Báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011- 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực.
Ổn định vĩ mô
Theo báo cáo của Chính phủ, tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, từ 18,13% năm 2011 xuống còn khoảng 2% vào năm 2015, thấp nhất trong 15 năm qua. Mặt bằng lãi suất giảm, năm 2015 chỉ bằng 40% so với năm 2011; dư nợ tín dụng tăng 17%, cao nhất kể từ năm 2011, chất lượng tín dụng từng bước được cải thiện. Tỉ giá được điều chỉnh phù hợp; thị trường ngoại hối cơ bản ổn định; niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng lên; khắc phục một bước quan trọng tình trạng đô-la hoá, vàng hoá trong nền kinh tế.
Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 18%/năm, tỉ trọng xuất khẩu sản phẩm chế biến, chế tạo tăng mạnh; nhập khẩu tăng 15%/năm; tỉ lệ nhập siêu giảm từ 10,2% năm 2011 xuống còn 3,6% năm 2015. Cán cân thanh toán quốc tế thặng dư khá cao; dự trữ ngoại hối năm 2015 đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Quản lý ngân sách nhà nước (NSNN) được tăng cường. Thu từ dầu thô giảm mạnh nhưng thu nội địa tăng nên tổng thu ngân sách năm 2015 vẫn tăng 7,4% và 5 năm gấp khoảng 2 lần so với giai đoạn trước.
Chi ngân sách gấp 2,17 lần, tăng chi cho con người, bảo đảm an sinh xã hội. Bội chi bình quân khoảng 5% GDP/năm.
Nợ công tập trung cho đầu tư phát triển; đến hết năm 2015, nợ công khoảng 61,3% GDP, nợ Chính phủ 48,9%, nợ nước ngoài của quốc gia 41,5%, trong giới hạn an toàn theo quy định.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội gấp khoảng 1,8 lần so với 5 năm trước, bằng khoảng 31,2% GDP. Vốn FDI thực hiện đạt 58,2 tỷ USD, tăng 31%. Vốn ODA giải ngân đạt khoảng 24 tỷ USD, tăng 70,5%.
An ninh năng lượng và cân đối cung cầu các mặt hàng quan trọng được bảo đảm. Quản lý thị trường, giá cả được tăng cường; thực hiện bình ổn giá đối với một số hàng hoá, dịch vụ thiết yếu.
Tăng trưởng hợp lý
Tăng trưởng GDP năm 2015 ước đạt trên 6,5%, cao nhất trong 5 năm qua, vượt kế hoạch đề ra (6,2%); bình quân 5 năm đạt khoảng 5,9%/năm, trong đó công nghiệp, xây dựng tăng 6,74%/năm, nông lâm thủy sản tăng 3,01%/năm, dịch vụ tăng 6,31%/năm.
Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục tăng; GDP năm 2015 đạt khoảng 204 tỷ USD, bình quân đầu người 2.228 USD.
Sản xuất công nghiệp phục hồi và tăng mạnh trong những năm cuối của kế hoạch 5 năm, trong đó năm 2015 tăng khoảng 10%, riêng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,6%. Khu vực nông nghiệp phát triển khá ổn định, giá trị sản xuất tăng 3,85%/năm.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,5%/năm; loại trừ yếu tố giá còn tăng khoảng 5,6%, trong đó năm 2015 tăng 8,7%, cao nhất kể từ năm 2011. Khách quốc tế năm 2015 đạt khoảng 7,9 triệu lượt, gấp gần 1,6 lần so với năm 2010.
Chất lượng tăng trưởng nhiều mặt được nâng lên. Tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP tăng từ 79,42% năm 2010 lên 82,5% năm 2015. Tỉ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm từ 48,4% xuống 45%.
Chỉ số năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) giai đoạn 2011-2015 đạt bình quân 28,94%/năm. Năng suất lao động tăng bình quân 3,8%/năm. Vốn đầu tư được sử dụng hiệu quả hơn.
Trong 9 tháng năm 2015, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 28,5% và vốn đăng ký tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2014. Số doanh nghiệp đang hoạt động là 525 nghìn, gấp hơn 1,5 lần so với cuối năm 2010.
Phấn đấu cao nhất những tháng cuối năm
Trên cơ sở các chỉ tiêu đạt được 9 tháng đầu năm và phấn đấu đạt kết quả cao nhất trong những tháng cuối năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, trong 14 chỉ tiêu kế hoạch của năm 2015, ước tính có 13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.
Cụ thể, có 8 chỉ tiêu vượt kế hoạch, gồm: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 6,5% (kế hoạch 6,2%); tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 3,6% (kế hoạch 5%); chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 1,5-2,5% (kế hoạch 5%); tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế 51,6% (kế hoạch 50%); tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng 14,1% (kế hoạch dưới 15%); số giường bệnh trên 1 vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) 24 giường (kế hoạch 23,5 giường); tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg) được xử lý 92% (kế hoạch 90%); tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 84% (kế hoạch là 82%).
Có 5 chỉ tiêu đạt kế hoạch, gồm: Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu 10% (kế hoạch 10%); tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP 30,5% (kế hoạch 30-32%); tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu người (kế hoạch 1,6 triệu); tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4% (kế hoạch dưới 4%); giảm tỷ lệ hộ nghèo 1,7-2% (kế hoạch 1,7-2%).
Chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tỷ lệ che phủ rừng.
Kết quả tổng điều tra, kiểm kê rừng cho thấy tỷ lệ che phủ rừng thực tế năm 2014 chỉ là 40,43% thấp hơn số báo cáo là 41,5%, nên mặc dù năm 2015 đạt kế hoạch trồng rừng mới khoảng 225.000 ha nhưng tỷ lệ che phủ rừng chỉ đạt 40,73%, không đạt chỉ tiêu đề ra (42%).
5 bài học kinh nghiệm
Trên cơ sở phân tích và nhìn nhận một cách thẳng thắn khoa học những kết quả đã đạt được cũng như những mặt còn tồn tại, hạn chế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu 5 bài học quan trọng.
Thứ nhất, phải quán triệt cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước; sáng tạo trong tư duy phát triển, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân làm mục tiêu cao nhất. Tập trung sức hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, xây dựng nhà nước pháp quyền và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tạo động lực mạnh mẽ để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ hai, phải đánh giá đúng tình hình và đề ra mục tiêu, nhiệm vụ phù hợp, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm trọng điểm, gắn trước mắt với cơ bản lâu dài và ứng phó kịp thời, phù hợp với diễn biến mới của tình hình. Bám sát thực tiễn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc và nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay. Đề cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu.
Bài học thứ ba là việc tập trung bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo cải thiện đời sống mọi mặt của người dân, đặc biệt trong điều kiện khó khăn. Đồng thời, chú trọng phát triển khu vực nông nghiệp nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Thực hiện nhất quán, thiết thực tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước phát triển. Tăng cường quyền làm chủ của người dân, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, là chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển.
Thứ tư là cùng với việc phát huy cao nhất các nguồn lực trong nước, phải chủ động hội nhập quốc tế, mở rộng và đa dạng hóa thị trường, thu hút mạnh và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bài học thứ năm là phải tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy dân chủ, đề cao kỷ luật kỷ cương; phối hợp chặt chẽ các tổ chức trong hệ thống chính trị; tập trung làm tốt công tác vận động quần chúng, thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội và sức mạnh tổng hợp trong xây dựng và thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.