt hơn nếu tăng kết nối giữa TPHCM và các tỉnh lân cận. Ông cũng cho biết hiện các nhà đầu tư Nhật Bản rất quan tâm đến thị trường Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng.
Ở góc nhìn của hiệp hội, doanh nghiệp trong nước, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch hội doanh nhân trẻ Việt Nam đã có một số kiến nghị nhằm cải thiện môi trường đầu tư của TP. Trong đó ông Hồng Anh có đề xuất nên cho các hiệp hội tham gia vào ban chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính của TP để có những hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp.
Cũng ở góc nhìn của các doanh nghiệp, ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp TPHCM cho rằng TPHCM luôn là điểm đến của những người khởi nghiệp, của những nhà xuất nhập khẩu và điểm đến của những người mua hàng lớn trên thế giới dù chi phí nhân công không rẻ. Tuy nhiên để cải thiện môi trường đầu tư thì các thủ tục cần nhanh hơn. Hiện nay các thủ tục liên quan đến khu công nghiệp tại TPHCM khá chậm điều này tạo ra làn sóng các nhà đầu tư sản xuất, chế biến đi qua các tỉnh khác.
Lắng nghe các chia sẻ của đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đánh giá cao các ý kiến và cho biết TP sẽ ghi nhận tất cả các ý kiến và giao Sở KH-ĐT chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn chỉnh Kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư của thành phố, tham mưu đề xuất UBND TP ban hành trước ngày 31-3-2021.
Chủ tịch TPHCM Nguyễn Thành Phong đã nhấn mạnh Tổ công tác đầu tư là mô hình đầu tiên của cả nước, thành lập để đẩy nhanh tiến độ và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các dự án trên địa bàn TP, đây còn là quyết tâm mạnh mẽ của Chính quyền TP trong việc cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 35 của Chính phủ.
“Chính quyền TP luôn cầu thị, mong muốn giải quyết mọi khó khăn chính đáng của doanh nghiệp bằng những hành động thực chất, cụ thể để có thêm nhiều dự án được tháo gỡ thông qua cơ chế hoạt động của Tổ công tác đầu tư, góp phần xây dựng môi trường đầu tư thành phố ngày càng minh bạch, thông thoáng”, ông Phong khẳng định.